"Lễ Tịch điền sẽ rất hoành tráng"

Văn hóa - Ngày đăng : 14:15, 22/01/2009

TS Bùi Quang Thắng, Viện Văn hóa Nghệ thuật, đạo diễn của lễ hội hé lộ: Sau diễn xướng Vua cày tịch điền, các vị lãnh đạo cao cấp sẽ cùng cày với các bô lão địa phương.

TS Bùi Quang Thắng, Viện Văn hóa Nghệ thuật, đạo diễn của lễ hội hé lộ: Sau diễn xướng Vua cày tịch điền, các vị lãnh đạo cao cấp sẽ cùng cày với các bô lão địa phương.

- Đến nay, công tác chuẩn bị của lễ hội Đọi Sơn (Duy Tiên,Hà Nam), ra sao, thưa ông?
- Buổi tổng duyệt kịch bản chương trình này, các diễn xướng của lễ hội do nhân dân các làng trong xã Đọi Sơn đã vận hành trơn tru. Theo kịch bản, sẽ có phần trình diễn của dàn trống làng Đọi Tam, đội múa rồng làng Đọi Tín, diễn xướng “Vua cày tịch điền” của các cụ bô lão và đám rước của khoảng 600 người.

Đông đảo người dân địa phương tham gia tập luyện cho lễ hội tịch điền.

- Ông có thể cho biết đôi chút về kịch bản tổng thể của lễ hội này?
-  Kịch bản tổng thể của lễ hội Đọi Sơn gồm lễ hội truyền thống của làng Đọi Tam, lễ Tịch điền, lễ cầu an trên chùa Đọi. Trong đó, nghi lễ trọng tâm của tổng thể lễ hội này là lễ tịch điền, sẽ rất trang trọng và hoành tráng.

- Kinh phí là một trong những yếu tố rất quan trọng chi phối đến việc tổ chức một lễ hội. Vậy, kinh phí của lễ tịch điền này thế nào?
- Viện văn hóa nghệ thuật hỗ trợ 300 triệu, tỉnh Hà Nam chi 1,2 tỷ đồng, trong đó bao gồm cả kinh phí dành cho truyền hình trực tiếp.

Tập hiệu lệnh cho những chú trâu sau khi được trang trí.

- Ông đưa những yếu tố lịch sử vào lễ hội ra sao?
- Trong sử liệu, thông tin về lễ hội tịch điền của vua Lê Hoàn rất ngắn gọn, chỉ vỏn vẹn vài ba dòng, đó là năm 987 kể lại sự kiện vua thực hiện những đường cày đầu tiên tại chân núi Đọi. Như vậy, điều quan trọng nhất là chúng ta có cái “tích”: Lê Hoàn là vị vua đầu tiên được ghi vào sử sách của chúng ta về tinh thần khuyến nông.

- Tịch điền vốn là lễ của cung đình, giờ đây không còn vương triều nữa, vậy trong quá trình phục dựng, Ban tổ chức có gặp vướng mắc gì?
- Chúng tôi không chủ trương phục nguyên lễ tịch điền thời vua Lê Hoàn. Người xưa thường nói “có tích thì dịch nên trò”, mỗi thời đại tổ chức lễ hội theo nhu cầu đương thời của họ vả lại không có truyền thống nào là bất biến cả. Nói cách khác, lễ hội này là lễ hội của ngày hôm nay nhưng lại được làm theo cách truyền thống, tức là lấy các cộng đồng dân cư địa phương làm chủ thể của lễ hội, diễn xướng theo phương thức dân gian, tránh sử dụng thủ pháp “sân khấu hóa”.

- Ban tổ chức đã mời một số vị lãnh đạo cấp cao của Trung ương và địa phương tham gia nghi lễ tịch điền, vậy trang phục trong nghi lễ của những vị này ra sao?
- Lễ Tịch điền này đóng vai trò một bối cảnh văn hóa mà ở đó các nhà lãnh đạo phát biểu những chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về nông thôn, nông nghiệp và nông dân hiện nay. Vì vậy trang phục không cần theo lối cũ.

- Những người trực tiếp tham gia lễ tịch điền sẽ thực hiện các đường cày ra sao?
- Theo truyền thống, ở diễn xướng “Vua cày tịch điền” thì một mình vua cày 3 sá, mỗi sá khoảng 50m. Tuy nhiên, Ban tổ chức thống nhất: các đồng chí lãnh đạo sẽ cùng cày với các bô lão địa phương, không hạn chế số lượng đường cày.

Phối cảnh đàn tế Thần Nông.

- Thiết kế lễ đài là một phần quan trọng của lễ hội, vậy nơi trung tâm của lễ hội tịch điền như thế nào?
Chúng tôi chọn 1ha ruộng dưới chân núi Đọi để làm khu vực tiến hành nghi lễ. Thay vì làm một lễ đài thông thường (có sân khấu, có phông lớn  ghi tên lễ hội, thời gian, địa điểm tiến hành...) chúng tôi dựng một đàn tế Thần Nông, trong đó có linh vị vua Lê Đại Hành được phối thờ. Diện tích đàn tế này là 180 m3, chiều cao tính từ mặt ruộng lên đến đỉnh của các bức phướn trang trí là 10 m.

- Không có sân khấu, trong khi đó, sự kiện diễn ra trong không gian khá rộng lớn, điều này khiến người ta e rằng lễ hội bị "loãng"?
- Ngược lại, chúng tôi đang e ngại về sự “chật chội của không gian nghi lễ, bởi sẽ có hàng vạn người dân sẽ đến tham dự lễ hội này.

- Xin cảm ơn ông.


Một số hình ảnh trong các buổi tập luyện do TS Bùi Quang Thắng cung cấp:



Sách Việt sử lược chép: Mùa xuân năm Đinh Hợi (987), niên hiệu Thiên Phúc thứ bảy thời vua Lê Đại Hành, vị vua này đã về cày tịch điền  tại chân núi Đọi, mở đầu cho việc “động thổ” nông nghiệp cả nước trong một năm mới, thể hiện chính sách “dĩ nông vi bản”, lấy nông làm gốc của chế độ quân chủ phong kiến. Các triều đại sau đó đều duy trì nghi lễ cày tịch điền (đích thân vua xuống đi cày ruộng) với các hình thức khác nhau. Lễ cày tịch điền của nhà vua đã chấm dứt dưới thời vua Khải Định nhà Nguyễn, đến nay đã gần 100 năm.

Trong khi đó, lễ hội dân gian làng trống nổi tiếng Đọi Tam, trước kia kết hợp với Lễ Tịch điền, vẫn diễn ra hàng năm, diễn ra tại địa điểm trung tâm là chùa Đọi với ngôi tháp Sùng Thiện Diên Linh nổi tiếng và làng Đọi Tam trong bốn ngày đầu xuân Tết Kỷ Sửu. Ban tổ chức cho biết có 600 diễn viên quần chúng và 30 con trâu đang được rèn tập kỹ để tham gia lễ này.  Số du khách thập phương và nhân dân quanh vùng tham dự lễ hội ước tính lên tới hàng chục nghìn người.

Theo badatviet.vn

TUANDIEP