Nâng chất lượng vùng trồng chuối xuất khẩu
Nông nghiệp - Ngày đăng : 11:33, 24/03/2023
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, 5 năm qua, diện tích trồng chuối ở tỉnh tăng lên gần gấp đôi, từ hơn 7.300 ha vào năm 2016 lên hơn 13.100 ha vào năm 2021. Những địa phương có diện tích chuối lớn là các huyện Trảng Bom, Thống Nhất, thành phố Long Khánh…
Hiện nay, Đồng Nai đang đứng đầu cả nước về diện tích trồng chuối, chiếm tỷ lệ 8,5% diện tích toàn quốc và 71% vùng Đông Nam Bộ. Cây chuối ở Đồng Nai được thu hoạch quanh năm, tập trung vụ chính từ tháng 9 đến tháng 5 năm sau. Tổng sản lượng ước đạt khoảng 350.000 tấn. Trong số này, tỷ lệ quả tươi tiêu thụ nội địa chiếm 15%, đưa vào chế biến chiếm 5%, còn lại là xuất khẩu. 95% diện tích chuối trên địa bàn tỉnh được lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm; 100% diện tích chuối xuất khẩu được bao buồng.
Hộ gia đình anh Trần Danh Thế ở thành phố Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) đang trồng 12ha chuối từ năm 2021, sản lượng hằng năm khoảng 600 tấn, doanh thu khoảng 7 đến 8 tỷ đồng. Thời gian gần đây, chuối trồng theo công nghệ cao chủ yếu phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, với giá 14.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất chỉ từ 5.000 đến 6.000 đồng, đây được xem là mức giá khá cao so với những năm trước.
Theo Giám đốc Công ty GreenFarm (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) Lê Trung Hòa, xuất khẩu chuối tươi ngày càng thuận lợi. Trung bình mỗi tháng, công ty xuất khẩu bình quân hơn 200 container, tương đương 4.000 tấn chuối. Trong thời gian tới, công ty tiếp tục tăng cường liên kết với nông dân để không ngừng nâng cao chất lượng chuối xuất khẩu.
Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai thông tin, đa số diện tích chuối của tỉnh là để xuất khẩu, nên nông dân trồng chuối đầu tư bài bản, chú trọng cải tiến quy trình canh tác, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để cây trồng đạt năng suất cao, bảo đảm cả về mẫu mã và chất lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Phó Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi (Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai) Trần Thị Tú Oanh cho biết, hiện cả nước có 35 tỉnh với 286 mã số vùng trồng chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Trong đó, tỉnh Đồng Nai có 30 vùng trồng với diện tích 5.669ha được cấp mã số, chiếm tỷ lệ 43% diện tích trồng chuối trên địa bàn và đứng đầu cả nước về số lượng mã số vùng trồng được Cục Bảo vệ thực vật cấp và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Ngoài ra, tỉnh cũng có 39 cơ sở đóng gói chuối được cấp mã số.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai Trần Lâm Sinh thông tin, thời gian tới, tỉnh Đồng Nai tiếp tục xây dựng vùng sản xuất chuối tập trung, phát triển bền vững theo hướng không tăng diện tích mà đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Cụ thể, tỉnh phát triển vùng sản xuất gắn với quy hoạch hạ tầng để giảm chi phí logistics; đầu tư sâu hơn về giống có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu bệnh, chuyển giao các giống chuối đặc sản phù hợp với mở rộng thị trường xuất khẩu; bảo đảm duy trì an toàn vệ sinh thực phẩm từ việc vận hành hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc đến áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP)…
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, tỉnh đã tập trung nhiều giải pháp quyết liệt phát triển nông nghiệp, đặc biệt tập trung phát triển các vùng trồng chuối nhằm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Dự kiến năm 2023, tỉnh xuất khẩu trên 500.000 tấn. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã xuất khẩu được hơn 200.000 tấn, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc và các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia...
“Trong thời gian tới, để sản phẩm trái cây nói chung, trái chuối nói riêng phát triển mạnh và bền vững, tỉnh Đồng Nai tích cực mời gọi các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, mở rộng vùng chuyên canh sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng các yêu cầu của thị trường thế giới”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng thông tin.