Nỗ lực phát triển nông nghiệp hữu cơ

Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:18, 31/03/2023

(HNM) - Nhiều tỉnh, thành phố phía Nam đang tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ để theo kịp xu hướng chung của quốc tế. Tuy nhiên, lĩnh vực này cần sự nỗ lực rất lớn và chính sách phát triển đồng bộ từ nhiều ngành, nhiều cấp.

Các đại biểu tham quan mô hình sản xuất rau hữu cơ huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai).

Nhiều kết quả tích cực

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh có 2 loại cây được chứng nhận sản xuất hữu cơ với quy mô 7ha gồm: Hồ tiêu hữu cơ (3,5ha) của Hợp tác xã Nông nghiệp Lâm San (huyện Cẩm Mỹ); rau hữu cơ (3,5ha) của Tổ hợp tác Đoàn Kết (thành phố Biên Hòa) và Công ty cổ phần Đầu tư Organica (huyện Long Thành). Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm (thành phố Hồ Chí Minh) cũng đang triển khai tại Đồng Nai 3 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ.

Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai có hơn 600 hộ nông dân ứng dụng IMO (chế phẩm sinh học bảo vệ cây trồng, giúp cây nâng cao sức đề kháng, ức chế và tiêu diệt các vi sinh vật gây hại cho cây...) và MEVI (ủ phân hữu cơ, làm thuốc bảo vệ thực vật) vào sản xuất trồng trọt cho hơn 200ha cây ăn quả, rau màu; hơn 100 hộ chăn nuôi, trang trại ứng dụng IMO và MEVI để xử lý môi trường chăn nuôi, giảm mùi hôi do chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi.

Ông Vũ Văn Mạnh (nông dân xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) cho hay, khoảng 2 năm nay, gia đình ông tự làm phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học trong xử lý sâu bệnh để chăm sóc vườn ổi và vườn mít rộng 1,3ha. Nguyên liệu để làm phân bón hữu cơ rất đa dạng, có thể thay đổi tùy vào nguồn rác hữu cơ nhà vườn tận dụng được như từ động vật (xác gà, vịt, bắt ốc sên hại vườn cây, cá) trộn với các loại rau, lá như cây chùm ngây… “Nhờ chủ động được nguồn vật tư sản xuất đầu vào nên kể cả khi phân bón, thuốc bảo vệ thực vật “sốt giá” cũng không ảnh hưởng đến thu nhập và lợi nhuận của nhà vườn”, ông Vũ Văn Mạnh chia sẻ.

Tương tự, tại tỉnh Vĩnh Long cũng xuất hiện nhiều mô hình sử dụng phân hữu cơ hoặc sản xuất theo hướng hữu cơ như cánh đồng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ của Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Tiến (huyện Tam Bình), mô hình trồng cam hữu cơ của Hợp tác xã Nông nghiệp cam sành Organics (huyện Trà Ôn)... Việc hợp tác tiêu thụ sản phẩm hữu cơ với doanh nghiệp khiến hiệu quả kinh tế tăng lên đáng kể. Còn thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 100 mô hình phát triển về nông nghiệp hữu cơ.

Phấn đấu tăng hiệu quả

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liêm cho biết, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 đạt các mục tiêu như: Diện tích đất trồng trọt hữu cơ lần lượt đạt 1% (năm 2025) và 2% (năm 2030) tổng diện tích đất trồng trọt; tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt 1% và 2% tổng sản phẩm chăn nuôi; diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt 0,5% và 1,5% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản (ưu tiên những loài có giá trị kinh tế như cá tra, cá lồng bè, tôm càng xanh); giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,3-1,5 lần và 1,5-1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ.

“Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị gia tăng, phát triển kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái và tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Do vậy, sản xuất nông nghiệp hữu cơ tiếp tục được tỉnh ưu tiên tập trung đầu tư phát triển trong thời gian tới”, ông Nguyễn Văn Liêm cho hay.

Tương tự, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Sỹ cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định đến năm 2025, diện tích nhóm đất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn đạt khoảng 33.000ha. Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai đang phối hợp với các ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh; dự án đánh giá chất lượng đất nông nghiệp, đặc biệt là nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù của tỉnh về phát triển nông nghiệp hữu cơ...

Còn theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, đến năm 2025, thành phố xác định diện tích sản xuất trồng trọt hữu cơ (rau, xoài) đạt khoảng 50-60ha, tổng đàn lợn hữu cơ đạt 1.800-2.000 con, diện tích nuôi tôm hữu cơ đạt khoảng 10-15ha; hình thành 2-3 chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đến năm 2030, diện tích sản xuất trồng trọt hữu cơ (rau, xoài) đạt khoảng 60-80ha, diện tích nuôi tôm hữu cơ đạt khoảng 15-20ha…

Cũng theo ông Dương Anh Đức, để thực hiện mục tiêu trên, thành phố tập trung giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong phát triển nông nghiệp hữu cơ như: Thay đổi tập quán canh tác thâm canh sử dụng nhiều phân thuốc; tăng cường liên kết mở rộng đầu ra để ổn định giá bán nông sản; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ... “Thành phố đang tập trung đào tạo, tập huấn cho nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hữu cơ; tăng cường tuyên truyền và triển khai các chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ, xúc tiến thương mại... để tăng hiệu quả của lĩnh vực này”, ông Dương Anh Đức thông tin.

Thanh Tàu - Văn Hoàng