Bền bỉ hỗ trợ các vùng rau an toàn
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:25, 29/03/2023
Duy trì sản xuất rau an toàn
Năm 2009, UBND xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ đã quy hoạch 30ha đất tại khu đồng Bãi Nổi để trồng rau. Năm 2011, vùng rau đã được thành phố đầu tư hơn 19 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, gồm: bê tông hóa gần 7km đường giao thông nội vùng, xây dựng nhà sơ chế, trạm bơm, bể chứa, trạm điện và hệ thống đường dây, lắp đặt hệ thống tưới đến từng ruộng... Hiện tại, các công trình này đã được khai thác, vận hành và sử dụng có hiệu quả.
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Đa Nguyễn Văn Hữu cho biết, không chỉ hỗ trợ hạ tầng, trong hơn 10 năm qua, vùng rau Thanh Đa đã được ngành Nông nghiệp và chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ một phần vật tư nông nghiệp, như phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, hạt giống rau và thường xuyên mở các lớp IPM (phòng trừ dịch hại tổng hợp) cho nông dân. Đến nay, vùng rau an toàn của xã đã mở rộng lên hơn 50ha, giúp hơn 400 hộ dân có thu nhập ổn định từ sản xuất rau. Mỗi vụ, vùng rau Thanh Đa cung ứng ra thị trường khoảng 800 tấn rau củ các loại, nhiều loại rau, củ quả của xã đã được chứng nhận đạt OCOP từ 3 đến 4 sao.
Tại huyện Thường Tín có gần 900ha đất trồng rau màu các loại, tập trung chủ yếu ở các xã Thư Phú, Hà Hồi, Tân Minh… Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Thường Tín Nguyễn Thị Chiêu cho hay, nhờ có các chương trình hỗ trợ sản xuất rau an toàn của Hà Nội, mà tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học trong trồng rau an toàn của địa phương đã đạt 70%, giảm 30% số lần sử dụng thuốc; chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm 50%...
Tương tự, vùng rau an toàn của thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ cũng là nơi cung cấp rau an toàn cho nhiều bếp ăn tập thể của các trường học, bệnh viện, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố. Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Thám thông tin, đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn của Hà Nội đã giúp vùng rau an toàn của thị trấn tiêu thụ ổn định, với giá bán cao hơn các vùng rau truyền thống khác từ 10% đến 15%.
Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình (quận Hà Đông) Trịnh Văn Vĩnh, hằng năm, hợp tác xã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật quận Hà Đông tổ chức tập huấn quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) cho 100% thành viên. Nhờ vậy, sản phẩm rau của hợp tác xã đạt chất lượng an toàn, thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng.
Tiếp tục đồng hành với các vùng rau
Bên cạnh những kết quả đạt được, các vùng rau an toàn của Hà Nội còn gặp không ít khó khăn. Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lưu Thị Hằng cho hay, việc quản lý ở các vùng rau gặp khó khăn do nông hộ sản xuất quy mô nhỏ, phân tán với hơn200 nghìn hộ. Hiện tại, toàn thành phố vẫn còn 7.000ha chưa được chứng nhận đủ điều kiện an toàn, với khoảng 120 nghìn hộ sản xuất rau. Việc liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân còn thiếu chặt chẽ, hài hòa lợi ích giữa các bên, khiến hợp đồng tiêu thụ nông sản thường bị phá vỡ.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, đầu ra của rau an toàn vẫn phụ thuộc vào thương lái, giá cả không chênh lệch nhiều, dẫn tới việc duy trì chất lượng sản phẩm an toàn gặp không ít khó khăn. Do đó, thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư liên kết tham gia vào sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho hợp tác xã và nông dân.
Còn các đơn vị sản xuất, tiêu thụ rau an toàn lớn trên địa bàn Hà Nội đề xuất, thành phố cần có chính sách giao đất, cho thuê đất theo giá quy định của Nhà nước, cùng với cơ chế đặc thù khác để các hợp tác xã đầu tư xây trụ sở, khu sơ chế rau, nhà lạnh bảo quản, sản xuất áp dụng công nghệ cao.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Mạnh Phương cho biết, cùng với việc duy trì 5.000ha rau an toàn đã được chứng nhận chất lượng, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương mở rộng diện tích sản xuất và tiêu thụ rau an toàn. Sở cũng đẩy mạnh tập huấn kiến thức về sản xuất rau an toàn cả ở các vùng chuyên canh và các vùng sản xuất quy mô nhỏ, bảo đảm các vùng sản xuất rau trên địa bàn thành phố đã sản xuất là an toàn. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền để người dân tin tưởng, sử dụng rau an toàn theo chuỗi đã được cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng, giúp các chuỗi sản xuất rau an toàn trụ vững, phát triển...