Hà Nội chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số: Thiết thực và hiệu quả

Đời sống - Ngày đăng : 06:15, 31/03/2023

(HNM) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, thành phố đã bố trí 1.106,63 tỷ đồng, trong đó dành hơn 974 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Đợt khảo sát mới đây của Ban Dân tộc thành phố Hà Nội cho thấy, chương trình được triển khai bảo đảm thiết thực và hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số...

Đường giao thông của xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) được đầu tư nâng cấp giúp cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tốt hơn.         

Hiệu quả từ những dự án

Ngày 11-11-2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 253/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030 (Kế hoạch 253), trong đó đề ra 9 nội dung thực hiện để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo kế hoạch, tổng mức vốn đầu tư dự kiến là 2.144,523 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 1.647,702 tỷ đồng; nguồn vốn sự nghiệp là 496,821 tỷ đồng.

Đến nay, thành phố Hà Nội đã dành hơn 974 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhiều công trình được đưa vào sử dụng góp phần không nhỏ nâng cao đời sống vật chất và  tinh thần cho người dân. Đơn cử dự án xây dựng nhà văn hóa thôn Luồng Lặt (xã Yên Trung, huyện Thạch Thất) được hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 9-2022. Trưởng thôn Luồng Lặt Đinh Văn Thạo nói: “Trước đây, khi chưa có nhà văn hóa, việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập trung của người dân gặp nhiều khó khăn. Nhà văn hóa được khánh thành, không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân mà còn góp phần xây dựng nông thôn mới”.

Sau một thời gian thi công, dự án xây dựng mới Trạm Y tế xã Yên Bình, huyện Thạch Thất đã hoàn thành vào cuối năm 2022. Phó Trưởng trạm Y tế xã Yên Bình Nguyễn Thị Phượng cho biết, hạng mục xây dựng nhà khám bệnh 2 tầng của dự án đã thiết kế các phòng chuyên biệt đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân nơi đây. Từ khi trạm y tế mới đi vào hoạt động, người dân rất phấn khởi vì điều kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt hơn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc thông tin, theo Kế hoạch 253, tổng số dự án thực hiện trên địa bàn huyện Thạch Thất giai đoạn 2021-2025 là 20 dự án, với mức đầu tư 388,031 tỷ đồng. Tổng số dự án được bố trí vốn để thực hiện đến hết năm 2022 là 10 dự án, với mức đầu tư 116,306 tỷ đồng. Việc triển khai các dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong khi đó, huyện Ba Vì hiện có khoảng 38,3% dân số là người dân tộc thiểu số. Theo Kế hoạch 253, huyện được đầu tư 40 dự án với tổng kinh phí giai đoạn 2021-2025 là 500 tỷ đồng. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, tổng số kinh phí đã được bố trí đến nay là 423 tỷ đồng cho 37 dự án. Trong đó, tổng số kinh phí bố trí trong năm 2021 và năm 2022 là 384,5 tỷ đồng. Các dự án trong chương trình đã giúp cho cuộc sống của bà con nơi đây ngày một tốt hơn.

Cơ sở vật chất khang trang của Trường Tiểu học Minh Quang A (xã Minh Quang, huyện Ba Vì). Ảnh: Hồng Đạt

Chủ động tháo gỡ khó khăn

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, việc thực hiện Kế hoạch 253 đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Kế hoạch 253, một số khó khăn, vướng mắc đã xuất hiện. Một số dự án thuộc nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân thấp; có dự án lập quy hoạch không sát nên phải điều chỉnh quy mô và tổng mức đầu tư.

Từ tình hình ở địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì) Đào Văn Tuyên cho rằng, để nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, cần quan tâm đầu tư về giao thông, thủy lợi, nước sạch, xử lý ô nhiễm môi trường... Đồng thời, hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, cây, con giống và thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Trước thực tế, từ đầu năm 2023 đến nay, huyện Thạch Thất chưa được hỗ trợ vốn để thực hiện các dự án thuộc Kế hoạch 253, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc kiến nghị, thành phố tiếp tục có những cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù để bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Để thực hiện hiệu quả Kế hoạch 253, theo Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân, các địa phương cần rà soát các danh mục dự án đang và sẽ triển khai; bám sát tiến độ các dự án để bảo đảm chất lượng công trình. Đối với những dự án do huyện làm chủ đầu tư, cần chủ động giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền và báo cáo thành phố tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án và việc thanh, quyết toán theo đúng quy định. Đặc biệt là cần quy định rõ người, rõ trách nhiệm trong việc cam kết hoàn thành dự án đúng tiến độ và mang lại hiệu quả thiết thực.

Thành phố Hà Nội có gần 108 nghìn người dân tộc thiểu số, sinh sống ở 30/30 quận, huyện, thị xã, chiếm 1,3% dân số toàn thành phố. Đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung chủ yếu ở 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức. Hiện nay, 100% xã dân tộc miền núi trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đình Hiệp