Chăn nuôi hiệu quả, bền vững

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:02, 28/03/2023

(HNM) - Thời gian gần đây, giá thịt lợn hơi luôn duy trì ở mức thấp, chỉ xung quanh mức 50.000 đồng/kg, khiến người chăn nuôi lỗ nặng. Đây không phải lần đầu, người nuôi lợn đối mặt tình cảnh khó khăn này.

Nguyên nhân giá thịt lợi hơi duy trì ở mức thấp kéo dài được cho là nguồn cung tăng trong khi sức mua chưa cải thiện. Nguồn cung ở đây không chỉ là hàng trong nước, mà còn có thịt lợn nhập khẩu và các sản phẩm cùng cung cấp nguồn đạm, như: Thịt bò, thủy sản, thịt gà, trứng… cũng dồi dào. Tính đến cuối tháng 2-2023, tổng số lợn cả nước tăng 8,6% so với cùng thời điểm năm trước; đàn lợn thương phẩm của cả nước đang duy trì trên 28 triệu con.

Chưa bao giờ người chăn nuôi lợn lại gặp khó khăn “kép” như hiện nay khi giá thức ăn chăn nuôi luôn “neo” ở mức cao trong khi giá thịt lợn lại giảm mạnh. Giá lợn hơi xuất chuồng đang quanh mức trên dưới 50.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất lên tới 54.000-55.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi con lợn xuất chuồng ở thời điểm này hộ chăn nuôi lỗ tới gần 1 triệu đồng. Trong bối cảnh đó, càng nuôi càng lỗ đang là một thách thức không nhỏ đối với người nuôi.

Thực tế cho thấy, ngành chăn nuôi lợn và nguồn cung các mặt hàng thịt lợn luôn thu hút sự quan tâm của người dân bởi sự phổ biến của thực phẩm này trong bữa ăn hằng ngày ở mỗi gia đình. Để bảo đảm hài hòa giữa sản xuất và nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thực phẩm thiết yếu này, hệ thống giải pháp phải đồng bộ, xuyên suốt; trong đó, nhiệm vụ quan trọng lâu nay chúng ta đã nói đến nhiều lần là phát triển ngành chăn nuôi hiệu quả và bền vững.

Trước mắt, để tháo gỡ ngay khó khăn, cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhằm giảm giá thành sản phẩm. Đặc biệt, cần tạo điều kiện phát triển vùng nguyên liệu để từng bước chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi nội địa.

Một giải pháp quan trọng nữa là tổ chức hệ thống tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi lợn gắn với các chuỗi liên kết. Theo đó, các địa phương, trung tâm mua bán, siêu thị, chợ đầu mối và các chương trình bình ổn, xúc tiến thương mại ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi cho việc giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi có thương hiệu, có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần quản lý chặt hoạt động nhập khẩu thịt và phụ phẩm...

Về lâu dài, các cơ quan chức năng và địa phương cần bám sát, triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1520/QĐ-TTg, ngày 6-10-2020). Trong đó, cần bảo đảm mục tiêu đến năm 2030 tổng đàn lợn có mặt thường xuyên ở quy mô 29-30 triệu con (bao gồm cả lợn thương phẩm và lợn nái).

Trên bình diện chung, mục tiêu lớn nhất hướng đến là phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững. Nói cách khác, cần chăn nuôi theo chuỗi khép kín, kinh tế tuần hoàn, bảo đảm người chăn nuôi có thể làm chủ được kỹ thuật để sản xuất sản phẩm chăn nuôi an toàn và hiệu quả; đồng thời từng bước thay đổi nhận thức và thói quen không phù hợp trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi. Cùng với đó, kết hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người chăn nuôi triển khai xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, nhất là ở các vùng chăn nuôi lợn hàng hóa trọng điểm.

Về tổng thể, chăn nuôi lợn nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung phải theo quy hoạch, định hướng và bám sát nhu cầu thị trường, để tránh cho được tình trạng phát triển “nóng”, “được mùa mất giá” hoặc khan hàng, tăng giá như đã từng xảy ra.

Bắc Vũ