Tránh trục lợi tiền công đức

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:51, 25/03/2023

(HNM) - Từ ngày 19-3-2023, Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội chính thức có hiệu lực thi hành.

Sau nhiều năm tranh luận, đây là lần đầu tiên việc quản lý, thu - chi tài chính cho hoạt động đặc thù trên đã có quy định cụ thể. Tuy nhiên, làm thế nào để quy định đi vào thực tế giúp giám sát hiệu quả tiền công đức và các khoản thu từ tổ chức lễ hội là câu hỏi không dễ trả lời.

Trước khi Thông tư số 04/2023/TT-BTC được ban hành, việc quản lý tiền tổ chức lễ hội, tiền công đức theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, một số nơi có xu hướng thương mại hóa và lợi dụng tổ chức lễ hội làm kinh tế. Trong khi đó, di tích gồm nhiều loại và quy mô khác nhau, ở những vùng miền, dân tộc khác nhau. Tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội ở mỗi địa phương không giống nhau...

Thông tư số 04/2023/TT-BTC đã có nhiều quy định cụ thể để minh bạch nguồn tiền công đức. Việc quản lý, thu chi tiền công đức, tiếp nhận tiền công đức, tài trợ, phải qua tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại, bảo đảm việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng theo hình thức chuyển khoản. Với tiền mặt, đơn vị quản lý cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Tiền trong hòm công đức, định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần, đơn vị quản lý kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận. Khoản tiền đặt không đúng nơi quy định được thu gom, kiểm đếm hoặc bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung. Số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch. Tiền lãi phát sinh trên tài khoản được quản lý theo quy định…

Với các nội dung trên, quy định về quản lý thu chi, quản lý tiền vào, tiền ra thông qua tài khoản sẽ được cụ thể, chi tiết. Khi nộp tiền, rút tiền qua tài khoản đều có sao kê. Vậy vấn đề quan trọng nhất là cần cơ chế kiểm soát, tránh trục lợi tiền công đức. Trước hết, cần cụ thể hóa thẩm quyền chi nguồn tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đối với cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo. Hằng tháng, khoản thu chi cần báo cáo công khai, in và dán tại địa điểm người dân dễ tiếp cận như UBND xã, phường nơi có đền, chùa. Bên cạnh đó, cần có cơ quan giám sát việc thực hiện thu chi nguồn tiền công đức. Khi muốn kiểm tra việc thu chi, quản lý trong di tích, đền chùa của những người thủ nhang, quản đền, cần có sự kiểm tra, chứng kiến của chính quyền địa phương như đại diện tổ dân phố, UBND xã, phường, thị trấn hoặc đơn vị quản lý.

Một biện pháp khác không thể không nhắc đến, đó là việc phát huy vai trò của các nhà tu hành, người trông coi di tích cùng với sự giám sát của cộng đồng để làm sao những người trong cuộc tự điều chỉnh hành vi của mình. Ý thức của người tu hành sẽ quyết định không nhỏ trong việc minh bạch dòng tiền công đức.

Bước đầu, các nội dung của Thông tư số 04/2023/TT-BTC được đánh giá không chỉ giúp cho hoạt động công đức minh bạch hơn, tránh trục lợi nguồn tiền tài trợ cho di tích, cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo mà còn giúp lĩnh vực quản lý di tích, văn hóa có thêm nguồn lực để phát triển. Tuy nhiên, khi Thông tư số 04/2023/TT-BTC được đưa vào thực tiễn, qua thời gian cần có sự kiểm nghiệm, đánh giá kỹ càng, cần lắng nghe ý kiến của dư luận xã hội để có thể điều chỉnh, bổ sung phù hợp, kịp thời vì thực tiễn của lĩnh vực nhạy cảm này rất phong phú, đa dạng.

Đoàn Nam