Những cuộc tình dang dở của Tống Mỹ Linh
Hồ sơ - Ngày đăng : 08:24, 13/02/2009
Ảnh cưới của Tống Mỹ Linh và Tưởng Giới Thạch.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, trước khi bước vào nhà họ Tưởng, cô ba của nhà họ Tống từng có thời nồng thắm với chàng lưu học sinh tại Mỹ, người Giang Tô, có lối sống đậm vẻ phương Tây, tên là Lưu Kỷ Văn. Và trong thời gian là sinh viên Trường Eo-lét-xlây (Mỹ), Tống Mỹ Linh còn vương vấn chàng thanh niên Hà Lan họ Van, tên Ây-vếch.
Lưu Kỷ Văn là bạn học của anh trai Tống Mỹ Linh (Tống Tử Văn), từng du học ở Nhật Bản trước khi sang Mỹ. Hai người gặp và yêu nhau khi Tống Mỹ Linh du học tại Trường Eo-lét-xlây. Trong một hành động đi ngược lại lễ giáo phong kiến (cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy), trước sự chứng kiến của Tống Tử Văn, Tống Mỹ Linh và Lưu Kỷ Văn đã thề non hẹn biển và đính hôn với nhau.
Còn với Van Ây-vếch, kiến trúc sư người Hà Lan, thì mọi chuyện bắt đầu từ một sự ngẫu nhiên. Tình cờ trên một chuyến tàu, hai người cùng là hành khách, vừa nhìn thấy Tống Mỹ Linh, con tim Van Ây-vếch như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. "Đầu óc tớ như mê muội", cụm từ ấy được Van Ây-vếch nhắc đến vài lần khi kể về tình cảm của mình, trong bức thư gửi cho Mi-lơ, người sau này trở thành bạn chung của hai người. Qua tiếp xúc, Tống Mỹ Linh và Van Ây-vếch cảm thấy rất tâm đầu ý hợp.
Tuy nhiên, khi biết chuyện, gia đình Tống Mỹ Linh kiên quyết phản đối vì Van Ây-vếch là người nước ngoài, lại ở xa nên khó có thể tác thành. Chính vì thế khi Van Ây-vếch tỏ ý muốn được đến Thượng Hải thăm Tống Mỹ Linh, Tống gia đã kiên quyết từ chối. Trong bức thư gửi cho Mi-lơ, Tống Mỹ Linh đã đề cập tới việc này và cho biết: "Họ lo rằng Van Ây-vếch tới, em sẽ lấy anh ấy. Quả thật, em sẽ làm thế nếu Van Ây-vếch tới Thượng Hải". Nhưng lời nói vẫn chỉ là lời nói và hai người chưa bao giờ tiến xa hơn được vì cách trở.
Nhưng điều gì khiến cuối cùng cả Lưu Kỷ Văn và Van Ây-vếch đều không đi đến hôn nhân được với Tống Mỹ Linh? Ngoài sự phản đối của Tống gia, sự xuất hiện của Tưởng Giới Thạch đã làm thay đổi tất cả.
Van Ây-vếch thì ở quá xa, trong khi đó Lưu Kỷ Văn đã phải rời bỏ người đã đính hôn trước quyền lực quá lớn của Tưởng Giới Thạch. Trên tất cả là Tưởng Giới Thạch đã đánh trúng khát khao của người đẹp họ Tống khi không úp mở về việc mình cần một người phụ nữ như Tống Mỹ Linh để hoàn thành đại nghiệp và cho Tống Mỹ Linh thấy tương lai không mấy xán lạn của Lưu Kỷ Văn.
Khi tổng kết về ba chị em nhà họ Tống, người ta thường nói: "Cô cả yêu tiền, cô hai yêu nước và cô ba yêu quyền". Tống Mỹ Linh từ lâu đã luôn ôm ấp tâm nguyện: "Không phải anh hùng quyết không lấy". Tận mắt chứng kiến con đường hoan lộ thênh thang của Tưởng Giới Thạch, Tống Mỹ Linh đã siêu lòng. Tháng 5-1924, Tưởng Giới Thạch được ủy nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Quân sự Hoàng Phố, hơn hai năm sau đã lên chức Chủ tịch Ủy ban Thường vụ trung ương Quốc dân Đảng, Tổng tư lệnh, nắm quyền lãnh đạo tối cao cả trong đảng lẫn quân đội. Tháng 4-1927, nhân dịp đưa đại quân tiến vào Nam Kinh, Thượng Hải, Tưởng Giới Thạch tới nhà họ Tống, ngỏ lời cầu hôn với Mỹ Linh. Sau đó, Tưởng Giới Thạch còn đích thân dẫn Tống Mỹ Linh đi du ngoạn sơn thủy. Sự mạnh mẽ nhưng không kém phần lãng mạn của con người nửa đời tưởng như chỉ biết đến báng súng này cuối cùng đã làm trái tim Tống Mỹ Linh rung động.
Ngày 1-12-1927, hôn lễ giữa Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh được cử hành long trọng ở Thượng Hải, một lần theo nghi lễ của đạo Cơ đốc, một lần theo nghi lễ truyền thống của Trung Quốc. Lưu Kỷ Văn cùng Van Ây-vếch cuối cùng chỉ là người gặp bên đường của người đẹp Tống Mỹ Linh.
Vân Khánh(Theo North East News)