Thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực trở thành trung tâm y tế chuyên sâu
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:28, 29/03/2023
Nhiều thành tựu mới
Bệnh viện Bình Dân là bệnh viện đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh và cả Việt Nam ứng dụng thành công phẫu thuật robot trên người lớn trong phẫu thuật cắt bỏ khối u ác tính vùng chậu. Đây là một kỹ thuật khó, đang được triển khai tại một số nước có nền y học tiên tiến trên thế giới.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Vĩnh Hưng, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố, chia sẻ: “Việt Nam được thừa hưởng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới của thế giới, nhưng cần “Việt hóa” kỹ thuật này, vì thể hình của người Việt Nam có khung chậu nhỏ hơn người phương Tây”.
Theo đó, nhóm nghiên cứu đã điều trị ung thư trực tràng và ung thư tuyến tiền liệt cho 180 bệnh nhân. Kết quả là thời gian phẫu thuật robot thấp hơn phẫu thuật nội soi ổ bụng thông thường, không có trường hợp chuyển mổ mở vì tai biến, biến chứng nghiêm trọng. Thời gian hồi phục nhanh hơn, chất lượng sống sau mổ tốt hơn.
“Chúng tôi đã xây dựng được quy trình vận hành, thao tác phẫu thuật với robot phù hợp với bệnh nhân người lớn Việt Nam và sẵn sàng chuyển giao cho các bệnh viện trong cả nước, giúp người dân tiếp cận kỹ thuật điều trị mới mà không phải ra nước ngoài”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Vĩnh Hưng nhấn mạnh.
Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Thúy và bác sĩ chuyên khoa II Trịnh Hữu Tùng phụ trách đã tìm ra đột biến gen liên quan kênh KATP (kênh Kali nhạy cảm ATP) gây chứng “cường insulin bẩm sinh ở trẻ em - CIBS”. Đây là kết quả nghiên cứu 36 ca lâm sàng điển hình nhiễm CIBS trong 10 năm qua (từ tháng 1-2012 đến tháng 1-2022); có tham khảo các ca điển hình khác tại Hà Nội và Đà Nẵng. Chứng CIBS là nguyên nhân hàng đầu gây hạ đường huyết nặng kéo dài ở trẻ sơ sinh và nhũ nhi. Đây là bệnh di truyền liên quan đến đột biến các gen điều hòa bài tiết insulin, tuy có tần suất thấp (ca nhiễm chiếm 1/50.000 trẻ/năm), nhưng để lại biến chứng và di chứng nặng nề nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị thích hợp.
Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Thúy khuyến cáo: “Các bác sĩ cần chỉ định tầm soát hạ đường huyết khi trẻ sơ sinh có các đặc điểm: Cân nặng lúc sinh lớn so với tuổi thai; trẻ có các triệu chứng co giật, tím, rối loạn tri giác; trẻ hạ đường huyết nặng... Cần thực hiện giải trình tự tất cả các gen gây bệnh ở bệnh nhân được chẩn đoán CIBS. Phải giải trình tự ít nhất 2 gen thường gặp nhất là ABCC8 và KCNJ11… để có phương pháp điều trị phù hợp”.
Hoạch định kế hoạch, lĩnh vực cần ưu tiên
Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, các nội dung triển khai định hướng ứng dụng kỹ thuật chẩn đoán và điều trị chuyên sâu tại các bệnh viện chuyên khoa và đa khoa tuyến cuối của thành phố trong năm 2022 cũng như các tháng đầu năm 2023 tiếp tục gặt hái được những thành công đáng khích lệ.
Nổi bật trong số đó là kỹ thuật giải trình gen phát hiện các dịch bệnh mới nổi (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới với sự hỗ trợ của đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford của Anh); xét nghiệm xác định HLA độ phân giải cao bằng kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ mới phục vụ cho hoạt động ghép tủy (Bệnh viện Truyền máu - Huyết học)…
Với bệnh nhi, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã hình thành Trung tâm Tim mạch trẻ em với nhiều kỹ thuật can thiệp tim mạch chuyên sâu (Bệnh viện Nhi đồng 1); hình thành Trung tâm Ghép tạng trẻ em (ghép thận và ghép gan) tại Bệnh viện Nhi đồng 2…
Theo Chánh Văn phòng Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Lê Thiện Quỳnh Như, câu hỏi đặt ra là các kỹ thuật chuyên sâu kể trên đã bao phủ cho tất cả loại hình bệnh tật của người dân chưa, còn bao nhiêu kỹ thuật chuyên sâu chưa được triển khai, nguyên nhân chính là gì và quan trọng hơn là làm thế nào để rút ngắn khoảng cách về kỹ thuật chuyên sâu giữa các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của thành phố và các nước trong khu vực.
Vì vậy, dự kiến trong quý II-2023, ngành Y tế thành phố sẽ lần đầu tiên tổ chức một hội nghị khoa học về báo cáo kết quả phát triển các kỹ thuật chuyên sâu của các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa đầu ngành của thành phố. Hội nghị này sẽ quy tụ sự tham gia tất cả bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tuyến cuối, kể cả các bệnh viện tư nhân, Hội Y học và các hội chuyên khoa...
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: “Thông qua hội nghị, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh sẽ định vị được thứ hạng phát triển kỹ thuật chuyên sâu so với cả nước và quốc tế. Từ đó, hoạch định kế hoạch, lĩnh vực cần ưu tiên phát triển thời gian tới. Mục tiêu là xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành một trung tâm y tế chuyên sâu ngang tầm ASEAN”.