Tượng đài “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” sẽ được làm lại như thế nào?

Xã hội - Ngày đăng : 11:19, 14/06/2003

Hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thành phố đã có kế hoạch đầu tư xây dựng một số tượng đài để ghi lại những dấu ấn lịch sử, những chiến công hào hùng của quân và dân Hà Nội, trong đó có việc làm lại tượng đài “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”

Hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thành phố đã có kế hoạch đầu tư xây dựng một số tượng đài để ghi lại những dấu ấn lịch sử, những chiến công hào hùng của quân và dân Hà Nội, trong đó có việc làm lại tượng đài “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
- Nhà sử học Nguyễn Vinh Phúc: Vị trí đặt tượng ở Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (nơi gặp nhau của các phố: Hàng Đào - Hàng Gai - Đinh Tiên Hoàng - Lê Thái Tổ) cũng thích hợp vì gần ngay Liên khu I - nơi diễn ra các trận đánh ác liệt nhất trong “60 ngày đêm khói lửa” chống thực dân Pháp. Có người còn băn khoăn cho rằng, tượng đài không hợp với vị trí Hồ Gươm, nên đặt ở nơi xảy ra các trận đánh cụ thể: Chợ Đồng Xuân, Bắc Bộ Phủ … Nhưng hiện tại không gian ở những địa điểm ấy thật khó có thể dựng được tượng đài.
 Tượng đài nên làm bằng I-nốc theo khối trụ tròn, phía trên là một biểu tượng chiến thắng, xung quanh chạm khắc những hình ảnh chiến đấu tiêu biểu nhất. Tượng đài cũ ở gần đền Bà Kiệu nên được bảo tồn trong trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Hà Nội sau này.

- Ông Đào Ngọc Nghiêm (GĐ Sở Quy hoạch - Kiến trúc): Vị trí đặt tượng ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục có nhiều ưu điểm: rộng, dễ thể hiện tượng đa chiều, là cửa ngõ vào phố cổ trong tương lai sẽ trở thành phố đi bộ nên thuận lợi trong việc chiêm ngưỡng tượng đài và không gây cản trở giao thông.

- GS. Trần Quốc Vượng : Tượng phải thể hiện được ý chí cố thủ, quyết tử, là nét đặc trưng của “60 ngày đêm khói lửa”, không giống với các chiến thắng khác. Ví dụ, Điện Biên Phủ là ta chủ động đánh địch, còn ở đây là kẻ địch tấn công ta.

- PGS.TS. Trần Đức Cường (Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam) : Để ghi lại sự kiện Hồng quân Liên Xô giải phóng Béc-lin (Đức), người ta đã làm bức tượng một chiến sĩ Hồng quân bế một em bé người Đức trong tư thế tránh làn đạn của kẻ thù. Tượng”Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” cũng nên thể hiện theo hướng tư duy trí tuệ như vậy.

- TS. Đặng Kim Ngọc (Giám đốc Bảo tàng Hà Nội) : Chất liệu tượng đài nên bằng đồng, kích cỡ cần phù hợp với cảnh quan, không nên vươn lên cao quá và phải mang khí thế chống trả quyết liệt. Yếu tố lửa trong tượng đài cần nhấn mạnh, vì thế nhất thiết phải bỏ đài phun nước hiện nay ở Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục nếu không muốn nước dập tắt lửa …

D.C.T(thực hiện)

ADMIN