Nghề đúc đồng ở đất cố đô

Giới trẻ - Ngày đăng : 14:45, 24/12/2008

Cách trung tâm thành phố Huế 3 km về phía Tây Nam là làng nghề đúc đồng cổ, phường Đúc. Vào phường, từ cây cỏ, nếp nhà, đường nét kiến trúc vẫn còn nguyên vẹn tựa thời gian. Cả những con người phường Đúc chân chất, mộc mạc cũng thế, vẫn còn lưu giữ hồn xưa, tiếng xưa. Nghề đúc đồng truyền thống ở đây không có khái niệm
Cách trung tâm thành phố Huế 3 km về phía Tây Nam là làng nghề đúc đồng cổ, phường Đúc. Vào phường, từ cây cỏ, nếp nhà, đường nét kiến trúc vẫn còn nguyên vẹn tựa thời gian. Cả những con người phường Đúc chân chất, mộc mạc cũng thế, vẫn còn lưu giữ hồn xưa, tiếng xưa. Nghề đúc đồng truyền thống ở đây không có khái niệm "cập nhật công nghệ", vậy mà những sản phẩm của phường lại có mặt khắp trong và ngoài nước. Kể cũng lạ!

Cửu vị thần công trước đại nội Huế - một kiệt tác của nghệ nhân phường Đúc

Nghề cổ
Đúc đồng là một trong những nghề thủ công truyền thống lâu đời và nổi tiếng ở Việt Nam. Những sản phẩm phong phú về kỹ thuật lẫn mỹ thuật, còn lưu lại từ trước đến nay trên khắp đất nước đã nói lên cái hay, cái khéo của khối óc và bàn tay người thợ. Ở Huế, phường Đúc ngày nay là địa danh chạy dọc trên đường Bùi Thị Xuân, nằm ven bờ sông Hương đoạn từ cầu Giã Viên lên phía Long Thọ và ôm trọn trong lòng 5 xóm, lần lượt từ Đông sang Tây với tên gọi là Giang Dinh, Giang Tiền, Kinh Nhơn, Bản Bộ và Trường Đồng, lưu truyền trong dân gian với tên gọi "năm dãy thợ đúc". Trong đó Kinh Nhơn và Bản Bộ là 2 xóm đúc đồng lớn và có danh tiếng nhất.

Chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Sinh, 71 tuổi, (số 163 Bùi Thị Xuân), người kế thừa nghề đúc của họ đúc Kinh Nhơn. Vào nhà, hàng trăm sản phẩm từ chuông Hồng Chung, tượng, lư đồng, các đồ trang trí được trưng bày một cách bắt mắt. Ông cụ không có nhà. Người nhà của cụ cho hay, cụ đang làm việc ở xưởng cùng với nhóm thợ.

Du khách thích thú chiêm ngưỡng những sản phẩm đồng tại khu trưng bày sản phẩm của phường

Theo chỉ dẫn, con đường dốc dẫn chúng tôi đến cơ sở đúc đồng của cụ Sính. Tại đây, hơn 20 thợ đang say mê với công việc. Thấy có khách đến thăm quan, cụ Sính nói như để lý giải cho việc không thể tiếp khách ngay của mình: "Có khách bên Nhật Bản mới đặt hàng, phải lo làm để giao hàng cho đúng hạn". Một lát sau, ông cụ ngơi tay, ngồi nói chuyện bên ấm trà nóng, chúng tôi được nghe chuyện lịch sử về phường Đúc những thập kỉ trước.

Theo gia phả của dòng họ Nguyễn - Kinh Nhơn thì thủy tổ của nghề này là ngài Nguyễn Văn Lương quê thuộc làng Đồng Xá, huyện Siêu Loại, tỉnh Bắc Ninh đến Thuận Hóa từ đầu thế kỉ XVII. Buổi đầu, thợ đúc lành nghề của các xứ do Phủ chúa và Triều đình nhà Nguyễn tập trung về làm việc tại các ty pháo tượng, công tượng đúc đồng, hưởng chế độ ngụ lộc, cùng ngụ cư ở khu vực trường đúc trên đất quan phòng thuộc thôn Xuân Giang, xã Dương Xuân, bờ nam sông Hương, đối ngạn Thủ phủ Kim Long từ năm 1636. Những hiện vật bằng đồng nổi tiếng còn lưu lại tại kinh thành Huế hiện nay, như một minh chứng cho tài nghệ đúc đồng của những người nghệ nhân làng Dương Xuân thời đó, như: khánh, chuông chùa Thiên Mụ; những chiếc vạc đồng, nghi môn bằng đồng trong Đại Nội; Cửu vị Thần Công (1803 - 1804) đặt trước Ngọ Môn và đặc biệt là Cửu Đình (1835 - 1837) - bộ tác phẩm nghệ thuật với 162 hình khắc chạm nổi.

