Ôsin bi hài ký

Giới trẻ - Ngày đăng : 16:24, 16/01/2009

Nhu cầu cần người giúp việc nhà ở thành phố ngày càng nhiều thế nên không phân biệt già hay trẻ, xinh hay xấu, có chồng con hay quá lứa nhỡ thì, lãng tai hay... quá thính đều có thể làm ứng viên cho nghề này. Nhưng việc tìm được một ô-sin có thể chung sống 'hoà bình' với các gia chủ là điều không dễ dàng. Thực tế đã có nhiều chuyện cười ra nước mắt.

Cận Tết nhu cầu cần người giúp việc càng tăng

Nhu cầu cần người giúp việc nhà ở thành phố ngày càng nhiều thế nên không phân biệt già hay trẻ, xinh hay xấu, có chồng con hay quá lứa nhỡ thì, lãng tai hay... quá thính đều có thể làm ứng viên cho nghề này. Nhưng việc tìm được một ô-sin có thể chung sống ''hoà bình'' với các gia chủ là điều không dễ dàng. Thực tế đã có nhiều chuyện cười ra nước mắt.

Tìm ô-sin còn… khó hơn tìm vàng.

Nếu bạn nghĩ ô sin (những người giúp việc trong gia đình) những người thường là trình độ văn hoá thấp là phải đầu tắt mặt tối trong việc nhà thì bạn đã nhầm. Tôi đến một trung tâm có cái tên rất đáng tin cậy: "Trung tâm dạy nghề nhân đạo" nằm ngoắt nghéo trong ngõ chợ Khâm Thiên, Hà Nội. Khách đến tìm người giúp việc có thể đứng từ xa theo dõi để "chấm" từng người, nếu thấy ưng ai thì tiến đến "phỏng vấn".

Nội dung hỏi han cũng không gì ngoài "quê ở đâu, bao nhiêu tuổi, có gia đình chưa, biết làm những việc gì, có kinh nghiệm nuôi trẻ con hay chăm người già không..." và rồi thoả thuận mức lương và ký hợp đồng với trung tâm. 

Mức lương trung bình cho một người giúp việc gia đình kèm ăn ở khoảng từ 500.000 - 700.000 đồng/tháng. Nếu công việc nặng nhọc hoặc phải chăm người bệnh liệt giường liệt chiếu có thể lên tới 800.000-1000.000 đồng/tháng tuỳ theo mức độ vất vả của công việc. Và đương nhiên, khách có nhu cầu tìm người giúp việc tại đây phải trả cho trung tâm 500.000 đồng phí dịch vụ. Thế nhưng chọn được một người ưng ý lại là cả quá trình không đơn giản. Bởi thế mới có người đến đây đến 11 lần. Tại sao ư? Họ say mê kể với tôi những nỗi niềm mà mình đã đụng phải ở những lần trước.

Ô sin - chuyện dài nhiều tập

Ấy là chuyện của gia đình anh Dương Phúc Bản ở Thanh Xuân. Một tháng anh này làm được 6 triệu (chưa kể thu nhập của vợ) thì chỉ cần bỏ ra năm ngày lương của anh là cả tháng vợ con được nhàn, yên tâm công tác. Chọn cách nào? đương nhiên anh chọn giải pháp thuê ô sin.

Người đầu tiên mà anh tìm được ở trung tâm này là một cô bé 28 tuổi tên Thu, quê ở Ninh Bình. “Anh, chị có phúc mới gặp cô này! quen việc lắm”. nhân viên sau khi nhận tiền môi giới, ra sức quảng cáo. Của đáng tội cô này cũng chuyên nghiệp thật, chuyên nghiệp ngay buổi đầu tới gia đình chủ nhà. Cô săm soi, giảng giải: ''Mọi thứ cứ phải sòng phẳng. Tháng phải có 2 ngày nghỉ Chủ nhật. Đúng 10h là đi ngủ. Nếu hay có khách ăn cơm, phải thêm tiền công” và sau một tháng cô mới quyết định có ở lại làm việc cho gia chủ hay không. 

