Ổ nhóm tội phạm xuyên quốc gia vận chuyển trái phép hàng nghìn tỷ đồng
Pháp luật - Ngày đăng : 15:33, 29/03/2023
Vụ án này do Trịnh Tiến Dũng (hiện đang bỏ trốn) chủ mưu thực hiện hàng loạt hành vi buôn lậu, vận chuyển tiền qua biên giới... Cơ quan công an đã ra quyết định truy nã quốc tế Interpol.
Theo hồ sơ vụ án, giai đoạn 2016-2020, Trịnh Tiến Dũng thành lập, sử dụng nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước để thực hiện tội phạm. Tại Mỹ, Campuchia, Hong Kong (Trung Quốc), Malaysia, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, Dũng sử dụng các pháp nhân: Công ty Lams, Avi, Fomula, Rothady… Còn ở Việt Nam, Dũng thuê người dùng chứng minh nhân dân để lập công ty.
Dũng chỉ đạo các công ty trong nước mua bán hàng hóa với nhau để hợp thức việc nâng khống giá trị hàng hóa bán hàng nhằm chuyển tiền trái phép từ nước ngoài về Việt Nam hoặc lập hồ sơ mua hàng có giá trị cao ở nước ngoài để hợp thức việc chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài.
Để tạo nguồn hàng xuất khẩu, Dũng chỉ đạo làm giả linh kiện điện tử (RAM, Chip) rồi vận chuyển đến Campuchia hoặc Hong Kong (Trung Quốc), sau đó quay vòng về Việt Nam (gửi lẫn với hàng hóa khác hoặc thuê xe khách vận chuyển đường bộ). Mặc dù cư trú tại Mỹ từ năm 2019 nhưng Dũng điều hành toàn bộ hoạt động ở Việt Nam thông qua các nhóm chat phần mềm Whats App.
Trong vụ án này, các đối tượng vận chuyển trái phép hàng nghìn tỷ đồng từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài về Việt Nam. Theo đó, Dũng chỉ đạo 18 công ty ở Việt Nam ký hợp đồng mua CD Rom chứa phần mềm Adobe giả từ 7 công ty của Dũng ở nước ngoài. Ở chiều khác, Dũng dùng 14 công ty ở Việt Nam ký hợp đồng bán hàng hóa gồm RAM, Chip, tranh gỗ cho 6 công ty nước ngoài, mục đích tạo dòng tiền cho các công ty. Dũng thu phí dịch vụ chuyển tiền từ 0,8-1,2% trên số tiền cần chuyển.
Cách thức chuyển tiền được nhóm tội phạm thực hiện như sau: Dũng chỉ đạo Trần Hoàn Tiên, Trần Nhất Thanh… lập nhóm “DV Chuyen tien” để cập nhật thông tin khách hàng nhận tiền tại nước ngoài. Còn nhóm “TTNN-ALL Cty” để cập nhật thông tin khoản tiền thanh toán. Ngoài ra, còn có nhóm “NK CHIPSET” để cập nhật hợp đồng, chứng từ, mở tờ khai hải quan.
Cơ quan tố tụng xác định, Dũng và đồng phạm vận chuyển trái phép 1.205 tỷ đồng (hơn 51,6 triệu USD) từ Việt Nam ra nước ngoài. Với số tiền này, Dũng chuyển 10,2 triệu USD là tiền dịch vụ cho các khách hàng cá nhân để thu phí chuyển tiền; chuyển 12,8 triệu USD về Việt Nam thanh toán cho các hợp đồng nhập khẩu Chip, RAM; chi tiêu cá nhân.
Kết quả điều tra xác định, nhóm “Khanh Zotac” được Dũng lập ra để trao đổi, giao dịch chuyển tiền cho Nguyễn Quốc Khánh. Từ tháng 10 đến tháng 12-2020, Khánh đã nhiều lần thuê Dũng chuyển tiền đến Công ty AVI-Mỹ để thanh toán hàng hóa mua ở nước ngoài với số tiền hơn 17,9 tỷ đồng. Ngoài ra, còn các nhóm như “DL”, "Ken Hải Iphone”, “Luong”, “Le Nguyen”.
Bên cạnh đó, nhóm của Dũng còn vận chuyển trái phép gần 24 triệu USD (tương đương hơn 555 tỷ đồng) từ nước ngoài về Việt Nam thông qua các nhóm “Thuy VL”, “Crypto”, “Thuy ST”.
Cơ quan điều tra làm rõ các cá nhân nhận tiền tại Việt Nam, trong đó có trường hợp hợp tác đầu tư tiền điện tử và máy tính đào coin, hoặc có người nhận tiền từ người thân để nhờ đầu tư bất động sản, chữa bệnh.
Theo cơ quan điều tra, đối với các khách hàng F0 và các đối tượng trung gian thuê nhóm Dũng chuyển tiền dịch vụ từ Mỹ về Việt Nam, do không xác định được những người này nên không có căn cứ điều tra làm rõ để xử lý.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã tạm giữ số tiền 66.278 USD và hơn 370 tỷ đồng khi khám xét khẩn cấp và do các tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp để khắc phục hậu quả.
Cơ quan công an cũng đã kê biên, tạm dừng giao dịch 33 bất động sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, 1 ô tô Mercedes. Tạm dừng giao dịch 3 tài khoản chứng khoán; phong tỏa số tiền hơn 3,6 tỷ đồng trong 9 tài khoản ngân hàng. Tạm giữ 42 đồ vật kim loại thành phần là vàng, trong đó có 2 đồ vật có gắn đá quý.