Đó là những thành tựu rực rỡ nhất của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam 2 thế kỷ trước. Khi Chúa Trịnh và Tây Sơn đánh chiếm Phú Xuân, các công tượng đúc đồng bị tan rã. Riêng chỉ có họ Nguyễn ở Kinh Nhơn vẫn ở lại tại chỗ và tiếp tục nghề đúc của ông cha. Từ những lò đúc của các anh em trong dòng họ Nguyễn, nghề đúc vẫn được duy trì và phát triển cho đến ngày nay.

Danh bất hư truyền
Cụ Nguyễn Văn Sính là đời thứ 11 của dòng họ kế nghiệp đúc đồng. Với biệt tài đúc chuông, vừa qua cụ và 2 người con trai đã thực hiện thành công quả chuông Đại Hồng Chung cao 5,5 m, đường kính 3,7 m, nặng trên 30 tấn. Đây được xem là quả chuông lớn nhất Đông Nam Á hiện nay.

Khi được hỏi về bí quyết đúc chuông, cụ Sính vui vẻ cho biết: "Ngoài kinh nhiệm gia truyền, đúc chuông cần phải có cái tâm của người thợ. Như thế mới tạo ra những quả chuông có âm thanh hay và làm thức tỉnh lòng người". Cụ cho biết thêm, điều khó nhất khi đúc những quả Đại Hồng Chung đó là sự dung hòa giữa tính chất nghệ sĩ với tính toán khoa học. Chỉ cần một sơ suất hoặc trục trặc nhỏ về kỹ thuật, là có khi trở thành công "cốc".

Để tìm hiểu thêm về nghề đúc, chúng tôi ghé vào một cơ sở đúc đồng nổi tiếng khác, chủ xưởng là ông Nguyễn Văn Đệ, mặc dù tuổi tác đã cao nhưng ông vẫn cùng với 2 con trai duy trì nghề đúc gia truyền. Khác với cụ Sính, ông Đệ nổi tiếng với đúc trống đồng. Cha con ông hiện nay đã đúc thành công chiếc trống đồng có đường kính 60cm, nặng 60-65kg cho Bảo tàng Quang Trung (Bình Định). Ông cho biết: "Bí quyết để những quả trống đồng có âm thanh chuẩn là ở cách tính toán để đạt độ chuẩn xác cao, từ khâu pha trộn hợp kim cho đến khâu nung chảy đồng để rót vào khuôn mẫu...".

Nhờ sự khéo léo và tinh xảo trong từng đường nét của sản phẩm, chẳng mấy chốc sản phẩm của phường Đúc đã được nhiều người biết đến. Nhiều bà con Việt Kiều cũng tìm đến cơ sở của phường Đúc để đặt hàng. Nhờ đó, các sản phẩm của phường đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Nê-pan, Ấn Độ...

Thu nhập từ việc đúc đồng cũng tương đối ổn định. Chủ một cơ sở đúc đồng "tiết lộ": "Mỗi tháng cơ sở của gia đình tôi cũng thu nhập trên dưới 10 triệu đồng, đó là chưa kể khi có khách nước ngoài hay Việt kiều đặt hàng". Quân bình một người thợ lành nghề có mức lương trên 2 triệu đồng/tháng, thợ tập làm lương từ 1 triệu đến 1,5 triệu/tháng. Chủ yếu người thợ nơi đây làm việc theo kiểu bán thời gian, tranh thủ lo công việc đồng áng khi nào các chủ xưởng kêu thì đến xưởng làm.

