Phần 2: Đi dọc con đường - Sự kiện bi hùng trên đồi Chà Quang
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:39, 23/03/2009
Máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc
Quốc lộ 12A đoạn từ ngã ba Khe Ve nối đường 15 lên cửa khẩu Cha Lo như dải lụa mềm uốn lượn trên dãy Trường Sơn chập chùng. Ngồi trên xe, ông Cao Ngọc Tành, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Quảng Bình chợt cao hứng đọc: "Cha Lo chín khúc non xanh biếc/ Mụ Giạ hai hàng nước chảy xuôi". Thật khó mà tưởng tượng ra được phong cảnh hữu tình này, với những bản làng đang "ăn theo" tiến trình CNH-HĐH này một thời lại là chiến trường ác liệt với những trọng điểm "mưa bom, bão đạn", là nơi Anh hùng Nguyễn Viết Xuân trở nên bất tử với tinh thần "Nhằm thẳng quân thù mà bắn".
Xe đang rù rì trên đường, chợt dừng cách cây cầu thấp thoáng bên dưới khoảng dăm trăm mét. Ông Tành xuống xe, nhìn quanh quất rồi bước tới trước mô đá chênh vênh bên đường, giọng nghèn nghẹt: "Chỗ ni trước gọi là Km 21 đồi Chà Quang, chừ là di tích lịch sử đồi Ba Bảy". Thắp hương xong, bà Trần Thị Thành, nguyên đại đội phó đại đội TNXP 759 Quảng Bình, nghẹn ngào kể về trận chiến lịch sử trên đồi Chà Quang.
Ngày đó cách đây 43 năm, đại đội TNXP 759 gồm 175 đội viên, hầu hết là nữ thanh niên các xã thuộc huyện Tuyên Hóa, tuổi đời mới trên dưới 20 được giao nhiệm vụ bám trụ, bảo đảm giao thông trên đường 12A đoạn từ Khe Cấy (Km 12) đến Bãi Dinh (Km 22), nay thuộc địa phận xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa. Đoạn đường này hiểm trở bởi núi cao, vực sâu, suối thẳm và là một trọng điểm đánh phá ác liệt vì đường 12A lúc đó là tuyến đường vận chuyển cơ giới chủ yếu chi viện cho miền Nam. Lúc đầu C759 đóng quân trong rừng già. Địch đánh bom dữ dội, phát quang cả cánh rừng, biến đại ngàn thành đồi chọc (nhờ thế mà thành mấy vần thơ: "Địch đánh rừng già ta ra rừng non/Địch đánh rừng non ta ra đồi trọc"). Anh chị em hạ quyết tâm: Việc sửa chữa cầu đường, san lấp hố bom chưa xong, chưa thông xe thì toàn đại đội không nghỉ. "Mưa to coi như mưa nhỏ, mưa nhỏ coi như không mưa".
Địch đánh phá ngày càng ác liệt. Thống kê của đơn vị ghi: "Tính đến cuối tháng 10-1966, chúng ta đã đánh vào đoạn đường C759 phụ trách 445 trận với 4.095 quả bom, tính ra mỗi người chịu 32 quả". Thương vong đến mức đơn vị phải tổ chức truy điệu sống, khi đi làm mang theo cả quan tài và rượu cồn để sẵn sàng khâm niệm tử thi. Mặc, C759 vẫn quyết bám đường bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống với khẩu hiệu: "Máu C759 có thể đổ, nhưng đường C759 không thể tắc"! Dứt tiếng bom họ đã có mặt trên đường! Địch ném bom nổ chậm, đội viên Trần Đức Hè dũng cảm lăn quả bom nổ chậm đầu tiên ra khỏi mặt đường, đại đội phó kiêm bí thư chi bộ Trần Thị Thành, lúc ấy mới 22 tuổi, đã đứng bên quả bom để động viên anh chị em yên tâm làm việc. Tiểu đội 6 do chị Nguyễn Thị Kim Huế làm tiểu đội trưởng, thường xung phong nhận nhiệm vụ khó khăn nhất và hoàn thành xuất sắc nên được gọi là "con chim đầu đàn" của đại đội. Có hôm địch thả 157 quả bom, trúng đường 10 quả, khối lượng phải đào đắp khoảng 1.320m3, trên yêu cầu thông xe trong 12 giờ. Đơn vị hăng hái ra đường, vừa làm vừa hát: "Thà hy sinh cho đường lại nối đường/Để giao thông không bị tắc, bớt đau thương cho hai miền". Đường được thông sớm trước 2 giờ. Xe đang ra vào tấp nấp bỗng 2 quả bom nổ chậm phát nổ làm đường hỏng nặng. A6 lại tình nguyện ra san lấp. Tiểu đội trưởng Huế nảy ý tưởng làm đường cạp tạm men theo bờ hố bom, tuy hơi khó đi nhưng bảo đảm thông xe nhanh. Sáng kiến này về sau được phổ biến rộng trên toàn tuyến đường 12A.
