Chuyện buôn "đầu cơ nghiệp" của một lái trâu

Đời sống - Ngày đăng : 07:53, 28/01/2009

Người xưa có câu “Thật thà như thể lái trâu…” đúc kết về tính cách đặc thù của những người làm nghề buôn trâu. Ý nghĩa của câu châm ngôn khiến bất cứ ai liên quan đến cái nghề lâu đời này đều không khỏi chạnh lòng.

Người xưa có câu “Thật thà như thể lái trâu…” đúc kết về tính cách đặc thù của những người làm nghề buôn trâu. Ý nghĩa của câu châm ngôn khiến bất cứ ai liên quan đến cái nghề lâu đời này đều không khỏi chạnh lòng.

Tự sự của "phường lái trâu"

Anh Lai bảo, ngày xưa, việc tậu trâu nghiễm nhiên được xem là một trong 3 việc lớn "tậu trâu, cưới vợ, làm nhà". - Ảnh minh hoạ

Cũng bởi thế, dù là chỗ thân tình nhưng đắn đo mãi tôi mới dám cất nhời hỏi ông anh họ tôi, anh Lai – Nguyễn Văn Lai, quê xã Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), rằng anh nghĩ sao về tính cách “thật thà” của những người buôn trâu? Thoáng chút đỏ mặt, nhưng cái sắc đỏ bất chợt cũng đủ để tôi nhận thấy nét bối rối của một người không thể không trả lời câu hỏi của người khác về chính cái nghề mà mình đang kiếm sống.

Qua phút ngập ngừng, anh Lai bộc bạch, thiệt thòi cho cái nghề buôn trâu ở chỗ, do nhiều nguyên do, nó gắn “chết” với tính cách  mà người ta hay nói một cách châm biếm là “thật thà”. Đến nỗi, ai đó làm điều gì thiếu trung thực đều có thể bị gọi ngay là… "phường lái trâu".

17 tuổi, anh Lai bắt đầu theo chân cha chú vào nghề lái trâu, ấy là đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Khi đó, con trâu vẫn được coi là một khối tài sản rất lớn, việc tậu trâu vẫn nghiễm nhiên đứng đầu trong 3 việc lớn của người nông dân là “tậu trâu, lấy vợ, làm nhà”. Chính vì vậy, công việc chủ yếu của cánh lái trâu lúc này là săn tìm giống trâu tốt về bán lại cho người dân có nhu cầu mua để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Một con trâu được coi là tốt phải hội đủ khá nhiều tiêu chuẩn: nào là “tai lá mít, đít lồng bàn”, nào là “bốn khoáy đóng chuồng, hai thiều dưới mắt”, nào là “chân cao mình dài, đuôi bẹ dừa”. Những con trâu có các đặc điểm trên thường hay ăn chóng lớn, ít bệnh tật, khỏe mạnh và dai sức.

Con nào có khoáy tam tinh (xoáy lông giữa trán) thì đặc biệt khỏe mạnh, phải cái tội tính tình hung tợn, đòi hỏi phải có một người chủ biết lựa tính mà chiều mới phát huy được tác dụng. Chán nhất là loại trâu “miệng cười hý chủ”, cứ nhìn thấy người là hếch mõm lên kêu, đã biếng ăn lại lười vận động, quật roi đến đỏ cả lưng vẫn cứ đứng ỳ một chỗ không chịu kéo cày.

Thứ nữa là loại “khoeo mèo”, 4 chân bước đi cứ đá vào nhau dẹo dọ, kéo cày chưa được 3 mét đã ngã kềnh ra ruộng. Riêng giống trâu có cái chót đuôi hình miệng con rắn đang há, nếu có nhìn thấy thì chạy cho nhanh bởi “đuôi hàm xà - không cháy nhà thì cũng chết người”. Nghề lái trâu có quy định oái oăm là không truyền nghề ra ngoài, trừ khi đó là công việc gia truyền.

Chết nỗi, ông cụ thân sinh anh Lai chỉ là dân lái trâu nghiệp dư nên hiểu biết về nghề còn nhiều hạn chế, chính vì vậy, nhập phường dễ đến dăm năm anh Lai mới dám thập thò ý nghĩ đi buôn trâu với tư cách độc lập. 

