Thế thời phải thế !
Xã hội - Ngày đăng : 08:52, 10/05/2009
(HNM) - Đầu thế kỷ XV, nhà Hồ thất bại, giặc Minh lại biến nước ta thành quận, huyện của chúng. Đó là thời điểm "Anh hùng như lá mùa thu; Tuấn kiệt như sao buổi sớm".
Nghe lời cha, Nguyễn Trãi trở về ngày đêm nghiền ngẫm quốc sách trả thù nhà, đền nợ nước. Ngay cả khi những cuộc khởi nghĩa do Trần Ngỗi, Trần Quý Khoáng, dòng dõi nhà Trần lãnh đạo, tưởng đã giành được thắng lợi cuối cùng, ông vẫn chấp nhận cảnh tù giam lỏng ở Đông Quan:
Góc thành Nam, lều một gian
No nước uống, thiếu cơm ăn
Con đòi trốn, dễ ai khiến
Bà ngựa gày, thiếu kẻ chăn…
Thời cơ chưa đến, ông đành theo mệnh trời gặp thời thế thế thời phải thế. Để rồi khi Lê Lợi dấy binh, ông là một trong 18 nghĩa sĩ đầu tiên tham gia Hội thề Lũng Nhai với "Bình Ngô sách", một chiến lược không chỉ giúp đánh thắng giặc Minh, khôi phục chủ quyền đất nước, mà còn giữ vững được nền độc lập của Đại Việt suốt mấy trăm năm.
Thời thế là khách quan, chỉ có một. Còn thế thời là chủ quan, sẽ sinh ra anh hùng hoặc tiểu nhân tùy theo quan điểm và ứng biến của mỗi người.
Như Quan Vũ, người Bắc; Trần Bình Trọng, người Nam, là hai tấm gương sáng rõ.
Quan Vũ nói "Hàng Hán chứ không hàng Tào". Và ông ta được sống, dù thực chất là ông ta hàng Tào Tháo.
Trần Bình Trọng nói: "Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc" và bị chém đầu.
Liệu có thể nói Quan Vũ tham sống sợ chết? Liệu có thể nói Trần Bình Trọng không thức thời? Câu giải thích có lẽ ở trong lời trối trăng với hậu thế của Ngô Thì Nhậm: Gặp thời thế thế thời phải thế.
Thế thời có thể tạo anh hùng; thế thời có thể sinh tiểu nhân.
Trong thời bình, làm ăn, chuyện "thời thế thế thời" cũng vẫn vậy - Thương trường như chiến trường.
Trong nhiều trường hợp, nhiều hoàn cảnh, chúng ta có những cách hiểu "thời thế, thế thời" theo kiểu Quan Vũ và cho như vậy là thức thời.
Hành động, nhất là trong những thời điểm quyết định, tùy thuộc vào quan điểm. Một vĩ nhân thế giới, một nhà chính trị, một thiên tài hành động, đã từng dạy rằng muốn xoay chuyển tình thế cần phải biết biến những sự việc phức tạp thành đơn giản và ngược lại.
Những năm đổi mới, mở cửa, nước ta có không ít người, ngành hành động theo phương châm, sách lược đó.
Thể thao là ví dụ điển hình, sinh động nhất. Cầu thủ ngoại, thậm chí nhập quốc tịch Việt Nam để hợp thức hơn, đã trở thành chuyện hết sức bình thường của các CLB thể thao chuyên nghiệp. Ngay cả Hoàng Anh Gia Lai, một CLB dám liên kết với CLB nổi tiếng Arsenal của Anh quốc để thành lập một học viện bóng đá nhằm đào tạo tài năng trẻ, cũng chọn phương sách mua cho nhanh gọn. Ở nước ta bây giờ giá không là vấn đề, miễn là có hiệu quả ngay. Nhưng tiền để mua có được tài năng thế hệ? Kể cả rất nhiều tiền?
Trong ngành y tế, du lịch, để đạt chỉ tiêu như bao nhiêu giường khách sạn, bao nhiêu người một nhân viên hướng dẫn; bao nhiêu người một giường bệnh, một bệnh xá, một bệnh viện, một bác sĩ… người ta đưa ra giải pháp không thể đơn giản hơn cho vấn đề hết sức phức tạp cả đòi hỏi về thời gian, công sức lẫn tiền của ấy: giảm yêu cầu đối với việc thành lập cơ sở y tế tư nhân; nâng cấp trường cao đẳng thành đại học; hạ bớt đòi hỏi của chương trình đào tạo. Hơn thế nữa, bất kỳ trường nào, dù tên gọi là gì, dù đó là trường thuộc chuyên ngành nào, cũng "có quyền" đào tạo những gì họ muốn: tin học, ngoại ngữ, thương mại, du lịch, thời trang… dù chưa có thầy, không có chương trình, sách giáo khoa, giáo trình. Cớ duy nhất mà họ đưa ra để đào tạo tổng hợp là "đào tạo thứ thiên hạ cần chứ không phải thứ mình có" theo kiểu sản xuất, bán thứ người tiêu dùng cần chứ không phải thứ mình có. Giáo dục, đào tạo con người cũng đơn giản như sản xuất, buôn bán một thứ hàng hóa nào đó sao? Mọi chuyện có thể giải quyết nhanh gọn bằng cách không làm được thì mua sao? Quan Vũ cũng không thể ngụy biện hơn.
