Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Tất cả vì Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại
Đời sống - Ngày đăng : 13:09, 31/03/2023
Bàn tính các giải pháp căn cơ, bài bản
Chỉ đạo về vấn đề quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố, đồng chí Đinh Tiến Dũng yêu cầu: Ban Chỉ đạo 197 thành phố, Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện các biện pháp theo kế hoạch, chú trọng các biện pháp duy trì kết quả, bảo đảm lâu dài về trật tự an toàn giao thông và văn minh đô thị, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định. Song song, Ban Cán sự đảng UBND thành phố cần tập trung chỉ đạo, nghiên cứu các giải pháp tổng thể, toàn diện, có tính căn cơ, bài bản và lâu dài đối với lĩnh vực này.
“Lòng đường, vỉa hè thực tế là gắn với sinh kế của người dân, phần nào đó là kinh tế đô thị. Cho nên, nguyên nhân sâu xa và lớn nhất của những khó khăn, bất cập hiện nay là thiếu quy hoạch. Từ thiếu quy hoạch dẫn đến thiếu công khai, minh bạch... Nên tôi đề nghị phải suy nghĩ các giải pháp căn cơ, bài bản, không làm theo kiểu “bắt cóc, bỏ đĩa”, Bí thư Thành ủy nêu rõ.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng chỉ đạo, giải pháp đầu tiên phải quan tâm thực hiện ngay là lập quy hoạch thiết kế đô thị quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường từng tuyến phố, tuyến đường, có tính tới các yếu tố thực tiễn trước mắt và lâu dài, phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, từng địa bàn cụ thể như khu phố cổ, phố cũ và mới; nghiên cứu áp dụng các mô hình quản lý của các nước phát triển như cho phép kinh doanh vỉa hè (có thể tính cả giải pháp cho thuê, thu phí theo giờ...), bố trí chỗ đỗ xe ở lòng đường tại những nơi phù hợp... Trên cơ sở đó, công bố công khai quy hoạch để lấy ý kiến người dân. Sau khi có quy hoạch, có sự đồng thuận của nhân dân thì tiến hành “số hóa” để tổ chức thực hiện; trước mắt có thể thí điểm làm trước một số khu vực ngay trong năm nay.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng cũng giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thu hút đầu tư mạnh vào lĩnh vực giao thông tĩnh; chỉ đạo rà soát, bố trí lại hướng - tuyến giao thông hiệu quả hơn nữa để giảm thiểu xung đột và ùn tắc khu vực giao thông...
Thời gian tới, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ ban hành chỉ thị về vấn đề này nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng vào cuộc.
Tập trung tháo gỡ khó khăn trong quản lý chợ, vườn hoa, công viên
Đối với công tác quản lý, đầu tư hệ thống chợ, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chỉ đạo gắn với tăng cường đầu tư, đẩy nhanh tiến độ, các cấp, các ngành phải đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý, nhất là quản lý an toàn cháy nổ, trật tự an ninh, văn minh đô thị. Thành phố phải đặc biệt quan tâm đầu tư, quản lý, phát huy hiệu quả các chợ đầu mối nông sản; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án đầu tư chợ, cảng cạn; tăng cường quản lý hệ thống chợ trên toàn địa bàn bảo đảm phục vụ kinh tế, dân sinh; sớm hoàn thiện giá tính dịch vụ thuê địa điểm bán hàng để thu hút đầu tư; tăng cường quản lý an toàn thực phẩm...
Về hệ thống công viên, đồng chí Đinh Tiến Dũng yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa phát triển công viên, đồng thời phân cấp mạnh cho địa phương quản lý, khai thác. “Thành phố đang quản lý 5 công viên, cần thiết phải giảm tiếp, có thể tính phương án đấu thầu quản lý, khai thác. Các quận, huyện cũng cần tính toán theo hướng này”, Bí thư Thành ủy nêu rõ, đồng thời giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án; có giải pháp xử lý nghiêm theo quy định đối với các dự án chậm triển khai...
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng tin tưởng, trên cơ sở thảo luận nghiêm túc, trách nhiệm, tới đây, các cấp các ngành nghiên cứu xây dựng các giải pháp căn cơ, bài bản và quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện, thành phố sẽ giải quyết tốt 3 vấn đề quan trọng này; qua đó hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tổng sản phẩm trên địa bàn Hà Nội tăng trưởng 5,8%
Theo đồng chí Đinh Tiến Dũng, 3 tháng đầu năm 2023, với sự chung sức, đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, thành phố Hà Nội đã thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển.
Cụ thể, Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng trưởng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn bình quân chung của cả nước (3,32%). Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 138.859 tỷ đồng, đạt 39,3% dự toán; là một trong những quý tăng cao nhất từ trước đến nay (tăng 38,5% so với cùng kỳ). Tổng vốn đầu tư xã hội đạt hơn 81.750 tỷ đồng, tăng 8,6%. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ, tiêu dùng tăng 12,6% (quý I-2022 tăng 9,1%)...