"Hồi đó, con trâu quả là to tiền thật, thấy con nào đẹp, tôi loanh quanh hàng tuần giời ngắm nghía, sau đó còn lảng vảng nghe người khác bình phẩm về nó và nhớ kỹ để thuật lại cho người nhà. Mấy lần liền thấy mọi người đều nhận xét là mình chọn đúng, lúc ấy mới dám quyết mua trực tiếp và dắt trâu về cho cánh thợ xem sau" - anh Lại nheo mắt nhớ lại.

Đất nước đổi mới, sản xuất nông nghiệp dần được cơ giới hóa, nhu cầu mua trâu giống trong nhân dân ngày càng ít đi, anh Lai cũng như hầu hết các lái trâu khác nhanh chóng chuyển hướng sang buôn trâu thịt. Ban đầu, anh phải trực tiếp lặn lội vào các bản làng xa xôi khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc để tìm hàng.

Dần dà, khi đã có nhiều người biết tiếng, anh mở đại lý tại trung tâm các huyện, thị để thu mua với số lượng lớn. Gom đủ hàng là tổ chức thuê xe chở thẳng vào miền Nam đổ cho các chủ lò mổ. Mỗi chuyến đi suôn sẻ có thể thu lãi 1,5-2 triệu đồng. Tháng nào cao điểm, gia đình chạy tới 15-20 chuyến.

Buồn vui nghề lái trâu

Anh bảo, lạ lắm, chọn trâu giống phức tạp như thế, nhưng so với trâu thịt lại không thấm vào đâu, cho dù trâu thịt mua về đơn thuần chỉ để… làm thịt. Hóa ra thế này, trâu giống có đặc điểm riêng để nhận biết, tiêu chuẩn nào, giá cả đấy; riêng việc mua bán trâu thịt (thường là trâu đã trưởng thành) có một quy định bất thành văn là không bao giờ được cân, đo, người đi mua buộc phải nhìn bằng mắt để ước lượng xem khi mổ con trâu ra, nó sẽ cho bao nhiêu cân thịt móc hàm.

Buôn trâu với số lượng lớn, mỗi con kiếm lãi độ hơn trăm ngàn đồng (thời giá bây giờ) là quý rồi, do đó, chỉ cần ước lượng sai độ hơn cân thịt là có thể mất không công mua bán cả con trâu ngay. Mà tiền đầu tư đâu có ít, mỗi con trung bình 4-5 tạ hơi tương đương với 1,2-1,7 tạ thịt là phải bỏ ra mươi mười lăm triệu bạc rồi.

Lái trâu muốn làm ăn tốt, ngoài việc phải có con mắt tinh tường và dày dạn kinh nghiệm để chọn đúng những con “cao chân, dài thân và rộng mình”, họ còn phải nắm rất vững về xuất xứ con vật, thời điểm mua và bán cũng như tình hình nhu cầu thị trường về sản phẩm trâu thịt. Cụ thể như ở khu vực phía Bắc, trâu nuôi ở vùng Lào Cai, Hà Giang được thịt hơn vùng Yên Bái, Phú Thọ, ước ngần nào là ra đúng ngần ấy thịt nên giá nhập vào nếu có cao hơn chút đỉnh vẫn chấp nhận được.

Mua trâu vào thời điểm trước tết Nguyên Đán, con trâu có gầy nhưng do ăn rau cỏ khô cằn nên thịt chắc, bán thịt không bị hao. Thời điểm ra Giêng, cỏ non mềm ngọt khiến trâu ăn khỏe, hình thức béo, đẹp và bóng mượt nhưng khi mổ sẽ bị hao nhiều. Còn nắm chắc tình hình thị trường sẽ đảm bảo không bị chênh lệch giá cả giữa nhập và xuất, tránh được những thiệt hại không đáng có về kinh tế.

Thực hiện đúng những điều kiện trên, việc mua bán cho kết quả thành công 100% nếu không tính đến những “tai nạn” khách quan phát sinh như cái lần anh Lai mua phải đàn trâu của một ông khách giới thiệu là trâu Mường Khương (Lào Cai). Mua xong rồi, bên nhập thông báo chuyến hàng này không được thịt như anh đã tính, dò tìm lại nguồn hàng té ra là trâu Thanh Sơn (Phú Thọ), vậy là đơn thân nhận lỗi và chịu thiệt mà không dám kêu ca để giữ chữ tín.