Tại các khu du lịch, nghỉ mát nổi tiếng có rất nhiều cơ sở tư nhân mà chủ thực sự là những cán bộ đương chức cấp huyện, tỉnh, trung ương. Tại sao những người như vậy lại có thể kinh doanh? Thì ra họ đã đơn giản hóa vấn đề, đã hợp thức hóa được số tiền khó mà khai được nguồn gốc. Biết thời thế, nắm thời thế và biết vận dụng sách lược đơn giản hóa, không ai bằng họ.
Và cũng không ai giỏi hơn họ khi cần phức tạp hóa vấn đề.
Chẳng bao lâu nữa là đến Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội mà nhiều công trình trọng điểm vẫn còn đang ngổn ngang và chưa xong giải phóng mặt bằng. Đây là một hiện trạng bao nhiêu năm làm đau đầu xã hội, gây nên bao nhiêu xáo động. Mà thực chất bản thân giải phóng mặt bằng không có gì phức tạp. Đã có những chủ trương, quy định cần thiết. Nhưng nếu cứ thế mà thực hiện thì còn gì để nói. Người ta không hề vội; người ta không công khai; người ta cứ úp úp mở mở và cuối cùng tất cả rối tung lên. Nhà nước mất thêm nhiều tiền; dân mất thời gian chờ đợi, khiếu kiện… Hay như sổ đỏ, tức quyền sử dụng đất, nào có gì đến nỗi khó khăn. Nhưng không một nơi nào thực hiện được cho đúng lấy một nửa thời hạn, kể cả những nơi đơn giản nhất. Sao lại có tình trạng đó? Chắc ai cũng hiểu. Nước không đục, ngư ông nào bắt được cá. Trai cò không cặp mổ lẫn nhau, ngư ông đâu có lợi…
Chuyện học hành, giáo dục cũng vậy. Bao nhiêu năm không thể lập được một chương trình giáo dục thống nhất là vì sao? Vì rất nhiều người thấy cần nó phải rắc rối mới có thể "ngẩng cao đầu mà làm thầy".
Những năm qua, đất nước với đường lối đổi mới, mở cửa, với những nỗ lực phấn đấu của toàn dân, đã đạt được những thành quả to lớn. Chúng ta đã có thể đặt ra mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế. Đảng, Nhà nước đã đưa ra phương châm "Đi tắt, đón đầu" để có thể bỏ qua những giai đoạn có thể. Để đạt được yêu cầu đó, cần thực sự nỗ lực nâng cao trình độ tổ chức, quản lý, học hỏi không ngừng, mời chuyên gia đào tạo, nhập công nghệ mới… Đã có rất nhiều kỳ vọng vào những công trình lớn được đáp ứng, nhưng cũng có nhiều người lợi dụng thời cơ, vận dụng ngụy biện những chủ trương, đường lối đúng đắn để kiếm lời. Hơn hai mươi năm đổi mới, mỗi năm nhập hàng chục tỷ ngoại tệ mạnh thiết bị, công nghệ nhưng cho đến nay chúng ta vẫn là một nước gia công hàng xuất khẩu, phụ thuộc hầu như toàn bộ vào nước ngoài: nguyên liệu, thiết bị, công nghệ, thị trường… Những ngành mạnh của ta vẫn chỉ là những ngành rất thô, đơn giản - chế biến hải sản (mà cũng là sản phẩm thô là chủ yếu), hoa quả (hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết và đối tác); dệt may, giày da (hoàn toàn gia công cho các hãng lớn); và xuất những nông sản như chè, cà phê, hạt điều (cũng không có thương hiệu của mình, mà phải mượn tiếng của một đại gia nào đó)…
Hiểu rõ thời thế, mới chỉ một phần. Mấu chốt là ứng vạn biến đúng "thế thời".
"Hàng Hán chứ không hàng Tào", cách vận dụng thời thế biến báo ấy chỉ có lợi trước mắt.
Tuy phải chịu hy sinh trước mắt, nhưng về lâu dài, đó là nền tảng để cho đất nước ta trở nên "Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" và dân tộc ta "có thể sánh vai cùng các cường quốc năm châu".
"Gặp thời thế thế thời phải thế".
Nguyễn Triều