Giếng đá 500 năm tuổi ở Bá Hạ

Văn hóa - Ngày đăng : 15:11, 11/02/2009

Trong quan niệm của người dân làng Bá Hạ, giếng làng là nơi “tụ thuỷ” là long mạch, quan hệ đến hoạ - phúc, hung - cát của một gia đình, một dòng tộc hay của cả một làng …

Giếng cổ làng Bá HạTrong quan niệm của người dân làng Bá Hạ, giếng làng là nơi “tụ thuỷ” là long mạch, quan hệ đến hoạ - phúc, hung - cát của một gia đình, một dòng tộc hay của cả một làng …

Làng Bá Hạ (xã Bá Hiến - huyện Bình Xuyên - tỉnh Vĩnh Phúc), là một làng thuần nông như bao làng quê khác. Cũng cây đa - giếng nước - mái đình, nhưng giếng nước ở làng quê nơi đây từ lâu đã trở thành niềm tự hào của người dân bởi sự linh thiêng, cổ kính.

Anh Nguyễn Văn Khiêm cán bộ văn hoá xã hồ hởi dắt chúng tôi đi xem “niềm tự hào của làng”. Một trong những giếng đá cổ còn nguyên vẹn nhất của làng nằm trong quần thể kiến trúc chùa Thích Trung nhìn ra cánh đồng làng. 

Chiếc giếng có khuôn hình hẹp, hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 1m. Giếng không sâu lắm nhưng kể của các cụ cao niên trong làng, thì khi đào người xưa đã chọn được đúng nơi “tụ thủy” nên chưa bao giờ giếng cạn nước ngay cả trong thời điểm khô hạn nhất.

Dưới đáy giếng là 4 phiến đá hoa cương được mài nhẵn, ghép mộng vuông vức. Từ đáy giếng lên đến mặt đất là hàng loạt các viên đá cuội to như quả bí đao được xếp nằm ngang, ken liền đầu đầu vào nhau từng đôi tạo thành bốn bức tường cao dần lên mặt đất. Trên cùng là tấm đá lớn xếp dựng đứng cao khoảng 1m làm thành tang giếng. Trên miệng giếng còn hằn lên vết lõm của hàng trăm vết dây thừng kéo nước, các vết mài dao kiếm của người xưa.

Mặt trong một phiến đá tang giếng còn lưu rõ nét dòng chữ khắc chìm: “Hồng Đức Nhị thập tứ niên, quý sửu tuế, cửu nguyệt tạo tỉnh” (Giếng được xây vào tháng 9 năm Quý Sửu, thời vua Hồng Đức năm thứ 24, tức là năm 1494). Tính đến nay giếng này đã tồn tại 515 năm.

Trên miệng giếng còn hằn lên vết lõm của những vết dây thừng kéo nước, các vết mài dao kiếm của người xưa.


Hiện tại trong làng Bá Hạ còn hai chiếc giếng cổ đã bị người dân xây bịt lại. Tuy nhiên, đây cũng là cách bảo vệ tốt bởi theo Dương Xuân Kiêm-bí thư Đảng uỷ xã thì: “Đã có người đánh tiếng dạm hỏi mua chiếc giếng đá cổ với giá bạc tỷ để đem về trang trí thêm cho khu du lịch, nhưng chúng tôi không bán và cách bảo vệ tốt nhất là…xây bịt lại”.

Theo quan niệm cổ gắn liền với yếu tố phong thuỷ thì giếng là một biểu tượng thiêng liêng trong tâm tưởng, là nơi giao hoà của đất trời chứa đựng ba yếu tố đất-nước-không khí đây là yếu tố quan trọng trong không gian sống. Trong thời điểm hiện tại, giếng làng ngày càng ít và cũng ít giá trị thực dụng nhưng đây quả thực là những giá trị văn hoá vật thể cần được trân trọng.

Theo VnMedia

TUANDIEP