Phòng ngừa từ... bệnh viện
Đời sống - Ngày đăng : 08:13, 07/04/2009
Công tác tư vấn là biện pháp bảo vệ sức khỏe của người dân.
Trong thời đại có HIV/AIDS và khả năng bùng phát mạnh các dịch bệnh nguy hiểm như cúm A H5N1, SARS... thì việc làm sao hạn chế được NTBV để bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng đang là một thách thức lớn. Chủ đề của ngày Sức khỏe thế giới năm nay "Bảo vệ cuộc sống. Làm cho các bệnh viện an toàn trong trường hợp khẩn cấp" là lời kêu gọi sự tập trung vào việc đầu tư cơ sở vật chất nhằm ngăn chặn những bệnh, dịch có thể xảy ra ngay tại môi trường y tế.
NTBV - Chỉ số phản ánh chất lượng bệnh viện
Bộ Y tế cho biết, NTBV là nhiễm trùng người bệnh mắc phải trong thời gian nằm viện mà nhiễm trùng đó không có triệu chứng lâm sàng hoặc đang ủ bệnh tại thời điểm nhập viện. NTBV thường do vi khuẩn gây nên và thường xuất hiện sau 48 giờ nhập viện. Tỷ lệ NTBV là một trong những chỉ số rất quan trọng, phản ánh chất lượng chuyên môn của một bệnh viện, liên quan đến sự an toàn của cả người bệnh và nhân viên y tế.
Qua kết quả điều tra của WHO cho thấy, tỷ lệ NTBV chung trên thế giới từ 3,5 đến 10% số người bệnh nhập viện và ở bất cứ thời điểm nào cũng có khoảng 1,4 triệu người bị mắc NTBV. Tại Ô-xtrây-li-a, mỗi năm có 150.000 ca NTBV, trong đó gần 7.000 ca tử vong. Ở nước ta, chưa thực hiện điều tra trên quy mô toàn quốc, nhưng theo kết quả điều tra theo vùng, cụm bệnh viện mới đây thì tỷ lệ này là 5,5-8%. Hậu quả mà NTBV đem đến cho người bệnh và nhân viên y tế rất nặng nề. Đối với bệnh nhân, đó là tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, ngày điều trị, chi phí điều trị và tăng sự kháng thuốc của vi sinh vật. Còn với nhân viên y tế, WHO ước tính, có 2 triệu người bị tổn thương do kim tiêm đâm qua da mỗi năm. Việt
Chỉ cần phòng ngừa phổ cập
Những nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ NTBV theo Viện Nghiên cứu và Phát triển xã hội là: môi trường bệnh viện chứa đựng nhiều tác nhân gây bệnh; thực hiện nhiều thủ thuật xâm lấn; dụng cụ y tế; nhân viên y tế và các yếu tố thuộc về người bệnh. Trong số đó, dụng cụ y tế trước, sau khi sử dụng và bàn tay của nhân viên y tế được xem là những nguyên nhân đóng góp quan trọng nhất. Nguyên nhân đã chỉ ra, mặc dù vậy tại BV Bạch Mai và một số bệnh viện khu vực phía Bắc, chỉ có 2,6% nhân viên y tế vệ sinh bàn tay trước khi thăm khám cho bệnh nhân và 4,2% vệ sinh bàn tay trước khi chuyển từ thao tác bẩn sang thao tác sạch trên cùng bệnh nhân. Cuộc đánh giá này cũng chỉ ra rằng, tỉ lệ tuân thủ vệ sinh bàn tay của nhân viên y tế còn thấp, đặc biệt tại những thời điểm có nguy cơ lây truyền chéo cao. Khảo sát riêng tại 29 khoa lâm sàng thuộc khối ngoại, sản và cấp cứu của 9 bệnh viện tuyến trung ương và tỉnh của khu vực phía Bắc mới có 2,3% số bệnh viện có lavabo đủ phương tiện vệ sinh bàn tay; hơn 58% nhân viên y tế không trả lời đúng các câu hỏi về vệ sinh bàn tay.
26 bệnh truyền nhiễm gây dịch, trong đó bệnh lao, viêm gan siêu vi, HIV hiện đang là mối đe dọa thường xuyên cho bệnh nhân vànhân viên y tế. Vì thế, bên cạnh việc tuyên truyền cho người bệnh cùng tham gia các biện pháp chống NTBV thì bản thân bác sĩ, y tá, hộ lý.... phải tuân thủ các biện pháp này. Theo nhận định củachuyên gia y tế, hơn 1/3 những nhiễm trùng mắc phải ở bệnh viện có thể tránh được nếu tuân thủ nghiêm các biện pháp thực hành chống nhiễm khuẩn đơn giản là phòng ngừa phổ cập. Phòng ngừa phổ cập ở đây được hiểu là các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây truyền bệnh và những tác nhân gây bệnh theo đường máu khác trong bệnh viện như:rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường quy, thực hiện tiêm an toàn, xử lý khử khuẩn dụng cụ y tế, vệ sinh môi trường bệnh viện, xử lý chất thải y tế mà đặc biệt là vật sắc nhọn...
WHO khẳng định, NTBV gây ra hậu quả rất lớn. Vì thế, trách nhiệm phòng chống NTBV hiện nay không chỉ còn của riêng bệnh nhân, nhân viên y tế mà còn là trách nhiệm của cả xã hội, trong đó có ý thức thực hiện và việc quan tâm đầu tư đầy đủ hơn nữa cơ sở vật chất cho các đơn vị y tế.
Tùng Linh