Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị 7 nội dung trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới
Giáo dục - Ngày đăng : 16:42, 27/03/2023
Đoàn giám sát do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu. Về phía thành phố Hồ Chí Minh, có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cùng lãnh đạo Thành ủy, UBND và các sở, ban, ngành của thành phố.
Tham dự buổi làm việc có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến.
Nội dung làm việc là triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. 5 nhóm vấn đề được tập trung giám sát là: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan; thực tế triển khai, nhất là đổi mới phương pháp giáo dục; đổi mới đánh giá chất lượng giáo dục; việc lựa chọn, phát hành sách giáo khoa mới và tài liệu giáo dục địa phương; kinh phí thực hiện chương trình.
Các phát biểu của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Mai Hoa, của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức và đại diện các sở, ngành của thành phố đều ghi nhận một số kết quả tích cực, như thành phố đã ban hành đầy đủ văn bản pháp lý liên quan; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại thành phố được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp nhu cầu sử dụng, cơ bản đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.
Tuy nhiên, công tác đấu thầu tập trung mua sắm trang thiết bị chưa thông suốt; giáo viên còn thiếu về số lượng và chưa đồng bộ về cơ cấu. Một số cơ sở lúng túng trong bố trí giáo viên dạy môn tích hợp; việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh gặp khó khăn đối với một bộ phận giáo viên lớn tuổi, hạn chế trình độ tin học. Chương trình giáo dục địa phương phải biên soạn gấp, nên nội dung chưa đầy đủ; cơ chế in tài liệu thành sách chưa có, nên các trường đang phải sử dụng bản điện tử để giảng dạy…
Các phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nêu rõ thực trạng thành phố còn rất thiếu lớp học theo tỷ lệ quy định, do thiếu đất xây dựng và dân số cơ học tăng nhanh (thiếu 5.000 phòng học theo tiêu chí hiện tại và thiếu 8.000 phòng học theo tiêu chí 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học).
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, thành phố cần 15.000 giáo viên, nhưng rất khó tuyển dụng. Hiện thành phố còn chưa tuyển đủ định mức biên chế viên chức giáo dục (11.000 người) nên không thể ký hợp đồng với giáo viên dạy một số môn và cơ cấu bộ môn theo chương trình mới….
Từ thực tiễn trên, thành phố Hồ Chí Minh nêu 7 kiến nghị. Một là được chọn sách giáo khoa mới muộn nhất 3 tháng (thay vì 5 tháng) trước khai giảng. Các trường được tự chọn bộ sách gồm các đầu sách từ nhiều bộ sách mẫu khác nhau (thay vì chọn 1 bộ cơ bản và bổ sung ít đầu sách khác).
Hai là, cần sớm xây dựng cơ chế, chính sách cho giáo viên dạy 2 buổi/ngày; cho phép nhà trường được hợp đồng với giáo viên khi chưa tuyển dụng được và dùng ngân sách trả lương cho đối tượng này. Ba là, cần có cơ chế tài chính riêng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ viên chức ngành Giáo dục. Bổ sung vị trí việc làm và cơ chế tuyển dụng, thù lao hợp lý đối với giáo viên hai môn tiếng Anh, Tin học, nhất là cho bậc tiểu học.
Bốn là, có thêm các chính sách ưu đãi để huy động thêm nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước phát triển mạng lưới trường học. Năm là, cần có thêm sách giáo khoa tiếng Trung và tiếng Pháp để đáp ứng yêu cầu học tập ngoại ngữ 1 của học sinh. Cho phép các địa phương linh hoạt trong việc mua sắm thiết bị dạy học chương trình mới tùy theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Sáu là, ban hành hướng dẫn thống nhất về việc quy định học sinh thay đổi môn học lựa chọn, chuyên đề học tập tự chọn sau mỗi năm học. Bảy là, có cơ chế linh hoạt trong tuyển dụng giáo viên; nhà trường tổ chức tuyển dụng và thời gian tuyển dụng linh hoạt ngay khi có nhu cầu.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận các phản ánh, đề xuất, kiến nghị của thành phố Hồ Chí Minh. Đồng chí nhấn mạnh: Mục tiêu của đợt giám sát nhằm đánh giá công bằng, khách quan kết quả thực hiện trong thời gian qua, làm rõ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới.
Cũng theo đồng chí Trần Thanh Mẫn, thành phố Hồ Chí Minh có áp lực cao về dân số và là trung tâm kinh tế, văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực hàng đầu cả nước. Những vấn đề mà thành phố Hồ Chí Minh gặp phải sẽ được cơ quan chức năng xem xét, tìm hướng giải quyết. Qua đó đóng góp thêm nhiều kinh nghiệm, giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo cả nước.