Nhân tiện, anh Lai bảo, đấy, cái “thật thà” của cánh lái trâu là ở chỗ ấy. Ngày xưa, lái trâu chỉ mua đi, bán lại một vài con, nay vùng này, mai vùng khác, họ sẵn sàng lừa dối khách hàng để kiếm lợi vài đồng trước mắt. Bây giờ, hiện tượng ấy dù ít nhưng vẫn còn, như ông khách kia chẳng hạn, có điều, chỉ sau một lần như thể, trong phạm vi vài tỉnh phía Bắc, việc buôn bán của ông ta hoàn toàn bị đình trệ bởi tên tuổi đã bị phường lái ghi vào “sổ đen” và cắt đứt giao dịch, nếu cố tình làm thêm vài lần nữa, chắc chắn ông ta sẽ mất nghiệp.

Còn lại, cũng như tất cả các ngành nghề kinh doanh khác, hầu hết cánh lái trâu đều xác lập chữ tín hàng đầu để làm ăn lâu dài. Thực lòng một chút, đúng ra hầu hết cánh lái trâu bây giờ vẫn còn một sự “dối trá” bất di bất dịch, đó không phải là dối khách hàng mà là là dối về nơi lấy hàng. Lý do, hở ra một cái, cả chục thương lái kéo đến chỗ mình đang thoải mái chọn hàng một mình, thế là cạnh tranh, thế là nâng giá, rốt cuộc, lời lãi chẳng được là bao.

Thôi thì cứ giấu biệt là xong, hoặc giả, mua ở xứ Đoài thì bảo xứ Đông, ai nào lần mò được đến nơi thì ta đây đã thu mua vãn rồi. Nghề lái trâu có hay gặp rủi ro không? Có chứ! Anh Lai nhăn nhó, mua nhầm trâu dẫn đến hao thịt và mất tiền thì thỉnh thoảng vẫn dính.

Đau nhất là cái đận, xe hàng chở gần 30 con trâu đi đến địa phận một xã của tỉnh Thanh Hóa thì bị nổ lốp lật nghiêng, người ngợm không thiệt hại gì nhưng chưa ai kịp hoàn hồn thì ào một cái, dân địa phương xông ra dắt trâu mất sạch. Tệ hơn nữa, khi đêm xuống, những người xấu ấy lại tiếp tục mang đồ nghề ra tháo cả máy móc, thiết bị trong xe đem bán.

Vài hôm sau, nhờ khéo làm việc với chính quyền địa phương xã mà gia đình thu hồi được đàn trâu với giá tiền… ”chuộc” 1 triệu đồng/con. Riêng chiếc xe ô tô trị giá mấy trăm triệu đồng vừa sắm, lúc đưa được về đến nhà thì gần như chỉ còn mỗi bộ khung với dàn lốp chỏng chơ. 

Nghề lái trâu có chuyện gì thú vị không nhỉ? Cũng lại có. Ấy là lần lên một tỉnh miền núi phía Bắc tìm hàng, phát hiện nhà người dân tộc nọ có con trâu rất đẹp, nếu được rèn luyện chu đáo rất có thể sẽ trở thành một chú trâu trọi lừng lẫy.

Hấp dẫn làm sao, chủ nhà chỉ kêu giá có 6,5 triệu đồng, bằng đúng giá một con trâu thịt trong khi thời điểm ấy, nếu bán theo giá trâu trọi thì chí ít cũng phải gấp đôi.

Khoái quá, mấy anh em hè nhau thuê hẳn hai chiếc ô tô lên, một để chở cả bọn cùng đi liên hoan mừng trúng quả, một để chở riêng chú trâu trọi cho khỏi xây xát. “Một miệng thì kín, chín miệng thì hở”, ông chủ nhà biết chuyện mặt tỉnh bơ: “Hầy à, tao bán cho cái thằng mày 6,5 triệu là để mày thịt cơ. Mày muốn nuôi thì phải trả đủ tao 12 triệu đồng à, đừng có mặc cả mà tao không bán nữa mà”.

Cả bọn trố mắt nhìn nhau vừa tức vừa buồn cười. Cũng may, năm sau đó, tại Hội chọi trâu Hải Lựu (Lập Thạch – Vĩnh Phúc), con trâu này đã thi đấu khá xuất sắc và giành giải Nhì, bõ công mấy anh em bị ông già người dân tộc thiểu số cho một vố nhớ đời.


Theo Vnn

TUANPHONG