Tiếp đó là một tăng dài điện thoại về quê cũng như cho anh T anh H để thông báo rằng em đã đến chỗ ở mới… Rồi mỗi tối cứ 8 giờ là cô này lại đều đặn đi bộ. Sự “đi bộ” này chỉ vỡ lở khi hai anh xe ôm choảng nhau tưng bừng ngay dưới sân vì cái tội “Tao quen em Thu từ tháng trước, cũng đã đi bộ với người đẹp mà mày dám…”

Chuyện của cô Lan Anh, đồng nghiệp của tôi còn bi hài hơn nhiều. Được người quen giới thiệu một người giúp việc 23 tuổi, quê ở Phú Thọ. Vừa đến nhà, cô ta ra giá: chăm em bé: 900.000 đồng/tháng và yêu cầu gia chủ tạm ứng lương 1 năm. Vì đang cần người trông con, Lan Anh bấm bụng chấp thuận. Cô giúp việc này được cái tài buôn điện thoại thì chẳng ai bằng đôi khi còn đệm cả tiếng Anh (tất nhiên là chỉ ôkê dài dài).

Có khiển trách cũng nhún vai, nhờ việc cũng nhún vai... Và đỉnh điểm của sự bực tức chỉ đến khi cuối tháng hoá đơn thanh toán tiền điện khiến cả hai vợ chồng choáng váng. Điều tra mãi mới biết khi ở nhà cô này cứ điềm nhiên bật nóng lạnh lên để rửa bát, giặt dũ cho khỏi lạnh… tay. Và đương nhiên hai vợ chồng đành phải phá vỡ hợp đồng. Cô này cũng vui vẻ ra đi sau cái nhún vai như tài tử Hollywood.

Thế nhưng vẫn chưa kinh bằng chuyện của Bà Nguyễn Thị Kim ở phường Đức Giang, quận Long Biên. Cô ôsin ngoài 40 này được mọi người trong nhà khen hết lời, bởi cô này này khá giỏi việc nhà, lại nấu ăn ngon. Từ đó, cô ta tỏ ra lên mặt với mọi người trong gia đình.

Cô này tuyên bố: “Cái gì trái tai gai mắt là tôi góp ý đấy!”. Nói là làm, những người trong gia đình bà Kim làm gì trái là “biết tay”. Một lần, đứa cháu bà Kim đi học về quên không đóng cổng, thế là bị cô chửi té tát: “Người đâu mà ngu quá vậy!...”. 

Nghe chồng, con than vãn, bà Kim bảo mọi người cố chịu bởi nó nghỉ thì… căng. Cho đến khi đứa cháu nội bị bỏng đến nỗi đi viện, cả nhà cứ rối beng. Cô người làm, an ủi một câu xanh rờn: “Vợ chồng cậu còn trẻ, có gì mà phải lo. Chết lại đẻ đứa khác!”. Nghe vậy, cả nhà xanh cả mặt mày. Đến nước này, bà Kim buộc phải tốn một khoản tiền để... mời cô ôsin kia nghỉ việc ngay.

Hay còn có chuyện một nhà kia có hai ôsin một già một trẻ. Một trông em một làm việc nhà. Họ tỵ nạnh nhau. Rồi cô trẻ bực quá lẳng lặng ra ngoài phố, một lúc thấy cắp về chai rượu mà tu ừng ực. Cả nhà choáng.

Hôm sau, đợi cô trẻ tỉnh rượu, họ phải họp lại mà thống nhất việc cho cả hai người… tại cuộc họp này, cô già tố cô trẻ rằng: “Một bát cháo thằng Bờm chỉ ăn có vài thìa mà hôm nào cũng thấy hết hai bát”. Còn cô già bị cô trẻ choảng lại cái tội đi chợ hôm nào cũng mất ít nhất 2 tiếng cứ nhè hàng xôi, hàng thịt để “buôn” chuyện đời chuyện nghề và không quên "khuyến mại" thêm một phần diễn biến của cuộc sống gia đình chủ.  

Ôsin… cần có cái nhìn thông cảm hơn.