Mệnh lệnh của trái tim
Chỉ vào mô đá nghi ngút khói hương, bà Thành nói: "Đây là nơi tìm được thi thể một đồng đội của tôi, mãi 5 năm sau ngày anh ấy hy sinh". Nước mắt lại lăn trên gò má, dường như hình ảnh những người đồng đội thân yêu lại tái hiện trong bà vào cái ngày diễn ra sự kiện bi hùng ấy.
"Liên tục trong 47 ngày đêm, từ ngày 18-5 đến ngày 3-7-1966, máy bay Mỹ đã đánh hàng trăm trận, trút xuống đoạn đường đơn vị tôi phụ trách hàng nghìn tấn bom các loại, từ bom bi, bom từ trường, bom lân tinh, bom tạ, bom tấn, với đủ các thủ đoạn từ oanh kích đến tọa độ, cả ngày lẫn đêm. Ngày 3-7, địch đánh bom vào trọng điểm Km 21 suốt từ 1h sáng đến 14h chiều, làm đất đá sụp xuống lấp đường. Đơn vị tôi và 1 trung đội công binh được lệnh thông xe ngay trong đêm. Đến 22h bất thình lình một trận bom tọa độ khủng khiếp trút xuống, hàng nghìn khối đất đá đổ sụp, vùi lấp cả đơn vị làm hơn 50 đồng chí bị thương, có 9 người bị vùi sâu. Chúng tôi kịp thời đào bới cứu được o Đoàn Thị Hòa và o Nguyễn Thị Sâm. 7 người còn lại là Trần Xuân Trường, Trần Trọng Khuyến, Nguyễn Thị Thường, Cao Thị Thường, Cao Xuân Châu, Nguyễn Khắc Hiếu và Đinh Tân Thành bị vùi lấp dưới đất đá, đào bới trong 3 ngày vẫn chưa tìm thấy thi thể. Đến ngày 5-7, lệnh trên yêu cầu phải thông xe. Không còn cách nào khác chúng tôi phải tạm gác việc đào bới tìm đồng đội, tập trung vào việc san gạt đất đá để thông đường cho xe qua". Chúng tôi đứng lặng nghe bà Thành kể, hình dung tới nỗi đau của những người TNXP khi phải gạt nước mắt chứng kiến đoàn xe chở hàng lăn bánh ra mặt trận, trong khi dưới những lớp đất đá kia vẫn còn đồng đội thân yêu của họ nằm đó… Nhưng hoàn cảnh lúc ấy "nhanh chóng đưa hàng ra tiền tuyến" đã trở thành mệnh lệnh của trái tim! Và hơn ai hết, họ thấu hiểu ý nghĩa và giá trị lớn lao của mỗi chuyến hàng ra tiền tuyến… Sau khi thông đường, họ lại bắt tay vào tìm kiếm thi thể đồng đội, vừa đào bới vừa đối phó với bom tọa độ. Đến 5h sáng ngày 11-7, đơn vị mới lần lượt tìm được 6 người, riêng thi thể của anh Trần Xuân Trường vẫn nằm lại dưới lòng đường. Đến năm 1971, mãi 5 năm sau sự kiện bi hùng trên đồi "Ba Bẩy", trong lúc thi công hạ độ dốc của đường mới phát hiện ra thi thể anh Trường. Thi hài của anh được đưa về Nghĩa trang liệt sỹ TNXP Trường Sơn (Nghĩa trang Tân Ấp) thuộc xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, nơi 6 đồng đội của anh đang yên giấc ngàn thu.
Sau trận chiến ngày 3-7-1966, đồi Chà Quang được gọi là đồi "Ba Bảy" để kỷ niệm chiến công bất tử của các liệt sỹ TNXP Quảng Bình. Tháng 1-1967, đại đội 759 và nữ TNXP Nguyễn Thị Huế là tập thể và cá nhân đầu tiên trong lực lượng TNXP thời kỳ chống Mỹ cứu nước được phong tặng danh hiệu Anh hùng.
Nhóm PV báo Hànộimới