Hanoimilk nghiệm thu hệ thống máy xét nghiệm melamine hiện đại
Đời sống - Ngày đăng : 15:05, 30/12/2008
Thanh tra Bộ Y tế lấy mẫu sữa bột để mang đi kiểm nghiệm tìm melamine tại Hanoimilk hồi tháng 9/2008
Tham dự lễ ký kết, bàn giao có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng. Ông Trần Đăng Tuấn, Tổng giám đốc Hanomilk cho biết, mục đích của sự đầu tư này không gì khác nhằm bảo vệ sức khoẻ của người tiêu dùng và lấy lại thương hiệu của mình trên thị trường.
Hệ thống phòng phân tích và thử nghiệm của Hanoimilk gồm: Máy phân tích melamine và dây chuyền thử nghiệm UHT – PILOT. Máy phân tích melamine là một bộ thiết bị của hãng Agilent Technologies có 3 giải pháp để kiểm nghiệm melamine: Kỹ thuật sắc ký lỏng; kỹ thuật sắc ký khí khối phổ; Phương pháp LC/MS/MS.
Dây chuyền thử nghiệm UHT – PILOT có chức năng xác định công thức nguyên trạng, công thức mới cập nhật, các loại khẩu vị, đoán biết màu sắc, ứng dụng chất ổn định, chất chống thối rữa, thí nghiệm và thời gian giá hàng, chế tạo sản phẩm mẫu tặng khách hàng.
Cùng ngày, Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế Dương Xuân An đã công bố 20 sản phẩm của Hanoimilk không nhiễm melamine. Đại diện cho Hanoimilk, ông Trần Đăng Tuấn cũng đưa ra cam kết, nếu sản phẩm của hãng có nhiễm melamine, ông sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn trước xã hội và pháp luật. Thời gian sắp tới, Hanoimilk vẫn tiếp tục thế mạnh của mình là đối tượng tiêu dùng trẻ em.
Như HNMO đã đưa tin, Hanoimilk là một trong những "nạn nhân" chịu thiệt hại nặng nề nhất trong sự cố sữa nhiếm melamine xảy ra vào tháng 9/2008 vừa qua. Sau khi có thông tin sữa nhiễm melamine từ tập đoàn sữa Tam Lộc của Trung Quốc, các đoàn thanh tra của Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra, lấy một số mẫu sữa của các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, kinh doanh sữa nói chung cũng như Hanoimilk nói riêng.
Kết quả cho thấy Hanoimilk là đơn vị có số sản phẩm nhiễm độc tố này nhiều nhất. Các kết quả kiểm nghiệm liên tục được công bố, nâng tổng số sản phẩm của hãng cần phải tịch thu và tiêu hủy lên tới con số 7. Những thông tin "nóng" nàylập tức gây hoang mang trong dư luận và làn sóng "tẩy chay" các sản phẩm của Hanoimilk trong các siêu thị, trường học...
"Uy tín của Hanoimilk bị giảm sút nghiêm trọng. Cty đã phải cắt giảm 50% sản lượng do người tiêu dùng quay lưng lại. 50% cán bộ công nhân viên của nhà máy không có vịêc làm. Hàng nghìn hộ gia đình chăn nuôi bò sữa cung cấp nguồn nguyênliệu sữa tươi cho công ty cũng bị thiệt hại nặng nề. Hiện nay còn 170 tấn sữa bột nhập từ Trung Quốc không nằm trong danh sách 22 công ty “đen” của nước bạn vẫn chưa được bỏ giấy niêm phong" - ông Tuấn thống kê những thiệt hại mà Hanoimilk đã gặp phải trong thời gian qua.
Tuy nhiên, điều đáng nói là cũng tại thời điểm đó, Hanoimilk đã đưa mẫu sữa đi xét nghiệm tại 5 trung tâm cả trong và ngoài nước. Kết quả cho thấy các sản phẩm sữa của hãng không hề nhiễm melamine, trái ngược hoàn toàn với kết luận của Bộ Y tế đã được ban hành rộng rãi. Lãnh đạo Hanoimilk đã liên tục gửi khoảng 10 công văn đến Bộ Y tế nhằm được "minh oan" nhưng không có công văn nào được trả lời.Cho đến ngày 24/11, Bộ Y tế mới có kết luận cuối cùng nhưng lại "âm thầm" giao cho Hanoimilk để tự hãng công bố trước dư luận.
Giải thích về sự việc này, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế coi đó là một “tai nạn”. Những sai sót nhầm lẫn trong quá trình xét nghiệm, dẫn đến kết quả công bố hòan tòan trái ngược nhau do máy móc của Việt Nam còn lạc hậu và ở thời điểm đó ngay cả Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chưa có công bố chính thức về hàm lượng melamine có trong thực phẩm.
Cùng với việc đầu tư hệ thống máy móc xét nghiệm hiện đại này, Hanoimilk một lần nữa khẳng định trách nhiệm của mình với sức khỏe người tiêu dùng trên giai đoạn phục hồi sản xuất, lấy lại uy tín trên thị trường.
T.Hoa