Tăng giá trị cho ngành lúa gạo Việt Nam

Nông nghiệp - Ngày đăng : 19:59, 22/03/2023

(HNMO) - Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất nước, vừa góp phần lớn trong bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, vừa là vùng xuất khẩu gạo chủ lực của Việt Nam. Các bộ, ngành trung ương và các địa phương trong vùng đang phối hợp thực hiện mục tiêu “gạo đã tốt, đã nhiều, nay lại càng ngon hơn” để khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trồng lúa lớn nhất cả nước.

1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành lúa gạo nước ta đang chuyển dịch từ canh tác truyền thống sang phát triển theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ cao, công nghệ số, sản xuất lúa gạo phát thải thấp. Hiện, gạo Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm hơn 15% tổng lượng gạo xuất khẩu trên thế giới. 

Tuy nhiên, ngành lúa gạo nước ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về thời tiết. Cùng với đó, sự cạnh tranh của nhiều nước xuất khẩu gạo và người tiêu dùng trên thế giới đặt ra yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, an toàn và có quy trình sản xuất thân thiện với môi trường.

Ngành lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt tăng trưởng tốt, nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức mới.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, để ứng phó với tình hình mới, Bộ và các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang hỗ trợ nông dân trồng lúa phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu, nông nghiệp "xanh", "sạch" và bền vững, giảm phát thải. Bộ và các địa phương đang xây dựng Đề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm khí phát thải vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích vùng chuyên canh lúa chất lượng cao đạt hơn 500 nghìn héc-ta, sản lượng đạt khoảng 6,2 triệu tấn lúa (khoảng 3,8 triệu tấn gạo). Lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 35%. Rơm rạ được thu gom khỏi đồng ruộng và được tái sử dụng, chế biến đạt 80% diện tích thu hoạch. Đến năm 2030, diện tích canh tác đạt 1 triệu héc-ta, sản lượng đạt khoảng 12,4 triệu tấn lúa (khoảng 7,7 triệu tấn gạo); lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 40%; giảm phát thải khí nhà kính trên 20%.

Nông dân tỉnh Đồng Tháp thu hoạch lúa.

Cơ quan chức năng đã tiến hành khảo sát thực tế tại các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang và thành phố Cần Thơ để có thêm cơ sở thực tế phục vụ cho việc xây dựng đề án trước khi trình Chính phủ (dự kiến đầu tháng 4-2023). Kết quả là các địa phương đều đánh giá cao ý tưởng của đề án và có kế hoạch tham gia chi tiết.

Cụ thể, An Giang sẽ tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết trong sản xuất lúa. Đồng Tháp sẽ xây dựng chương trình chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp. Cần Thơ sẽ xây dựng kế hoạch hệ thống cơ sở thủy lợi cho sản xuất lúa. Long An là vùng lúa ứng dụng công nghệ cao. Tính chung toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đã có 12/13 tỉnh, thành đăng ký tham gia đề án.

Những điểm đáng chú ý

Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho biết, địa phương đã đăng ký phát triển 50.000ha lúa chuyên canh chất hượng cao vào năm 2025 và duy trì ổn định diện tích này đến năm 2050. Phần lớn trong số đó là những diện tích lúa thuộc dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) triển khai trong giai đoạn 2015-2020.

Người trồng lúa có thu nhập tốt và ổn định sẽ giúp ngành lúa gạo tăng trưởng bền vững.

Thực tế triển khai nâng cao chất lượng lúa gạo tại Cần Thơ thời gian qua cho thấy, mấu chốt cho thành công là việc liên kết nông dân vào chuỗi sản xuất có ứng dụng khoa học công nghệ theo tiêu chuẩn cao, gắn với tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. 

Cùng chung nhận định, ông Animesh, chuyên gia cao cấp về kinh tế nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, đang có hiện tượng nhiều nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long bỏ diện tích trồng lúa để chuyên canh những loại cây cho thu nhập cao hơn, như sầu riêng, mít Thái… Vì vậy, phải cho người nông dân thấy trồng lúa chất lượng cao vẫn có thể cho thu nhập cao và ổn định. 

Theo ông Animesh, cần sớm xác định và mở rộng thị trường tiêu thụ loại lúa gạo chất lượng cao của đề án. Cần biết rõ thị trường đó thế nào, cần lúa gạo có chất lượng, hương vị ra sao, đáp ứng những tiêu chí môi trường gì?... Từ đó hoạch định chính sách phát triển ngắn hạn và dài hạn. 

Đề án liên kết những nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và người trồng lúa để tạo bước phát triển mới cho ngành lúa gạo Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, để thực hiện nhiều mục tiêu đã đề ra, Bộ đã cùng chính quyền, doanh nghiệp, địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long thành lập Nhóm công tác đối tác công tư (PPP) về lúa gạo. Mục tiêu là tạo cơ chế liên kết những nỗ lực của Chính phủ, khối tư nhân, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và người sản xuất trực tiếp để triển khai thành công đề án.

“Tất cả hướng đến mục tiêu chung của đề án tăng trưởng xanh này là giảm chi phí, tăng giá trị sản xuất và đảm bảo môi trường sinh thái trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo. Điều này nhằm vừa bảo đảm an ninh lương thực trong nước, vừa nâng cao giá trị và mở rộng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam ra thế giới…”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định.

Minh Điền