Bình Dương phát triển sản phẩm OCOP theo chiều sâu
Nông nghiệp - Ngày đăng : 11:36, 24/03/2023
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, đến nay, toàn tỉnh có 47 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên (trong đó có 8 sản phẩm 4 sao và 39 sản phẩm 3 sao); có 31 chủ thể kinh tế có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Nhiều sản phẩm sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP đã có thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng và doanh số tăng, góp phần nâng cao lợi nhuận.
Đến nay, có thể kể đến các địa phương trong tỉnh có nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP. Cụ thể, huyện Bàu Bàng có 5 sản phẩm đạt OCOP 2 sao, gồm: Cải ngọt, dưa lưới, bưởi da xanh, tổ yến nguyên chất, dưa leo rừng muối; 1 sản phẩm đạt OCOP 3 sao là lạp xưởng tươi Cô Giáo Phương. Tương tự, huyện Phú Giáo có 5 sản phẩm đạt OCOP 3 và 4 sao, gồm: Dưa lưới của Công ty cổ phần nông nghiệp U&I (xã An Thái) đạt 4 sao; 4 sản phẩm đạt 3 sao là tổ yến Hiếu Hằng (xã An Long), cà phê rang xay nguyên chất Đăng Nguyễn (xã Tân Hiệp), dưa lưới của Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (xã An Bình) và sản phẩm trái ổi tươi của Hợp tác xã nông nghiệp Thanh Kiên (xã Phước Hòa). Bên cạnh đó, có 8 hợp tác xã có sản phẩm được chọn đạt từ 3 đến 4 sao, như: Sản phẩm cam sành của Hợp tác xã nông nghiệp - thương mại dịch vụ Năm Hạng (xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên) đạt 4 sao; bưởi da xanh của Hợp tác xã cây ăn quả Tân Mỹ (xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên) đạt 4 sao; ổi tươi của Hợp tác xã nông nghiệp ổi Thanh Kiên (huyện Phú Giáo) đạt 3 sao…
Đạt OCOP 3 sao năm 2021, sản phẩm tổ yến của Công ty TNHH yến Hiếu Hằng do bà Tăng Thị Hằng (huyện Phú Giáo) làm giám đốc đang là một trong những mô hình OCOP tiêu biểu của ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Dương. Đến nay, diện tích nuôi yến được mở rộng lên hơn 1.500m2, mỗi tháng cho thu khoảng 15kg tổ yến thô, đạt doanh thu hơn 3 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, Hợp tác xã cây ăn quả Tân Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên) cũng có các sản phẩm OCOP hơn 2 năm nay. “Sản phẩm đạt chứng nhận OCOP đã nâng tầm giá trị, từ đó thị trường ổn định, mở rộng hơn. Điều làm nên uy tín của sản phẩm là chất lượng do quy trình từ trồng trọt, chăm bón, cho đến thu hoạch và vận chuyển được giám sát chặt chẽ”, Giám đốc Hợp tác xã cây ăn quả Tân Mỹ Lê Minh Sang chia sẻ.
UBND tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành Kế hoạch Triển khai thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn năm 2021-2025. Mục tiêu là tiếp tục triển khai nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và du lịch nông thôn; phát triển nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Theo đó, đến năm 2025, phấn đấu 100% số xã trong toàn tỉnh có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; có thêm 150 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa và ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho 100% đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong hệ thống OCOP và lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia OCOP...
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương Phạm Văn Bông cho biết, để đẩy mạnh thương hiệu OCOP tỉnh Bình Dương trên thị trường trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP; ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế của địa phương, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của người dân, thúc đẩy giá trị của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, tỉnh sẽ hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương và nhãn hiệu hàng hóa; tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm.