Làng Yên Thái: Lại vang nhịp chày giã giấy

Xã hội - Ngày đăng : 10:43, 30/01/2009

(HNM) - Đã qua tuổi thất thập nhưng nghề cũ của làng không còn nên lòng ông chưa nguôi đau đáu. Một mình xoay xở, tìm mua nguyên liệu và dụng cụ để khôi phục lại nghề làm giấy, có người bảo ông gàn dở. Riêng ông vẫn thấy đó là niềm vui chẳng ai có thể đem lại cho mình.

Phục hồi nghề làm giấy dó là mong muốn của nhiều người dân làng Yên Thái. Ảnh: Bảo Lâm

(HNM) - Đã qua tuổi thất thập nhưng nghề cũ của làng không còn nên lòng ông chưa nguôi đau đáu. Một mình xoay xở, tìm mua nguyên liệu và dụng cụ để khôi phục lại nghề làm giấy, có người bảo ông gàn dở. Riêng ông vẫn thấy đó là niềm vui chẳng ai có thể đem lại cho mình.

Nhớ nghề cũ làng xưa

Làng Yên Thái nằm trong vùng Bưởi vốn nổi tiếng với nghề làm giấy. Nghề này từ thế kỷ XV đã khá phát triển. Trong cuốn "Dư địa chí" viết năm 1435, Nguyễn Trãi ghi rằng: "Phường Thụy Chương dệt lụa, phường Yên Thái làm giấy". Không chỉ người Yên Thái làm giấy mà những làng kế bên như Đông Xã, Hồ Khẩu và Nghĩa Đô nằm trong vùng Bưởi cũng làm nghề này. Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cho biết: Nếu giấy sắc là "đặc sản" làng nghề Nghĩa Đô, thì giấy quỳ là "đặc sản" của làng Đông Xã.

Làng Đông Xã xưa chuyên nghề làm giấy cho vua Lê dùng. Như bao người con được sinh ra ở làng này, Nguyễn Thế Đoán được làm quen với nghề từ khi còn nhỏ. 10 tuổi cậu bé Đoán đã bắt đầu biết phụ cha làm giấy. Nhà ông chuyên làm giấy quỳ, loại giấy mà chỉ có những chi trưởng của dòng họ Nguyễn Thế mới làm. Cả nhà ông từ nội đến cha mẹ, chị em đều gắn bó với công việc này. Cho đến bây giờ những hình ảnh của làng nghề năm xưa ông vẫn nhớ rành rẽ. Lúc ấy làng ông hầu như nhà nào cũng làm giấy, tinh sương đã nghe tiếng chày nện cối. Từ việc xử lý vỏ cây, đạp bìa, giặt dó, giã dó, nấu dó, lọc dó, seo giấy, tất cả đều được làm thủ công. Có nhà làm giấy lệnh, giấy bản, có nhà làm giấy quạt, giấy vuông… Công đoạn nặng nhọc như đạp bìa, giã giấy thường do nam giới đảm trách, còn phụ nữ làm việc nhẹ hơn như lọc dó, seo giấy… Cái nếp ấy đã ngấm vào cậu bé Nguyễn Thế Đoán để rồi sau này, khi làng nghề không còn ông vẫn canh cánh những ưu tư.

Hồi sinh nghề làm giấy

Khi biết tin ông Đoán muốn phục hồi nghề cũ của làng, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cũng như "khỏe" ra. Đang gấp rút để hoàn thành cuốn sách về Hồ Tây và sức thì cũng không còn khỏe, ông Nguyễn Vinh Phúc vẫn thân chinh xuống tận nơi "để xem ông ấy làm được cái gì". Và rồi, nhìn những đồ nghề mà ông cụ 73 tuổi đã chuẩn bị sẵn sàng, nhà Hà Nội học mỉm cười: "Gắng lên, khi nào làm mẻ giấy đầu tiên thì gọi tôi xuống nhé".

Câu nói ấy khiến ông Đoán nhẹ lòng, ít ra thì cũng có không ít người hiểu được việc ông làm. Bao năm nay từ ngày về hưu, làm thủ từ ở đình Đông Xã, ông cũng bận rộn như có con mọn chẳng đi được đến đâu. Ấy vậy mà cái ước muốn phục hồi nghề giấy khiến ông trẻ lại. Lặn lội sang Bắc Ninh xem cách làm giấy mới; về tận Cầu Thiều, Quán Dắt ở Triệu Sơn, Thanh Hóa mua vỏ cây cãnh làm nguyên liệu mà chẳng được, ông lại tìm lên mạn Sóc Sơn. Có buổi đến Thạch Thất mua rá, phên, phanh, sọt để làm nghề... "Tôi tự đi, cứ một mình một xe, xa thì sáng đi tối về, gần thì nửa buổi "- ông Đoán hồ hởi. Khó ai tin ông lão ngoài tuổi thất thập mà phóng xe máy chạy đường dài đau đáu phục hồi nghề giấy.

Bây giờ thì căn nhà nhỏ của ông nằm khuất sâu trong con ngõ Thụy Khuê đã sẵn sàng. Nào liềm, nào khuôn seo, thép can giấy; nào phên, sọt, rá, phanh. Hơn 1 tạ vỏ cãnh cũng đã được chất trong bếp, chiếc bể seo xây xong chiếm trọn cả một phần sân. Chỉ vào chiếc cối mới xin được đặt ở góc sân, ông cười hể hả: "Còn đợi một cái chày giã giấy nữa thôi. Ngày xưa chày giã giấy làm bằng gỗ cây hòe. Giờ một cân hoa hòe mấy chục ngàn, chẳng mấy ai muốn bán gỗ nữa. Nhưng tôi đã đặt họ làm bằng gỗ khác rồi".

Đã vọng tiếng chày xưa

Ông Đoán đưa cho tôi xem bản in Di chúc của Bác Hồ. Ông lật từng trang giấy và dường như vẫn không giấu được những cảm xúc của mình. "Bản Di chúc này được in trên giấy dó mà người làng tôi làm đấy. Giấy mềm như lụa tơ tằm, lại dai và không nhòe nên có thể lưu giữ được hàng trăm năm ấy chứ". Giờ thì không riêng nhà ông mà cả làng chẳng còn ai làm nữa. "Tôi tiếc quá, mỗi lần nhìn ảnh ông nội, tôi lại nhớ lời cụ năm nào: Làm cái nghề này có íchlắm con ạ".

Có lẽ vì vẫn còn canh cánh trong lòng những lời dặn của nội và cha về giữ nghề truyền thống, nên dù đã bỏ nghề mấy chục năm, làm thợ máy ở xưởng in báo Hànộimới, đến lúc về hưu ông vẫn quyết tâm phục hồi nghề cũ. Ông bảo: "Tôi làm không phải vì tiền, vì ngần này tuổi rồi còn ham hố gì nữa chứ. Chỉ mong sao thế hệ trẻ hiểu thế nào về "nghề giấy làng Bưởi".

Bao năm nay làng Đông vắng nhịp chày giã giấy, giờ được thấy lại nghề cũ năm xưa, nghe tiếng chày trong sương sớm. Xem ra ông lão quyết tâm sẵn sàng cho những mẻ giấy thành công. Bỗng nghe thoảng đâu đây tiếng thơ xưa vọng lại:

Chày Yên Thái nện trong sương chểnh choảng

Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co.

Gia Phú

ANHTHU