Nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Bất động sản - Ngày đăng : 17:16, 30/03/2023

(HNMO) - Luật Đất đai có tầm ảnh hưởng rộng lớn, ý nghĩa quan trọng, liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh... Việc sửa đổi Luật Đất đai nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trước đây, từ đó phát huy nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Phóng viên Báo Hànộimới lược ghi một số ý kiến đóng góp tại hội nghị góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do UBND thành phố Hà Nội tổ chức, diễn ra chiều 30-3.

Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Văn Chiến: 
Bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ 3 bên

Quận Hà Đông nhìn từ trên cao.

Trong thu hồi đất, Nhà nước bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của 3 bên: Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Trong đó, Luật cần quan tâm hơn đến người dân bị thu hồi đất, vì họ không được chủ động định giá. Hiện tại, trên địa bàn thành phố, nhiều địa phương không còn quỹ đất để đền bù tương xứng với khu đất bị thu hồi (đền bù bằng nhà chung cư hoặc bằng tiền), do đó, Luật Đất đai (sửa đổi) cần lưu tâm, cân nhắc đến đặc thù này của một số địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, để cả người dân và chính quyền cấp cơ sở thuận lợi trong việc thực thi pháp luật.

Mặt khác, khi Nhà nước thu hồi đất để làm công trình giao thông, nếu đất bị thu hồi còn một phần, nhưng không đủ diện tích tối thiểu để xây dựng nhà, thì luật cũng cần quy định rõ điều kiện để thu hồi hết diện tích, việc sử dụng loại đất này, tránh xây nhà siêu mỏng, siêu méo.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung: 
Chuyển Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai về cấp huyện quản lý

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung.

Huyện Ba Vì đề nghị sửa đổi Điều 23 trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) xem xét chuyển Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai về UBND cấp quận, huyện quản lý, điều hành để thuận lợi hơn trong việc giải quyết những vấn đề về thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bởi hiện nay, việc quản lý, cập nhật, chỉnh lý biến động và lưu trữ hồ sơ địa chính ở Văn phòng Đăng ký đất đai của một số địa phương vẫn chưa được thực hiện hoặc thực hiện nhưng chưa bảo đảm yêu cầu, nên hồ sơ địa chính còn phân tán, thiếu thống nhất, chưa phản ánh đúng thực trạng sử dụng đất, gây khó khăn, rủi ro trong công tác quản lý và sử dụng.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện chưa hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận lần đầu đối với các loại đất, cần tập trung cho công tác cấp giấy chứng nhận lần đầu và để thống nhất một đầu mối ký cấp giấy chứng nhận, thì việc quy định thẩm quyền cấp giấy chứng nhận của hộ gia đình, cá nhân cho UBND cấp huyện là phù hợp.

Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng: 
Các quy định về tái định cư cần sát thực tiễn 

Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng.

Thạch Thất hiện triển khai thực hiện dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội… có diện tích thu hồi lên tới 2.500ha. Dự án kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, gây ra tình trạng khiếu nại, tố cáo... Do vậy, huyện đề xuất có quy định cơ chế đặc thù đối với các dự án thu hồi đất theo Điều 77, Điều 78 dự thảo Luật với diện tích thu hồi lớn.

Mặt khác, tại Khoản 2, Điều 86 quy định “Người có đất thu hồi được bố trí tái định cư tại chỗ, nếu tại khu vực thu hồi đất có dự án tái định cư hoặc có điều kiện bố trí tái định cư. Ưu tiên vị trí thuận lợi cho người có đất thu hồi sớm bàn giao mặt bằng, người có đất thu hồi có công với cách mạng”. Trong thực tế, việc thu hồi đất và tái định cư trong thời gian qua còn có những bất cập, hạn chế. Do vậy, Luật Đất đai (sửa đổi) cần chú trọng hơn việc bồi thường đất và tái định cư cho người dân phù hợp hoàn cảnh và cuộc sống của từng cá nhân, cũng như hộ gia đình.

Huyện Thạch Thất cũng kiến nghị, cần thể chế hóa các quy định nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, tiêu chí “tốt hơn nơi ở cũ” cũng cần được ghi rõ trong Luật theo hướng cụ thể hóa các tiêu chí thế nào là “tốt hơn nơi ở cũ”, vì cụm từ “bằng hoặc tốt hơn” vẫn rất chung chung.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường: 
Cần mở rộng đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường.

Điều 176, Khoản 6, dự thảo Luật: “Người sử dụng đất trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa và được sử dụng một tỷ lệ đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp, nhưng không làm mất đi điều kiện cần thiết để trồng lúa theo quy hoạch, phù hợp với quy định của pháp luật”. Để tạo hành lang pháp lý và bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện cũng như quản lý được diện tích xây dựng công trình, ngành Nông nghiệp đề nghị dự thảo Luật quy định rõ “được sử dụng một tỷ lệ đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch với tỷ lệ cụ thể...".

Mặt khác, cần mở rộng thêm các đối tượng được phép thuê, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp theo hướng lấy hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp làm tiêu chí, thước đo.

Bạch Thanh