Cấp bách siết chặt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại qua đường hàng không
Giao thông - Ngày đăng : 15:07, 23/03/2023
Hậu quả từ "tận dụng" thành "lợi dụng" đặc thù công việc
Ngày 16-3-2023, cán bộ hải quan tại Cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã phát hiện dấu hiệu bất thường trong hành lý của 4 tiếp viên Vietnam Airlines đi chuyến bay từ Pháp về Việt Nam. Qua sàng lọc, soi chiếu, hải quan nghi vấn vali của đoàn tiếp viên có chất cấm nên chuyển sang kiểm tra trực tiếp, tìm thấy tổng cộng hơn 8kg thuốc lắc và 3kg ketamine, cocain. Các loại chất cấm này được giấu trong các hộp kem đánh răng.
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiến hành điều tra, 4 tiếp viên được trả tự do nhưng vẫn phải phối hợp điều tra.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Vietnam Airlines đã đình chỉ nhiệm vụ đối với 4 tiếp viên này để phục vụ công tác điều tra. Hãng khẳng định quan điểm không bao che và bất cứ cá nhân nào vi phạm quy định pháp luật, vi phạm nội quy lao động đều phải bị xử lý nghiêm.
Vụ việc này đã gây "chấn động" xã hội. Động cơ, cách thức và kết quả xử lý vụ việc thế nào vẫn còn đang chờ kết luận từ phía cơ quan điều tra. Tuy nhiên, có thể khẳng định, chuyện tiếp viên hàng không có liên quan đến hàng lậu không phải là chuyện mới, chỉ là chưa có vụ việc nào đến mức “tày trời” như vậy.
Lâu nay, việc nhân viên hàng không mang hàng hóa xách tay trên các chuyến bay từ nước ngoài về không hiếm. Không ít nhân viên hàng không đã tận dụng tính chất công việc đặc thù của mình để kiếm thêm thu nhập và coi đó là chuyện bình thường. Có thể đơn giản chỉ là gom ít mỹ phẩm, đồ trang sức, giày dép, túi xách… từ các nước để về trong nước bán lại, bởi chênh lệch giữa giá gốc với hàng hóa bán trong nước thường vào khoảng 20-30%; hoặc xách hộ hàng hóa cho khách quen…
Tuy nhiên, cũng chính từ chỗ quen tận dụng đặc thù công việc này, mà dần dần, một số người đã trở thành đối tượng tiếp tay cho buôn lậu, trốn thuế với nhiều thủ đoạn phức tạp, khó lường… Không còn là vận chuyển mỹ phẩm, đồ trang sức, đã có những vụ việc mang ngà voi, đuôi voi, móng vuốt động vật quý hiếm từ châu Phi; điện thoại iPhone đời mới; các loại thuốc lắc, ma túy… trị giá nhiều tỷ đồng theo đường hàng không về nước bị phát hiện, xử lý.
Cấp thiết siết chặt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại
Đại diện đoàn tiếp viên Vietnam Airlines cho biết, trước giờ bay của tất cả chuyến quốc tế, tiếp viên đều bắt buộc ký cam kết, quy định không được phép mang hộ, cầm giúp bất cứ thứ gì. Sai phạm đến đâu xử lý đến đó, bảo đảm đúng hành vi, đúng đối tượng. Tuần nào đoàn bay, đoàn tiếp viên cũng triển khai kiểm tra và làm rất gắt, nhưng ở đây, còn là ý thức từng người.
Như vậy có thể nói, các quy định hiện hành rất chặt chẽ, từ hãng hàng không cho đến các cơ quan chức năng, nhưng sai phạm vẫn xảy ra. Để “con voi không chui lọt lỗ kim”, đòi hỏi cấp thiết siết chặt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại qua đường hàng không.
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho hay, để phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua đường hàng không, Cục đã yêu cầu các đơn vị tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa.
Đối với các hãng hàng không được yêu cầu có trách nhiệm chỉ đạo đoàn bay, đoàn tiếp viên rà soát nội bộ, thường xuyên kiểm soát tổ bay khi làm nhiệm vụ; quán triệt và yêu cầu tổ bay chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động hàng không; chỉ đạo bộ phận an ninh hàng không của hãng tập trung phân tích, đánh giá tình hình, xác định trọng điểm về thời gian, chuyến bay, chặng bay, đối tượng, phương thức, thủ đoạn hoạt động để phối hợp với lực lượng Hải quan, kiểm soát an ninh hàng không.
Các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát tại các khu vực như điểm kiểm tra an ninh hàng không; khu vực phục vụ hành lý, hàng hóa; sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay; phục vụ tập kết đồ vật, dụng cụ của suất ăn phục vụ trên tàu bay, nhất là các chuyến bay quốc tế, nhằm kịp thời phát hiện, bắt giữ khi có hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa bằng đường hàng không.
Các hãng hàng không được cơ quan chức năng quản lý nhà nước về hàng không yêu cầu có trách nhiệm chỉ đạo đoàn bay, đoàn tiếp viên rà soát nội bộ, thường xuyên kiểm soát tổ bay khi làm nhiệm vụ…
Về phía các hãng hàng không, ngoài tăng cường kiểm soát nội bộ, cần tích cực, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan để nắm thông tin về đối tượng, thủ đoạn buôn lậu nhằm kịp thời bổ sung các biện pháp cụ thể trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…
Cũng theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, riêng về 4 tiếp viên bị bắt trong vụ vận chuyển chất cấm ngày 16-3, mặc dù đã được lực lượng chức năng trả tự do bởi chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự, song các tiếp viên này vẫn sẽ bị xử lý theo Thông tư 46/2013/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải (ban hành ngày 25-11-2013) về kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không. Cụ thể là “không sử dụng làm việc tại vị trí nhân viên hàng không ở bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng đối với hành vi lợi dụng vị trí làm việc để buôn lậu, vận chuyển trái phép người, tài sản, hàng hóa".
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc ký quyết định lập tổ công tác liên ngành chống buôn lậu qua đường hàng không
Tổ công tác liên ngành được giao nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý các thông tin về buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế. Tổ cũng có quyền điều phối các đơn vị, lực lượng phối hợp xử lý vụ việc, tình huống đột xuất, phức tạp về buôn lậu hàng hóa qua đường hàng không. Đồng thời, tổ được yêu cầu thường xuyên phối hợp với cơ quan báo chí để tuyên truyền.