Góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 07:52, 24/03/2009

(HNM) - Từ cuối năm 2008 đến nay, nhiều doanh nghiệp (DN) trong các khu công nghiệp đã phải cắt giảm lao động do suy giảm kinh tế. Nhưng không  phải tất cả những lao động này đều rơi vào cảnh thất nghiệp, vì phần lớn họ đã về quê tìm việc mới, có thể không phù hợp, song vẫn có thu nhập, dù thấp.

(HNM) - Từ cuối năm 2008 đến nay, nhiều doanh nghiệp (DN) trong các khu công nghiệp đã phải cắt giảm lao động do suy giảm kinh tế. Nhưng khôngphải tất cả những lao động này đều rơi vào cảnh thất nghiệp, vì phần lớn họ đã về quê tìm việc mới, có thể không phù hợp, song vẫn có thu nhập, dù thấp. Trong bối cảnh này, có nhiều thông tin không chính thức đã đưa ra những con số về tình trạng thất nghiệp, gây hoang mang, làm ảnh hưởng đến tâm lý người lao động.

Tỷ lệ lao động thiếu việc làm cao

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), chỉ tiêu tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta những năm gần đây chỉ được tính cho khu vực thành thị, với những người trong độ tuổi 15-60 với nam và 15-55 với nữ. Tuy nhiên, để đánh giá về tình hình lao động, còn một chỉ tiêu khác là tỷ lệ lao động thiếu việc làm. Đây là chỉ tiêu quan trọng được tính cho cả lao động ở khu vực nông thôn và thành thị,nhưng từ trước đến nay chưa công bố. Ở Việt Nam, tỷ lệ lao động thiếu việc làm thường cao hơn tỷ lệ thất nghiệp; trong đó tỷ lệ thiếu việc làm nông thôn thường cao hơn thành thị. Với cách hiểu như vậy, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam hiện là 4,65%, tăng 0,01% so với năm 2007. Trong khi đó, tỷ lệ lao động thiếu việc làm hiện là 5,1%, tăng 0,2% so với năm 2007. Đáng chú ý, tỷ lệ thiếu việc làm nông thôn tới 6,1%, trong khi tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 2,3%. 5 năm lại đây, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm 0,1-0,2%/năm. Nhưng do ảnh hưởng của biến động kinh tế thế giới, từ năm 2007 đến nay, tỷ lệ này đang tăng dần. Việt Nam đang tích cực triển khai các giải pháp để giảm tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm về đúng quỹ đạo giảm như các năm trước. Theo dự báo của TCTK, tỷ lệ thiếu việc làm năm 2009 sẽ tăng lên 5,4% (2008: 5,1% ); trong đó, khu vực nông thôn khoảng 6,4%.

Từ cuối năm 2008 đến nay, Chính phủ đã có những giải pháp chống suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội; giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng… để thúc đẩy sản xuất phát triển trở lại, tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, các chính sách này khi vào thực tế phải có thời gian. Đơn cử, với chính sách hỗ trợ tín dụng 4% để các DN mở rộng sản xuất đang triển khai, Chính phủ và các ngành cần giám sát để số tiền vay ưu đãi được dùng đúng mục đích. Thực tế, đã có một số DN lợi dụng chính sách này vay tiền trả cho các món nợ đến hạn thanh toán, không mở rộng sản xuất...

Cần quan tâm đến việc đào tạo nghề

Năm 2008, riêng kim ngạch của làng nghề ước đạt 850 triệu USD (năm 2007, cả nước có 2.017 làng, đầu năm 2009 đã phát triển thành 2.790 làng nghề), giải quyết việc làm cho khoảng 11 triệu lao động. Khó khăn của các làng nghề ngày càng rõ do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu. Thị trường của các làng nghề thu hẹp, nhiều hợp đồng đã ký nay buộc phảihủy bỏ vì khách hàng không có khả năng thanh toán. Sức tiêu thụ ở thị trường trong nước cũng giảm. Sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, các làng nghề đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó có nguy cơ hàng chục vạn lao động nông thôn có thể mất việc làm. Không ít làng nghề trong thời gian qua đã dần thoát ly sản xuất nông nghiệp, nay có xu hướng quay về với nghề nông, trong khi ởkhông ít địa phương, đất nông nghiệp đã được chuyển đổi mục đích sử dụng. Theo thống kê, hiện có 60% DN làng nghề đang cầm cự, 20% bên bờ phá sản. Với tình trạng hiện nay, nhiều DN làng nghề có nguy cơ phá sản, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời từ các ngành chức năng. Vì hầu hết các DN làng nghề đều bị hạn chế trong tiếp cận nguồn vốn, thị trường chưa phát triển, mẫu mã chậm cải tiến, công nghệ lạc hậu, diện tích sản xuất nhỏ, thiếu nhân lực có trình độ cao và ô nhiễm môi trường từ quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, các làng nghề còn đang chịu sức ép tạo thêm việc làm cho một lực lượng lao động không nhỏ do mất việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp từ thành thị trở về.

Theo TCTK, cùng với việc tăng cường giám sát thực hiện các giải pháp, Chính phủ và các ngành chức năng cần chú trọng hơn nữa đến chính sách đào tạo việc làm thích hợp cho người lao động, nhất là lao động nông thôn để họ có thể bắt kịp với sự biến đổi nhanh về nhu cầu lao động của nền kinh tế. Con số 73% lao động thất nghiệp, thiếu việc làm hiện nay là những người không qua đào tạo vẫn là điều các cơ quan chức năng cần quan tâm giải quyết.

Thanh Mai

ANHTHU