Phụ nữ mang thai có nên tập thể dục?
Sức khỏe - Ngày đăng : 18:51, 31/03/2023
Lợi ích của việc tập thể dục đối với các "bà bầu"
Trước đây, nhiều người thường có quan niệm bà bầu nên tránh vận động quá sức, nên đi nhẹ, nói khẽ... Do đó, hình ảnh những bà mẹ “sao Việt” tập luyện mướt mồ hôi ngay cả khi mang thai thường nhận được nhiều ý kiến trái chiều, nhiều người lo ngại rằng việc vận động quá mạnh sẽ ảnh hưởng không tốt đối với thai nhi. Thậm chí, một số người còn cho rằng, những bà mẹ lo tập luyện để giữ dáng khi mang thai là ích kỷ, không quan tâm đến sự an toàn của em bé.
Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu, việc tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn và phù hợp trong suốt thai kỳ mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Ngược lại, với thai phụ, việc không vận động, để cơ thể tăng cân quá mức có thể dẫn tới béo phì cùng các biến chứng thai kỳ, ảnh hưởng không có lợi cho sự phát triển của thai nhi.
Khi phụ nữ mang thai, việc tập luyện thể dục đều đặn giúp tăng cân hợp lý, kiểm soát tốt trọng lượng của thai nhi, đồng thời giúp bà mẹ sớm hồi phục vóc dáng và sức khỏe sau khi sinh. Khi vận động, cơ thể tiết ra chất endorphin đem lại cảm giác hưng phấn, giúp mẹ bầu cảm thấy vui vẻ, dồi dào sinh lực, vượt qua tâm trạng lo lắng, căng thẳng khi mang thai. Chất endorphin không chỉ đem lại cảm giác hưng phấn cho mẹ bầu, mà còn giúp bé thư giãn, sảng khoái. Việc vận động giúp tăng cường lượng oxy đưa vào máu thai nhi, làm tăng quá trình trao đổi chất của bé, giúp bé phát triển tốt hơn.
Vận động còn giúp các mẹ bầu cải thiện tuần hoàn, tăng cường sức mạnh cơ bắp, giúp cơ thể chịu đựng tốt hơn, sinh con nhanh và dễ dàng hơn, hồi phục sau sinh nhanh hơn, giảm tỷ lệ sinh non và mổ lấy thai. Đồng thời, việc vận động còn làm giảm các triệu chứng khó chịu của thai kỳ như đau lưng, táo bón, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ; giải phóng năng lượng dư thừa, giúp ngủ sâu và ngon hơn; giảm nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ.
Lựa chọn hình thức vận động hợp lý
Các gia đình thường lo lắng rằng, việc vận động trong thai kỳ có thể dẫn đến chấn thương cơ xương, sảy thai, thai nhi phát triển kém, sinh non... Tuy nhiên, mối quan ngại này được chứng minh là không cần thiết. Trong trường hợp không có biến chứng sản khoa hoặc chống chỉ định đặc biệt, hoạt động thể chất ở phụ nữ mang thai được khuyến khích thực hiện.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Như Thu Trúc (khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec) cho biết, dù việc luyện tập thể dục trong suốt thai kỳ mang lại rất nhiều lợi ích cho phụ nữ mang thai nhưng để có một thai kỳ khỏe mạnh và vượt cạn thành công, bà bầu cần có một chế độ tập luyện phù hợp.
Trước khi thực hiện các bài tập, các mẹ bầu nên xin tư vấn của bác sĩ sản khoa đang theo dõi để đưa ra các bài tập cũng như mức độ tập phù hợp với sức khỏe của mẹ ở từng thời điểm của thai kỳ, nhằm đảm bảo an toàn cho cả mẹ lẫn bé.
Dù việc tập luyện thể dục có tốt nhưng thai phụ không phải vì vậy mà tập với cường độ quá mạnh, gắng sức tập. Các sản phụ cũng không nên tham gia các môn thể thao đòi hỏi nhiều sức lực, có nhiều va chạm hay dễ ngã, gây nguy hiểm cho cả mẹ lẫn bé.
Khi tập thể dục, chúng ta cần giữ tinh thần thoải mái, khởi động trước khi vận động và thư giãn sau khi vận động, khi thấy mệt thì cần nghỉ ngơi.
“Trước hết, nên đặt mục tiêu duy trì luyện tập từ 20 - 30 phút mỗi ngày. Tuy nhiên, trong trường hợp cảm thấy đau, hãy ngừng tập thể dục. Nếu đã tập các bài tập với cường độ cao trước khi mang thai thì có thể tiếp tục tập luyện sau khi sinh” - bác sĩ Nguyễn Như Thu Trúc chia sẻ.
Có những dấu hiệu khiến các bà bầu phải ngưng luyện tập và tham khảo ý kiến của bác sĩ, như đau đầu, chóng mặt; nhịp tim không đều hoặc nhanh bất thường; khó thở, hụt hơi; chảy máu âm đạo; co thắt tử cung; thai cử động ít hơn bình thường.