Bây giờ chuyện người giúp việc có những gia đình bận rộn không còn là chuyện lạ. Cũng chẳng ai dám coi họ là người hầu kẻ ở như ngày xưa. Thuận thì ở, không đồng ý thì đi. Thế nên mặc dù có chuyện “nấu cháo” điện thoại, chi phí về điện, nước, gas... tăng vọt nhưng nhà nào cũng dặn nhau làm gì phải để ý một chút không cô ta giận dỗi lại bài ca “mai xin anh chị cho em về” thì…căng lắm.  

Không tin, bạn hảy thử trải qua một lần đi tìm “ôsin” mới thấy hết gian nan trong cuộc “tìm kiếm” có lúc tưởng như vô vọng. Nhược điểm lớn là đa số họ thiếu kinh nghiệm làm việc và thiếu tiếp cận với công nghệ.

Đấy là chưa kể một tháng hai ba lần xin về quê, lúc giỗ cụ khi lại hội làng... Tuổi tác của ô-sin cũng thành vấn đề đáng bàn. Đối với những ô-sin 17, 18 thì cứ lo nơm nớp “biết đâu nó lại là ô sin tình yêu”? chuyện cháu nó ở nhà một mình với chồng (dễ gây đổ vỡ gia đình) hay các chị đột ngột công bố nghỉ để về quê... lấy chồng (cũng chả biết tìm hiểu từ bao giờ)... 

Còn các cô có gia đình thỉnh thoảng lại có ông chồng ở đâu xồng xộc đến làm om lên rồi ra điều kiện: phải về nhà ngay. Những người nhiều tuổi không có gia đình thì hay tự ái và có thời gian thích nghi với cuộc sống thành phố chậm.

Kể ra thì còn nhiều tội lắm, những có lẽ cũng phải nhìn lại và thông cảm cho họ. Công việc không nặng nhọc nhưng luôn bận bịu, ăn ở tại nhà chủ, hầu như không liên lạc với bên ngoài. Cô giúp việc nhà tôi tâm sự: “Lúc đầu, được hướng dẫn sử dụng đồ điện tử rồi nhưng thỉnh thoảng vẫn quên, mấy lần làm cháy cá trong lò vi sóng mới cả gà quay lúc bỏ ra thì ròn tan như bánh đa nướng lại bốc mùi khét lẹt, cứ nghĩ đến lại xấu hổ”. Nhưng dần dà, cô đã trở thành thành viên trong nhà từ lúc nào không biết. Thằng nhỏ nhà tôi câu cửa miệng lúc nào cũng là “cô Thêu”…

Trong tình trạng các trung tâm đều "cầu nhiều hơn cung" như hiện nay. Người giúp việc vừa tuyển về chưa "nóng" chỗ tại trung tâm đã có 3 - 4 chủ đợi đón. Họ không được hướng dẫn cụ thể cách thức sử dụng đồ gia dụng hiện đại.

Nếu bị gia chủ trả lại, họ lại ngay lập tức được đưa tới nhà khác và khả năng tiếp tục bị thôi việc là điều rất dễ hiểu. Công việc của dịch vụ đơn giản chỉ là tìm người, giới thiệu người và thu tiền phí và "làm tròn" trách nhiệm giới thiệu người khác mỗi khi bị trả lại "nhân sự" mà thôi. Ai cũng biết vậy, nên chuyện điều hoà mối quan hệ giữa osin và người trong gia đình như thế nào đành phụ thuộc vào nỗ lực của hai bên.

Đến ngày Tết chắc chắn gần như 100% các Ô sin nhất tề kéo nhau về quê, bạn đừng hy vọng giữ họ ở lại vì có trả 500 ngàn một ngày họ cũng nguây nguẩy đòi về. Khi ấy bạn hãy nhớ sắp cho họ được về quê với một túi tiền rủng rỉnh và vô số quà bánh lỉnh kỉnh (nhiều khi quần cả áo cũ khiến họ phải cho vào bao tải mới đựng hết).

Và đương nhiên, hãy chuẩn bị tinh thần quần quật với việc gia đình để từ mùng 5 lại đỏ mắt mong ôsin như mong mẹ về chợ.

Trọng Hiếu (Theo VNMedia)

ANHTHU