Sáng mãi “Ngọn lửa Ngô Gia Tự”

Chính trị - Ngày đăng : 07:40, 03/12/2008

(HNM) - Về Tam Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh - quê hương của đồng chí Ngô Gia Tự hôm nay, thấy bao sự đổi mới. Con đường nối với quốc lộ 1A cũ trải nhựa băng qua những cánh đồng tít tắp. Lớp học trường làng - nơi thắp sáng phong trào

Những mẫu tượng đài Ngô Gia Tự được trưng bày tại bảo tàng mang tên ông.

(HNM) - Về Tam Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh - quê hương của đồng chí Ngô Gia Tự hôm nay, thấy bao sự đổi mới. Con đường nối với quốc lộ 1A cũ trải nhựa băng qua những cánh đồng tít tắp. Lớp học trường làng - nơi thắp sáng phong trào "Ngọn đèn Ngô Gia Tự", khơi nguồn cho phong trào "Nghìn việc tốt", bi bô tiếng trẻ học bài.

Bảo tàng Ngô Gia Tự nằm trong khuôn viên trụ sở UBND xã Tam Sơn cũng vừa được bổ sung thêm những hiện vật quý giá về cuộc đời, sự nghiệp của nhà cách mạng kiên trung. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông năm nay, tỉnh Bắc Ninh đã trưng bày để bà con lựa chọn mẫu tượng đài Ngô Gia Tự dự kiến sẽ được dựng trên chính quê hương cách mạng Tam Sơn...

Người Bí thư đầu tiên của Xứ ủy Nam Kỳ

Ngôi nhà cũ nơi Ngô Gia Tự từng dạy học miễn phí cho con em trong vùng khi về quê hương gây dựng phong trào năm nào, bên ngoài cổng ra vào vẫn nổi bật đôi câu đối: "Cổng độc lập tha hồ khép mở/ Nhà tự do mặc sức ra vào" nay đã được tu bổ thành Nhà lưu niệm Ngô Gia Tự, mùa nào thức đấy sum suê cây trái. Dịp này, cây vú sữa do đồng chí Hoàng Quốc Việt trồng cách đây 20 năm đang cho những quả ngọt; cây bưởi góc vườn vẫn tỏa bóng mát xuống mảnh sân gạch hoe nắng. Cũng chính từ ngôi nhà này, cậu bé Ngô Gia Tự đã được sinh ra trong một ngày đầu đông (3/12/1908) - lúc đó xã Tam Sơn được gọi là tổng Tam Sơn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Trưởng thành từ vùng đất khoa bảng, trong một gia đình Nho học yêu nước sống trong bối cảnh quê hương bị thực dân nô dịch nên ngay từ bé Ngô Gia Tự đã được nuôi dưỡng bằng một tinh thần nặng lòng với non sông đất nước. Ngô Gia Tự học rất giỏi, 14 tuổi đã tốt nghiệp Tiểu học kiêm bị Kinh Bắc, thị xã Bắc Ninh để tiếp tục theo học Trường Bưởi (Hà Nội). Tại ngôi trường có truyền thống cách mạng này, Ngô Gia Tự cùng nhiều thanh niên trí thức đương thời tham gia vào cuộc vận động đòi thực dân Pháp ân xá nhà yêu nước Phan Bội Châu và có mặt trong cuộc bãi khóa để tang Phan Chu Trinh. Mùa hè năm 1926, đúng vào lúc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp, Ngô Gia Tự và một số bạn cùng chí hướng bị Giám đốc Trường Bưởi đuổi học vì "tội" chống lại chính phủ "bảo hộ". Cũng thời gian này, tại ngôi nhà 47 Trần Nhân Tông (Hà Nội), đồng chí được kết nạp vào Tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Ngày 17 tháng 6 năm 1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên, Hà Nội đã diễn ra một hội nghị quan trọng với quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Thực hiện chủ trương "vô sản hóa",Ngô Gia Tự vào Nam Kỳ hoạt động, ông đã từng làm phu đẩy xe than, làm công nhân khuân vác trên các bến tàu, giác ngộ nhiều công nhân theo con đường cách mạng. Từ thực tế, Ngô Gia Tự thấy cần thiết phải có một đảng cộng sản để lãnh đạo phong trào trong nước. Vì thế, đồng chí lại lặn lội ra Bắc cùng chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản. Ngô Gia Tự đã cùng một số đồng chí khác thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên vào tháng 3-1929 ở số nhà 5D phố Hàm Long (Hà Nội). Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam (sau đổi thành Đảng Cộng sản Đông Dương) được thành lập, Ngô Gia Tự được bầu làm Bí thư Chấp ủy lâm thời của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nam Kỳ. Dưới sự lãnh đạo của Bí thư Xứ ủy Ngô Gia Tự, Đảng bộ đã chọn Nhà máy Ba Son, đồn điền Phú Riềng, xã Vĩnh Kim (Mỹ Tho) làm cơ sở phát triển cách mạng. Trên cương vị của mình, đồng chí thường đi xuống cơ sở mở lớp ngắn ngày để hướng dẫn cho đảng viên về xây dựng Đảng, xây dựng cơ sở... Công việc đang tiến hành thì cuối năm 1930, đồng chí Ngô Gia Tự bị bắt.

