Vun đắp cộng đồng văn minh từ gia đình văn hóa
Văn hóa - Ngày đăng : 06:33, 25/03/2023
Gương sáng trong cộng đồng
Gia đình ông Hoàng Mạnh Cường ở tổ dân phố số 4, phường Thạch Bàn, quận Long Biên được người dân quý mến nhờ lối sống gương mẫu và nhiệt tình, tích cực trong các phong trào từ thiện xã hội, văn hóa, thể thao. Là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều năm qua, gia đình ông Cường chú trọng tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động, trong đó có nhiều người là cựu chiến binh, con em của cựu chiến binh ở địa phương; ủng hộ hàng trăm triệu đồng xây dựng nhà tình nghĩa, đóng góp các quỹ...
Ông Hoàng Mạnh Cường cho biết: “Bản thân là một cựu chiến binh, tôi thấu hiểu và nhận thấy phải có trách nhiệm giúp đỡ đồng chí, đồng đội trong khả năng của mình; gương mẫu trong công tác xã hội, phòng trào xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương xứng với danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ. Nỗ lực của gia đình và bản thân tôi cũng luôn được địa phương động viên, khích lệ. Gia đình tôi nhiều năm liền được chọn là "Gia đình văn hóa". Cá nhân tôi nhiều năm được ghi nhận thành tích trong phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”, “Cựu chiến binh giúp nhau xóa đói, giảm nghèo”…, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2016”.
Giống như gia đình ông Hoàng Mạnh Cường, gia đình bà Bùi Thị Thuận ở tổ dân phố số 13, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm là gương sáng trong cộng đồng nhờ lối sống giản dị, chan hòa, mẫu mực, trách nhiệm với cộng đồng xã hội.
Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Bắc Từ Liêm Phan Thị Thanh Huyền, gia đình bà Thuận có 3 thế hệ cùng chung sống đầm ấm, hòa thuận, con cái có sự nghiệp vững chắc và cháu chắt học hành tấn tới. Bản thân bà Thuận rất tích cực với công tác xã hội ở địa phương, sẵn lòng giúp đỡ khi hàng xóm láng giềng gặp khó khăn. Từ những đóng góp này, nhiều năm liền, gia đình bà Thuận được địa phương bình bầu là gia đình văn hóa tiêu biểu ở cơ sở.
Lan tỏa mạnh mẽ nét đẹp gia đình văn hóa
Không chỉ có gia đình ông Cường, bà Thuận, trên địa bàn thành phố Hà Nội còn có rất nhiều gia đình văn hóa, là tấm gương tiêu biểu được cộng đồng ghi nhận. Có thể kể đến gia đình ông Bùi Chí Côn ở quận Nam Từ Liêm nổi tiếng với truyền thống gia đình tri thức, hiếu học; gia đình bà Đỗ Kim Huyền ở quận Hà Đông thực hiện tốt cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; gia đình bà Nguyễn Thị Thỏa ở huyện Đông Anh dành nhiều tâm huyết cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; gia đình bà Lê Thị Thúy ở quận Thanh Xuân làm kinh tế giỏi, tạo việc làm cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn…
Đặc biệt, mỗi gia đình đều có sáng kiến, bí quyết riêng để củng cố, bồi đắp văn hóa, như gia đình bà Nguyễn Thị Chắt ở xã Sen Phương, huyện Phúc Thọ - một kiểu mẫu của tổ ấm “Tứ đại đồng đường”, đã luôn xác định muốn gia đình trong ấm, ngoài êm, người đi trước phải làm tốt việc nêu gương để người sau tin tưởng, tôn trọng, có ý thức gìn giữ nếp sống đã và đang được duy trì. Còn theo ông Vũ Tất Thông ở phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, bản thân mỗi người phải luôn ý thức tự hoàn thiện, buông bỏ thiệt hơn trong tranh chấp để gia đình được yên vui, đầm ấm.
Xác định gia đình là hạt nhân, tế bào của xã hội, trong những năm qua, thành phố Hà Nội luôn chú trọng tới công tác xây dựng gia đình văn hóa với nhiều cách làm hay, sáng tạo trong tuyên truyền, vận động đi đôi với khích lệ, khen thưởng. Chẳng hạn như phường Khương Trung, quận Thanh Xuân chọn triển khai thí điểm bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình là một trong những giải pháp định hình “văn hóa trong gia đình”. Trong khi đó, huyện Mê Linh lại gắn việc xây dựng gia đình văn hóa với các phong trào thi đua ở cơ sở, qua đó nâng cao vai trò, vị trí của việc xây dựng gia đình văn hóa đối với bồi đắp văn hóa cộng đồng. Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mê Linh Lưu Văn Thành, đến nay, toàn huyện đã có 49.195/51.619 hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa.
Để phong trào xây dựng gia đình văn hóa tiếp tục lan tỏa sâu rộng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho rằng, gia đình cần điều chỉnh văn hóa bằng tình cảm; làng, xã điều chỉnh văn hóa bằng dư luận; Nhà nước điều chỉnh văn hóa bằng pháp luật. Đó là 3 trụ cột tạo nên sự bền vững của văn hóa dân tộc, mà gia đình là nơi khởi nguồn, định hình, bồi đắp các giá trị. Ngành Văn hóa Thủ đô xác định cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa ở cơ sở; triển khai hiệu quả bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình gắn với thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng…