Việc mua, bán đất trái phép ở xã Xuân Canh (Đông Anh): Cần được giải quyết dứt điểm
Đời sống - Ngày đăng : 08:01, 31/12/2008
Một phần đất mua bán trái phép ở xã Xuân Canh (huyện Đông Anh).
Năm 1994, đường trục chính từ đê vào làng Xuân Trạch, xã Xuân Canh xuống cấp trầm trọng, mỗi khi trời đổ mưa cả tuyến đường tràn ngập bùn đất, người dân đi lại rất khó khăn. Trước tình hình đó, ngày 16-6-1994, thôn Xuân Trạch đã tổ chức họp dân, nhất trí chuyển nhượng 4 mẫu mặt nước hồ Khiếm để lấy tiền tu sửa, nâng cấp đường. Trên cơ sở đó, thôn Xuân Trạch đã cho thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đề nghị ai có nhu cầu mua đất thì làm đơn và đến nộp tiền, với giá 4 triệu đồng một sào. Ngay sau đó, đã có 44 hộ dân đăng ký và 42 hộ nộp tiền. Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán đất, thôn đã sử dụng làm 1.000m đường nhựa từ đê vào làng và một số đường nội bộ trong thôn.
Sự việc diễn ra bình thường, Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất Hà Nội về đo đạc và lập bản đồ hiện trạng đất thổ cư của xã. Toàn bộ những hộ nộp tiền mua đất đã được thể hiện trên bản đồ số 52 và 53, bản đồ địa chính của xã Xuân Canh. Đến tháng 10-1995, UBND thành phố Hà Nội đã nghiêm cấm việc bán đất trái phép ở các địa phương… thì UBND xã Xuân Canh đã có quyết định hủy bỏ việc bán đất trái thẩm quyền ở khu hồ Khiếm, thôn Xuân Trạch; đồng thời, yêu cầu thôn Xuân Trạch lập hồ sơ, làm các thủ tục xin cấp đất giãn dân cho 42 hộ đã nộp tiền chuyển nhượng đất. Thế nhưng, các hộ dân ở thôn Xuân Trạch lại không đồng ý với quyết định trên, bởi họ cho rằng đất tại hồ Khiếm đã được người dân hợp đồng mua bán với thôn. Do không chấp nhận phương án lấy đất giãn dân, nên thời gian qua, các hộ mua đất cũng như lãnh đạo thôn Xuân Trạch đã nhiều lần kiến nghị với UBND huyện, xin làm thủ tục hợp thức hóa diện tích đất mà họ đã nộp tiền, nhưng đều không được chấp nhận.
Quá bức xúc về việc này, đến tháng 6-2002, các hộ dân thôn Xuân Trạch tiếp tục có đơn gửi UBND xã Xuân Canh, yêu cầu chính quyền địa phương sớm giao đất để các hộ làm nhà, ổn định cuộc sống. Sau khi xem xét các kiến nghị của người dân, lãnh đạo xã Xuân Canh đã tổ chức hội nghị Quân - Dân - Chính - Đảng, bàn bạc và đi đến thống nhất: Các hộ đã nộp tiền mua đất trước kia, nay đóng thêm 16 nghìn đồng/m2 để xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương và lấy kinh phí san lấp hồ Khiếm. Mặc dù, các hộ dân đã nộp tiền đầy đủ, nhưng chờ mãi vẫn không thấy UBND xã Xuân Canh triển khai thực hiện theo cam kết, nên đã tự ý đổ đất, san lấp hồ.
Việc 42 hộ dân ở thôn Xuân Trạch tự ý đổ đất, san lấp hồ Khiếm khi chưa được sự đồng ý của các cấp thẩm quyền là vi phạm pháp luật. Song, để bảo đảm quyền lợi cho nhân dân, ngày 31-12-2003, UBND huyện Đông Anh đã có Tờ trình số 642 gửi UBND thành phố Hà Nội, xin hợp thức 14.640m2 đất khu hồ Khiếm mà thôn Xuân Trạch và xã Xuân Canh đã tự ý thu tiền của dân từ năm 1994.Ngày 5-5-2004, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội có công văn trả lời UBND huyện Đông Anh và xã Xuân Canh: "Khu đất nêu trên đã nằm trong quy hoạch xây dựng công viên cây xanh và hành lang mở đường đô thị dự kiến nối với cầu Nam Tứ Liên. Do đó, đề nghị của huyện Đông Anh là không phù hợp".
Trao đổi với phóng viên báo Hànộimới về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Cảnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Canh và ông Lê Ngọc Dụng, Phó phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Đông Anh cho biết: Giải pháp tốt nhất hiện nay là cấp đất giãn dân cho 42 hộ đó ở một khu vực khác, không nằm trong quy hoạch của thành phố. Tuy nhiên, theo quy định mỗi hộ trong diện giãn dân chỉ được cấp không quá 120m2, trong khi đó các hộ dân lại yêu cầu phải được cấp đủ 360m2 theo hợp đồng mua bán năm 1994 giữa thôn với các hộ, nên không thể thực hiện được.
Việc cấp, bán đất trái phép ở xã Xuân Canh đã gây bức xúc trong dư luận nhân dân, dẫn đến khiếu kiện kéo dài, cần được các cơ quan chức năng của huyện Đông Anh sớm xem xét, giải quyết dứt điểm; đồng thời xử lý nghiêm minh những tập thể, cá nhân vi phạm theo đúng pháp luật. Người dân thôn Xuân Trạch cũng cần hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương, nhằm tìm ra phương án tối ưu nhất.
Bài, ảnh: Nguyên Hà