Trong nhà tù đế quốc, Ngô Gia Tự vẫn nhắn nhủ mọi người: "Chúng mình phải chịu đựng, phải hy sinh tất cả cho Đảng, sinh mệnh của Đảng quý hơn sinh mệnh của mình". Sau hơn 2 năm bị giam giữ, ngày 2-5-1933, thực dân Pháp đưa đồng chí Ngô Gia Tự cùng các đồng chí Phạm Hùng, Lê Văn Lương và nhiều đồng chí khác ra phiên tòa "đại hình đặc biệt". Ngô Gia Tự cùng các đồng chí của mình đã biến phiên tòa thành diễn đàn lên án thực dân Pháp và bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng. Ngô Gia Tự bị kết án chung thân, bị đày ra Côn Đảo. Tại đây, người chiến sỹ kiên trung vẫn thường nói với các bạn tù: "Không thể ngồi khoanh tay chịu chết, không thể để cho quân thù muốn làm gì thì làm. Phải đấu tranh mà giành lấy quyền sống còn". Ông trực tiếp đấu tranh với bọn cai ngục, biến nhà tù thành trường học cách mạng, thường xuyên tổ chức học tập và củng cố tổ chức Đảng trong lao tù. Vào một đêm tháng Giêng năm 1935, chi bộ nhà tù tổ chức cho đồng chí Ngô Gia Tự cùng một số người khác vượt ngục Côn Đảo. Đáng tiếc thay, các đồng chí đã mất tích giữa biển cả. Năm ấy, đồng chí Ngô Gia Tự mới 27 tuổi. Đảng ta, Đảng bộ Nam Kỳ và đồng bào, đồng chí nhớ mãi Ngô Gia Tự - Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ đầu tiên, kiên cường bất khuất.

Sáng mãi "Ngọn lửa Ngô Gia Tự "

Những ngày này, trở lại quê hương Tam Sơn đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, những câu chuyện về cuộc đời và tấm gương của người chiến sĩ lỗi lạc Ngô Gia Tự dường như được nối dài mãi.Gặp chúng tôi tại Bảo tàng Ngô Gia Tự, ông Nguyễn Sỹ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh cho biết, phong trào "Thắp sáng ngọn đèn Ngô Gia Tự" được phát động từ những năm 1961 đến nay đã được nhân rộng và trở thành ngọn nguồn của phong trào thi đua làm nghìn việc tốt. Từ phong trào này, ngọn lửa tình thương và trách nhiệm thông qua ngọn lửa Ngô Gia Tự từng dạy học trò những bài học làm người luôn sáng mãi.

Nhắc đến Tam Sơn, người ta không chỉ nhớ đây là quê hương của người con cách mạng kiên trung, cái nôi của phong trào thi đua nghìn việc tốt, mà còn là điểm sáng kinh tế của Bắc Ninh với các làng nghề truyền thống, các khu công nghiệp hiện đại, hiệu quả. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, toàn xã đã thu về trên 99 tỷ đồng, đạt 61,49% chỉ tiêu của năm, trong đó sản xuất nông nghiệp đạt 26,5 tỷ đồng; ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ đạt trên 62 tỷ đồng. Toàn xã đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở, đường làng ngõ xóm phong quang; đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Quê hương đồng chí Ngô Gia Tự đang đổi thay từng ngày.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Ngô Gia Tự, trước những vận hội mới của đất nước, thế hệ trẻ lại thấy rạng ngời một niềm tin vào tương lai. Sức mạnh niềm tin đó luôn được nuôi dưỡng từ phong trào nghìn việc tốt khơi từ nguồn cảm hứng "Ngọn đèn Ngô Gia Tự" sáng mãi hôm nay và mai sau...

Dương Hiệp - An Trân

ANHTHU