Khi curator song hành cùng nghệ sĩ

Văn hóa - Ngày đăng : 07:56, 19/12/2008

(HNM) - 8 curator (người tổ chức triển lãm) cùng 8 nghệ sĩ gặp nhau trong một cuộc trưng bày với chủ đề

Tác phẩm “Bàn tròn mơ ước” của họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương.

(HNM) - 8 curator (người tổ chức triển lãm) cùng 8 nghệ sĩ gặp nhau trong một cuộc trưng bày với chủ đề "Bình đẳng là gì" (từ 12 đến 26-12 tại ĐH Mỹ thuật Việt Nam). Đây không đơn thuần là một cuộc triển lãm đương đại đề cập đến những khía cạnh đa dạng của sự bình đằng và bất bình đẳng. Cái đáng nói là ở sự gặp nhau ăn ý giữa các curator và nghệ sĩ để vươn đến sự chuyên nghiệp.

Họa sĩ Đặng Thị Khuê ví von curator cũng giống như người nhạc trưởng trong một dàn nhạc mà ở đó họ có thể điều hòa, phối hợp ăn ý giữa các nhạc công. Từng dự nhiều khóa học của các trung tâm mỹ thuật đương đại trên thế giới, đối với bà, curator không quá xa lạ, nhưng ở Việt Nam, khái niệm này dường như còn khá mới mẻ. Là người "đỡ đầu" cho không ít những triển lãm mỹ thuật, họa sĩ thừa nhận: Chính bản thân tôi nhiều khi phải đóng cả hai vai: Curator và nghệ sĩ trong triển lãm của mình.

Curator là những người tổ chức triển lãm, lên ý tưởng và mời họa sĩ tham gia, đưa triển lãm, đưa nghệ sĩ đến với công chúng, tạo sự quan tâm sâu rộng. Nếu là một triển lãm nhiều tác giả thì curator còn phải là người đưa ý tưởng để liên kết các tác phẩm trong triển lãm. Thiếu curator nghệ thuật đương đại sẽ khó phát triển một cách chuyên nghiệp.

Sở dĩ ở Việt Nam curator chưa phát triển và ít người biết tới vì chúng ta thiếu một môi trường đào tạo bài bản. Ngay cả Trường ĐH Mỹ thuật thì việc đào tạo curator cũng mới chỉ bắt đầu từ năm 2006 trong khuôn khổ của dự án do Quỹ SIDA tài trợ với hai khóa học tại Thụy Điển và Hà Nội.

"Bình đẳng là gì" là kết quả của một dự án đào tạo chuyên nghiệp curator lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam. Đây là năm đầu tiên các curator (Bùi Thị Thanh Mai, Trần Hậu Yên Thế, Trần Quốc Bình, Trang Thanh Hiền…) tự mời các nghệ sĩ ở Hà Nội (Lê Văn Sửu, Lại Thị Diệu Hà, Phạm Thanh Nga, Đặng Thị Khuê…) cùng trao đổi, thảo luận và thực hiện tác phẩm trong triển lãm.

Khác với những triển lãm thông thường, cuộc ra mắt lần này được hình thành từ quá trình làm việc song song giữa curator và nghệ sĩ. Có thể thấy ở đây những trao đổi, nhiều khi là những tranh luận gay gắt về ý tưởng bình đẳng cũng như việc làm thế nào để biểu đạt nó một cách trực diện nhất thông qua ngôn ngữ tạo hình. Với Lại Thị Diệu Hà sự bình đẳng được gợi mở từ thân phận của người phụ nữ và ý tưởng tác phẩm sắp đặt kết hợp với video art của cô được nảy ra từ tứ thơ "Bánh trôi nước" của Hồ Xuân Hương, "Bàn tròn mơ ước" của Nguyễn Nghĩa Phương là sự bình đẳng trong tương quan giữa kinh tế và văn hóa. Vương Thạo tiếc nuối tiếng rao đêm và nhấn mạnh sự tôn trọng các giá trị tinh thần…

Xem "Bình đẳng là gì" thấy rõ curator đã thay đổi thói quen ngại lập ngôn của các nghệ sĩ. Khoan bàn đến chất lượng tác phẩm, chỉ riêng chuyện thử nghiệm một cách làm việc chuyên nghiệp, khoa học, chuẩn quốc tế, cũng là điều đáng ghi nhận ở triển lãm này.

Phú Gia

VANCHIEN