Phường Đúc được biết đến không chỉ là nơi lưu giữ và phát triển làng nghề, mà còn chính bởi sự học ở mảnh đất này. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Long, PCT phường đã không dấu nổi niềm vui: "Chỉ tính riêng kì thi Đại học vừa qua, cả phường đã có 78 em đậu vào các trường Đại học, Cao đẳng trong cả nước. Vui lắm các chú ạ!".

Điều đáng nói ở đây là chính những người con của phường sau khi đã tiếp thu được những kiến thức từ giảng đường Đại học lại trở về góp tài, góp sức vào việc phát triển làng nghề. Ví như nhà cụ Sính, người con trai lớn là Nguyễn Phùng Sơn, tốt nghiệp kỹ sư chế tạo máy, hiện phụ trách cơ sở đúc đồng của ông tại Đồng Nai. Người con trai kế là Nguyễn Trường Sơn, chọn ngành đúc nhiệt luyện (Đại học Bách khoa Hà Nội) để học, nay đã tốt nghiệp đại học về theo bố phụ trách cơ sở đúc đồng của gia đình tại phường Đúc theo lối "cha truyền con nối".

Người thợ đang trang trí sản phẩm

Hướng đi
Hiện nay, phường có trên 50 cơ sở đúc đang hoạt động và ngày càng mở rộng quy mô. Thế nhưng, điều làm cho không ít người lo lắng đó là đầu ra cho sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Đệ cười buồn: "Những sản phẩm từ đồng có độ bền cao nên thị trường cũng thu hẹp dần!". Vừa qua, UBND thành phố đã hỗ trợ đầu tư hơn 3 tỷ đồng để xây dựng và phát triển làng nghề đúc tại phường Đúc, bao gồm việc hỗ trợ phát triển hạ tầng, xử lý môi trường, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới về khuôn đúc và đặc biệt là tìm đầu ra cho sản phẩm.

Chủ tịch UBND phường Đúc, ông Phan Văn Phước, cho biết: "Khắc phục sản xuất theo lối gia đình, "mạnh ai nấy làm", hiện phường đang tổ chức lại làng nghề, kết hợp việc đầu tư phát triển nghề đúc đồng truyền thống với việc xây dựng các điểm tham quan làng nghề theo định hướng phát triển du lịch và dịch vụ du lịch. Đầu năm 2006 vừa qua, chúng tôi thành lập được Trung tâm Giới thiệu làng nghề với 12 quầy hàng để quảng bá sản phẩm đúc của phường".

Là nghề thủ công và truyền thống của Việt Nam, cho đến nay nghề đúc đồng vẫn lưu giữ những nét đẹp vốn có và trở thành một điểm tham quan hấp dẫn khách du lịch khi đến Huế. Ngày 30 tháng 5 năm 2008 vừa qua, Sở VHTT&DL tỉnh Thừa Thiên Huế đã chứng nhận phường Đúc là cơ sở "Dịch vụ du lịch đạt chuẩn". Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hòa, PCTUBND tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiều khách nước ngoài thích thú trước những sản phẩm khéo léo của những nghệ nhân và coi như một điều thú vị trong quá trình khám phá cuộc sống và con người nơi đây. Chính vì vậy các làng nghề, trong đó có đúc đồng, đã góp phần vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, nâng cao uy tín của làng nghề xứ Huế.

Rời Phường Đúc trong tiếng chuông chiều, tôi lại nghe người dân Cố đô rỉ tai nhau: "Chuông của thợ phường Đúc đó". Và đâu đây trên trái đất này, vẫn vang đều tiếng chuông phường Đúc, trong trẻo, sâu lắng, thấm vào lòng người. Bất chợt tôi nhớ lại lời bài thơ "Kệ Chuông" khắc trên Đại Hồng Chung tại cơ sở sản xuất nhà cụ Sính:

Nguyện tiếng chuông này vang khắp giới
Khắp nơi u tối mọi loài nghe
...
Hơi thở nương chuông về chánh niệm
Vườn tam hoa tuệ nở xinh tươi.


Âm vang tiếng chuông, tiếng trống còn có thể đi xa hơn nếu biết tổ chức sản xuất tốt, kết hợp giữa sự kế thừa và hiện đại, phù hợp với đòi hỏi của thị trường.

Theo PNVN

TUANDIEP