Xây dựng Tuyến phố văn minh - Giải pháp phát triển đô thị bền vững
Đời sống - Ngày đăng : 06:08, 30/03/2023
Bài 1: Những khởi đầu khó khăn
Như bộ khung của thành phố hiện đại, những tuyến phố văn minh đô thị được ví như điểm khởi đầu. Tuy nhiên, khi áp tiêu chí vào thực tiễn, các địa phương trên địa bàn Thủ đô đã gặp nhiều trở ngại. Đặc biệt, do đặc thù của từng vùng, miền, nên với những tuyến phố đã được công nhận hay đang trong quá trình triển khai đều ngổn ngang không ít khó khăn cần tháo gỡ.
Nội thành - vi phạm vẫn còn
Tuyến phố văn minh đô thị được xét, công nhận theo nhiều tiêu chí theo Quyết định số 68/2005/QĐ-UBND ngày 13-5-2005 của UBND thành phố quy định về công nhận tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó có 2 nội dung chính là hạ tầng giao thông đô thị và hoạt động kinh doanh thương mại. Trong đó, tiêu chí về hạ tầng giao thông đô thị gồm các quy định về: Hạ tầng kỹ thuật; vệ sinh môi trường, cây xanh, chiếu sáng; trật tự đô thị; mỹ quan đô thị... Đây là những quy định chung cho mọi vùng, miền trên toàn thành phố, vì thế, khi áp vào thực tiễn đã nảy sinh những vấn đề nhất định.
Nội thành Hà Nội có một số tuyến phố được công nhận là tuyến phố văn minh đô thị, như: Tuyến đường Nguyễn Trãi, đoạn thuộc phường Trung Văn và phố Đỗ Đức Dục (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm)... Gần đây nhất, ngày 14-2-2023, phố Quang Trung và Tô Hiệu (quận Hà Đông) được thành phố công nhận là tuyến phố văn minh. Nhìn chung, những tuyến phố này đều có hạ tầng đồng bộ, khang trang. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm, vỉa hè nhiều nơi vẫn bị chiếm dụng làm điểm để xe; nhiều gia đình vẫn làm bục bệ, cầu dẫn xe vào nhà; rác thải bị vứt bừa bãi bên lề đường. Đáng nói, không ít hộ gia đình còn bày, treo hàng hóa chiếm dụng không gian chung...
Đơn cử, ngay sát biển “Tuyến phố văn minh đô thị” đặt trên đường Nguyễn Trãi (đoạn qua quận Nam Từ Liêm), vào giờ cao điểm, toàn bộ đoạn vỉa hè này vẫn bị sử dụng để xe máy, “đẩy” người đi bộ xuống lòng đường. Trong khi đó, một số biển hiệu quảng cáo cũng không tuân theo quy định; nhiều hộ kinh doanh vẫn bày bán hàng trên vỉa hè...
Ngoại thành - khó từ tính đặc thù
Hướng tới một thành phố văn minh, các địa phương ở ngoại thành cũng bắt tay vào kiến thiết, tạo lập mục tiêu này. Đan Phượng - huyện dẫn đầu phong trào xây dựng nông thôn mới của thành phố và đang tích hợp xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu với tiêu chí đô thị. Từ năm 2021, Đan Phượng đã lên kế hoạch xây dựng 135 tuyến đường, phố văn minh đô thị, nhưng hiện chỉ có 36 tuyến cơ bản đạt. Theo Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Đan Phượng Phạm Văn Khôi, với những tuyến phố mới, việc đồng bộ hạ tầng là khả quan, song vẫn còn không ít tuyến trong khu dân cư cũ không đáp ứng được tiêu chí của tuyến đường, phố văn minh đô thị.
Thực tế này có thể thấy rõ từ 2 tuyến phố ở thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng) là Thụy Ứng và Phượng Trì. Vỉa hè 2 tuyến phố hẹp, khoảng 1m, chỉ đủ chỗ để xe đạp, xe máy của các hộ dân; điểm nào có hộ kinh doanh, thì vỉa hè thường bị chiếm dụng... Chiếu theo tiêu chí tuyến phố văn minh đô thị là "các điểm trông, giữ xe đạp, xe máy phục vụ tuyến phố văn minh đô thị phải được bố trí trên những tuyến phố có vỉa hè mặt cắt rộng trên 5m", thì ở 2 tuyến phố trên là chưa phù hợp.
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phùng Bùi Văn Hùng chia sẻ, do đặc thù của khu dân cư cũ, vỉa hè, lòng đường không thể mở rộng thêm nên khó có thể bảo đảm được tiêu chí về trật tự và mỹ quan đô thị. Chưa kể, do là tuyến phố cũ, nên việc đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cũng gặp nhiều khó khăn. Còn Tổ trưởng tổ dân phố Thụy Ứng (thị trấn Phùng) Đào Khắc Độ băn khoăn: “Khó nhất là nhận thức của người dân về văn minh đô thị còn hạn chế. Vì vậy, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nhân dân đồng lòng thực hiện”.
Một thực tế khác ở thị xã Sơn Tây là từ năm 2018, thị xã phấn đấu xây dựng 7 tuyến phố văn minh đô thị, nhưng đến nay mục tiêu vẫn chưa đạt. Nói về những vướng mắc trong triển khai, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị thị xã Sơn Tây Phùng Trần Tuấn cho biết: Các tuyến phố đang xây dựng theo tiêu chí văn minh đều nằm trong khu dân cư lâu đời nên việc hạ ngầm và đồng bộ hạ tầng giao thông, hệ thống thoát nước... gặp nhiều khó khăn, do kinh phí đầu tư quá lớn, địa phương không đủ nguồn lực. Chưa kể, việc phát triển kinh tế ban đêm và tổ chức tuyến phố đi bộ tại khu vực Thành cổ Sơn Tây lại có đòi hỏi riêng trong sử dụng vỉa hè, lòng đường... để kinh doanh. Ở đây không có điểm trông giữ xe, nên thị xã phải trưng dụng các trường học hoặc vỉa hè quanh khu vực Thành cổ Sơn Tây làm điểm trông giữ xe.
Thực tế trên cho thấy, để đạt được tiêu chí tuyến phố văn minh đô thị là điều rất khó. Nhưng vì một thành phố hiện đại, vì mục tiêu nâng cao chất lượng sống của người dân, các địa phương đều xác định “không thể không làm”. Do đó, trong thời gian tới cần tiếp tục nhận diện, đánh giá thực tế để tìm lời giải, mở đường xây dựng những tuyến đường, tuyến phố văn minh...
(Còn nữa)