Thị trường nhà ở tại thành phố Hồ Chí Minh: Kỳ vọng phát triển lành mạnh
Kinh tế - Ngày đăng : 07:20, 27/03/2023
Nhà ở giá rẻ như “muối bỏ bể“
Thị trường bất động sản Việt Nam năm 2022 trải qua giai đoạn khó khăn. Theo Bộ Xây dựng, trong năm 2022, các dự án phát triển nhà ở thương mại được cấp phép mới giảm gần 50% so với năm 2021, còn số dự án phát triển nhà ở xã hội cấp phép mới chỉ có 9 dự án. Điều này khiến nguồn cung nhà ở, đặc biệt là nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp còn rất hạn chế.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, cả năm 2022 có 10.780 giao dịch bất động sản thành công. Tuy nhiên, lượng giao dịch thành công đối với loại hình căn hộ khá thấp, chủ yếu là nhà ở riêng lẻ và đất nền. Đặc biệt, lượng giao dịch căn hộ chung cư giảm sâu vào quý IV-2022. Đối với nhà ở xã hội, năm 2022, thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 1 dự án được hoàn thành (trong tổng số 10 dự án nhà ở xã hội được cấp phép), đưa vào sử dụng với quy mô chỉ 260 căn. Đối với nhà ở thương mại, năm 2022, thành phố có 25 dự án với quy mô 12.147 căn đủ điều kiện được cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, trong số này không có phân khúc căn hộ bình dân (giá dưới 20 triệu đồng/m²).
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, giá đất cao, khó tiếp cận cùng thủ tục đầu tư phức tạp khiến thị trường nhà ở tại thành phố khan hiếm nguồn cung và đẩy giá nhà ở lên cao. Trong khi đó, tình hình kinh tế còn khó khăn, tín dụng bị siết chặt cũng là nguyên nhân khiến thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng.
Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Quân thông tin thêm, hiện thành phố có 38 dự án bất động sản của 14 doanh nghiệp gặp vướng mắc và 54 kiến nghị của các doanh nghiệp để tháo gỡ các vướng mắc này. Qua rà soát, các vướng mắc trên có liên quan đến 5 sở chuyên ngành, cần phải phối hợp để xử lý.
Đưa thị trường nhà ở phát triển ổn định
Ngày 11-3-2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Một trong những quan điểm chỉ đạo rất quan trọng của nghị quyết là khi thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh khu đô thị, khu nhà ở phải quy hoạch, đầu tư phát triển hệ sinh thái bất động sản để hài hòa giữa cung và cầu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chủ động nghiên cứu tái cơ cấu lại giá cả, cơ cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) nói: “Cộng đồng doanh nghiệp bất động sản thành phố Hồ Chí Minh cam kết thực hiện theo tinh thần của nghị quyết, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng, nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi, phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững”. Hiện Ban Kinh tế Trung ương đang xây dựng Đề án “Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp”. Việc này cũng mở ra kỳ vọng cộng đồng doanh nghiệp bất động sản thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm theo hướng đa dạng hóa sản phẩm nhà ở.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường vừa giao 5 sở là Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài chính khẩn trương phối hợp giải quyết dứt điểm 3 dự án nhà ở thương mại đang gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý để đẩy nhanh việc khởi công xây dựng, qua đó đáp ứng phần nào nhu cầu nhà ở cho người dân thành phố. Thực hiện chỉ đạo này, Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp bất động sản tại thành phố đang xây dựng kế hoạch bổ sung sản phẩm nhà ở thương mại giá trung bình, nhà ở xã hội để hạn chế rủi ro trong kinh doanh khi thị trường bất động sản có biến động để thị trường phát triển bền vững, ổn định; bảo đảm an sinh xã hội.
Đối với mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, ông Bùi Xuân Cường cho biết, thành phố đang tập trung rà soát, sắp xếp lại các quỹ đất do Nhà nước trực tiếp quản lý và quỹ đất do Nhà nước thu hồi, bồi thường để điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh mục đích sử dụng đất, trong đó dành quỹ đất đáng kể trong số này để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.