Phần 2: Đi dọc con đường - Đại đội xe không kính miền Đông
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:20, 11/05/2009
Những đoàn xe vận tải vượt “tọa độ chết” trên Đường Trường Sơn. Ảnh: Vũ Ba
Bây giờ quanh nhà họ là rừng cao su đã cho khai thác mủ và các loại cây ăn trái. Những lúc không đi rẫy, họ lại ngồi uống rượu, người thì ca cải lương còn người kia ngân nga "người ơi, người ở đừng về". Câu chuyện trong bữa nhậu của họ là những kỷ niệm của một thời gian khổ, chết sống trong gang tấc trên mỗi chuyến hàng…
Ông Nguyễn Văn Minh (Ba Minh) nhập ngũ tháng 11-1965 và không tập lái một ngày nào nhưng được giao ngay một chiếc xe GMC vì trước khi đi bộ đội, ông đã có nhiều năm "lái xe lậu" chở mủ cao su. Cụ thân sinh ra bố ông và cả bố ông là lái xe cho công ty cao su từ thời đồn điền còn của người Pháp. Mới 15 tuổi, ông theo phụ xe cho cha và học lái. 17 tuổi thì lái thành thạo, nối nghiệp cha ông làm lái xe đồn điền ở Bình Long. Tình cờ một lần cha ông gặp tướng Huỳnh Văn Nghệ khi đó là Trưởng ban căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Biết ông lái xe có thâm niên, ông Huỳnh Văn Nghệ hỏi con trai biết lái xe không thì cho theo bộ đội giải phóng vì đang cần người lái xe chở hàng từ biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia về. Bố ông gật đầu và thế là Ba Minh trở thành chiến sỹ lái xe cho Cục Hậu cần miền. Hàng hóa từ miền Bắc, mua hợp pháp ở Cam-pu-chia được tập kết tại tỉnh Ratakiri giáp ranh với Phước Long, nhưng muốn vận chuyển vũ khí nhiều và nhanh chỉ có cách mở đường cơ giới vào sát nách địch. Và thế là những nhánh của Đường 559 ở miền Đông đã hình thành. Ông Minh được phân về trung đội xe với hơn chục chiếc. Năm 1968, đơn vị được bổ sung lính lái xe từ miền Bắc vào nên từ trung đội nâng cấp lên thành tiểu đoàn và ông được giao làm đại đội trưởng Đại đội 3. Xe của đơn vị gồm các loại xe của Mỹ và của Pháp vì xe từ miền Bắc chưa vào được miền Đông. Nhiệm vụ của Đại đội 3 là nhận hàng phía bắc tỉnh Ratakiri (Cam-pu-chia) chở về sóc Bom Bo. Từ đây, hàng lại được chở tiếp đến suối Đá Bàng và xuống tận vùng tiếp giáp với Biên Hòa (nay thuộc tỉnh Đồng Nai). Để máy bay không phát hiện được, xe nào cũng phải đập bỏ kính để ánh sáng không phản quang. Về đến hậu cứ là phải đưa ngay xuống hầm. Khác với vận chuyển hàng ở miền Bắc, địch chỉ ở trên đầu, lái xe trong vùng địch và giáp ranh với căn cứ địch phải lo đối phó khi địch phục kích, ném bom hay bao vây. Sau vài chuyến lại phải tìm những con đường mới vì sợ địch phát hiện. Có những lần nhận được tin địch phục kích, quay về căn cứ thì vũ khí không đến được tay đồng đội, thế là phải cố mò mẫm tìm đường mới. Ông liều mình cho xe chạy qua trảng tranh, men theo bìa rừng rồi xác định hướng đến địa điểm giao hàng...
Ông Trịnh Xuân Sắc sinh năm 1947, nhập ngũ năm 1965, tập tành ít bữa, ông được đưa sang Trung Quốc học lái xe. Sau gần một năm, ông về nước nhận công tác ở Cục Quản lý xe. Nhưng đúng thời kỳ đó, chiến trường này cần vận chuyển bằng cơ giới mà lại thiếu lái xe nên ngày mùng 10 Tết Đinh Mùi (năm 1967), ông nhận nhiệm vụ vào Nam. Sau khi đến làng Ho, ông đi bộ đúng 3 tháng 18 ngày trên tuyến đường Trường Sơn thì vào được đến miền Đông và được phiên chế về đơn vị của ông Ba Minh.
Lại nói về ông Ba Minh. Trong một lần chở hàng về Phước Long, người đàn ông cao, thô gặp cô gái xinh xắn tên là Nghĩa đang hoạt động dân vận ở đây. Hai người phải lòng ngay sau lần gặp đầu tiên. Lần nào chở hàng đến Phước Long là Ba Minh lại tìm gặp Nghĩa. Có lần trúng thời gian cô Nghĩa đi xuống sóc là Ba Minh buồn bã bỏ ăn. Cuối cùng đám cưới của họ diễn ra trước Tết Mậu Thân năm 1968. Anh em trong đơn vị vào rừng bắn mễn, nhím làm đồ nhậu. Thế là "họ nhà trai và họ nhà gái" ăn thịt thú nấu với sắn non. Đứa con đầu thì mẹ tròn con vuông nhưng sinh đứa thứ 2, bà Nghĩa bị động thai khi đang ở trong rừng. May mà có y tá phát hiện kịp nên cứu được cả mẹ lẫn con. Bà Nghĩa công tác ở đâu mang con theo đó. Còn ông Ba khi nào chạy xe qua cơ quan bà mới ghé thăm vợ con.
Năm 1976, ông Sắc ra quân, không trở về quê ông Bắc Ninh, ông quyết định sinh cơ lập nghiệp ở Bình Dương. Người đàn ông rắn rỏi, lành lặn qua cuộc chiến khốc liệt làm thuê cho một ông chủ. Rồi con gái đầu lòng ông chủ thấy người làm công dễ thương đã đem lòng yêu mến. Thế là nên vợ nên chồng. Cuộc sống của ông Sắc bây giờ vào hàng khá giả. Gia đình ông có dăm héc-ta cao su và điều. Còn ông Ba Minh, rời quân đội năm 1984 với gánh nặng con cái. Năm 2003, người đảng viên 38 năm tuổi Đảng phải nai lưng làm rẫy nuôi con đã không còn thời gian đi xe đò từ Lộc An về Bù Đốp để chuyển lý lịch sinh hoạt Đảng. Giờ thì ông muốn trở lại đội ngũ nhưng không biết bắt đầu từ đâu…
Gió thổi mạnh, lá cao su xô đẩy vào nhau tạo ra một thứ âm thanh lạ kỳ. Mưa bắt đầu rơi. Ông Ba Minh và ông Sắc tiễn chúng tôi ra xe. Vị thượng úy năm nào nói với chúng tôi: "Hãy hâm nóng cho xã hội về một cuộc chiến tranh gian khổ và ác liệt...". Chúng tôi hiểu nỗi day dứt của người cựu binh sau khi rời quân ngũ phải bươn bả qua nhiều nơi để làm rẫy mưu sinh, từ Bình Long lên Bù Đăng rồi về Lộc An và hiện trụ tại xã Lộc Tấn.
Nhóm PV báo Hànộimới