Những sự kiện lịch sử cách mạng đáng nhớ

Chính trị - Ngày đăng : 09:07, 29/01/2009

(HNM) - Tổ chức cách mạng mác-xít đầu tiên của Việt Nam ra đời Sau khi dự Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản, với tư cách là Ủy viên Bộ Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam, giữa tháng 12-1924, Nguyễn Ái Quốc từ Mát-xcơ-va (Liên Xô) về Quảng Châu (Trung Quốc), cùng các nhà cách mạng Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a… sáng lập ra

(HNM) - Tổ chức cách mạng mác-xít đầu tiên của Việt Nam ra đời

Sau khi dự Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản, với tư cách là Ủy viên Bộ Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam, giữa tháng 12-1924, Nguyễn Ái Quốc từ Mát-xcơ-va (Liên Xô) về Quảng Châu (Trung Quốc), cùng các nhà cách mạng Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a… sáng lập ra "Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức" ở Á Đông, thống nhất hành động của phong trào cách mạng các nước châu Á, chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc.

Đối với Việt Nam, vấn đề trước tiên Nguyễn Ái Quốc quan tâm là truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lê-nin về nước. Đầu năm 1925, Nguyễn Ái Quốc kết nạp một số "đảng viên Cộng sản dự bị" gồm có Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, gọi là "Cộng sản đoàn".

Tháng 6-1925, từ nhóm cách mạng đầu tiên này, Nguyễn Ái Quốc thành lập "Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội", lấy "Cộng sản đoàn" làm nòng cốt. Đây là một tổ chức có tính chất quá độ, vừa tầm, thích hợp với phong trào cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ. Nó có nhiệm vụ khơi dậy lòng yêu nước và truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, chuẩn bị cho việc thành lập chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Trong hơn 2 năm (1925-1927) Nguyễn Ái Quốc đã mở được gần 10 lớp học cho hơn 200 học viên, một số được cử sang học Trường Đại học Phương Đông hoặc Trường Quân sự ở Liên Xô. Nhiều người trong số đó đã trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng ta sau này như Trần Phú, Lê Hồng Phong…

Tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam

Tháng 6-1925, Nguyễn Ái Quốc đã đề nghị Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội xuất bản báo Thanh niên, cơ quan tuyên truyền của Hội. Đây là tờ báo đầu tiên của tổ chức cách mạng Việt Nam viết bằng chữ Quốc ngữ, do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chỉ đạo và viết bài. Trong hơn 2 năm (1925 -1927), thời kỳ còn ở Quảng Châu, báo Thanh niên đã ra được 88 số.

Báo Thanh niên đặc biệt chú trọng giáo dục lòng yêu nước, khơi sâu ý chí căm thù của nhân dân đối với đế quốc và bè lũ tay sai, đồng thời giới thiệu cách mạng Tháng Mười Nga và chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, qua đó truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Từ Quảng Châu, báo Thanh niên được bí mật chuyển về nước, được đông đảo hội viên Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội và những người có cảm tình với Hội tìm đọc một cách say sưa. Trong một báo cáo của L. Marty - trùm mật thám Pháp ở Đông Dương hồi bấy giờ - đã phải thừa nhận "Tờ báo của Nguyễn Ái Quốc được tất cả các đảng viên ở trong nước, ngoài nước và đông đảo những người cảm tình tìm đọc. Họ chẳng những tự mình tìm đọc báo Thanh niên mà còn chép lại nhiều lần để truyền tay cho kẻ khác".

Báo Thanh niên đã đóng một vai trò xuất sắc trong việc truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước cuối những năm hai mươi, chuẩn bị cho sự ra đời chính đảng của giai cấp công nhân đầu thập kỷ ba mươi.

Phong trào đòi ân xá cho chí sỹ Phan Bội Châu

Tin chí sỹ Phan Bội Châu bị mật thám Pháp bắt cóc ở Thượng Hải (30-6-1925) đưa về giam ở nhà pha Hỏa Lò (Hà Nội) và định bí mật thủ tiêu lọt ra ngoài, đã gây xôn xao trong dư luận. Lập tức nhiều truyền đơn xuất hiện ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và Nam kỳ, kêu gọi đấu tranh đòi thả ngay nhà yêu nước lão thành. Biết giấu không nổi, thực dân Pháp đành phải đưa Phan Bội Châu ra xử công khai tại tòa Đề hình (23-11-1925). Bọn quan tòa khép ông vào tội tử hình, vin vào vụ ném bom ở Thái Bình và khách sạn Hà Nội (năm Quý Sửu 1913) của tổ chức Việt Nam Quang phục hội, mà ông là người sáng lập và lãnh đạo.

Trước tòa, ông đã bác bỏ những lời buộc tội phi lý của đối phương, bằng những lý lẽ sắc bén, với một tư thế hiên ngang, khiến công chúng đến dự đông nghịt tại phiên tòa hết sức khâm phục, tán thưởng. Khi viên biện lý vừa yêu cầu tòa kết án Phan Bội Châu tội tử hình, lập tức từ trong đám cử tọa, một nhà nho tự xưng là Nguyễn Khắc Doanh tiến ra trước tòa "Xin được chết thay cho ông".

Làn sóng đấu tranh đòi ân xá cho Phan Bội Châu tiếp tục sôi nổi khắp nơi. Hội Phục Việt kêu gọi các giới đồng bào đồng tâm hiệp lực làm đơn yêu cầu chính phủ thuộc địa thả nhà chí sỹ yêu nước. Hội Việt Nam thanh niên - một tổ chức bí mật - gửi nhiều đơn phản kháng tới tổng thống và Nghị viện Pháp, tới cả Hội Quốc liên và Tòa án Quốc tế Lahay. Từ rất nhiều nơi, điện văn của các nhân sĩ và tổ chức xã hội tới tấp gửi đến Toàn quyền Va-ren, đòi trả lại tự do cho Phan Bội Châu. KhiVa-ren vừa đến Hà Nội nhậm chức, đông đảo quần chúng xuống đường biểu tình, giương cao biểu ngữ "Ân xá choPhan Bội Châu". Sau này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhận xét: "Đây là lần đầu tiên, người ta được thấy một sự kiện như vậy ở Đông Dương".

Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, ngày 24-12-1925, Tổng thống Pháp phải ủy quyền cho Va-ren tuyên bố tha bổng choPhan Bội Châu. Nhưng để vô hiệu hóa người chiến sĩ yêu nước kiên cường, có ảnh hưởng lớn, chúng đưa ông về giam lỏng ở Huế cho đến ngày ông qua đời (29-10-1940).

Những sự kiện chính trị năm Ất Sửu 1925 trên đây đã đánh dấu những thắng lợi bước đầu, mở ra một bước ngoặt mới cho phong trào cách mạng Việt Nam.

Hồ Mậu Đường

VANCHIEN