Nỗ lực gỡ khó trong bảo quản, xử lý phương tiện vi phạm bị tạm giữ
Đời sống - Ngày đăng : 19:07, 23/03/2023
Ngày 23-3, Công an thành phố Hồ Chí Minh thông tin, tính đến hết tháng 2-2023, Công an thành phố đang tạm giữ 31.500 phương tiện vi phạm hành chính, gồm 34 ô tô, 1.252 xe mô tô 3 bánh, 30.219 mô tô 2 bánh và 6 xe đạp.
Do đã hết thời hiệu tạm giữ mà chủ phương tiện không hợp tác xử lý, cơ quan chức năng đã ban hành quyết định tịch thu, sung công quỹ Nhà nước 12.840 phương tiện các loại, gồm 30 ô tô, 7 mô tô 3 bánh và 12.808 mô tô 2 bánh. Số phương tiện đang trong thời gian chờ xác minh xử lý là 4 ô tô, 1.245 mô tô 3 bánh và 16.978 mô tô 2 bánh cùng 6 xe đạp.
“Vấn đề là các kho tạm giữ phương tiện vi phạm của Công an thành phố Hồ Chí Minh đều đã quá tải. Công an không có đất để xây thêm kho chứa. Nhân sự trông coi, bảo quản số phương tiện này phần lớn là kiêm nhiệm. Quy trình xử lý phương tiện vi phạm mất nhiều thời gian…; công tác phòng chống cháy nổ gặp nhiều khó khăn…”, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an thành phố Hồ Chí Minh, cho biết.
Từ đầu tháng 3-2023, HĐND thành phố Hồ Chí Minh đã có kế hoạch giám sát chuyên đề về công tác quản lý, bảo quản và xử lý phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu. Nhiều đoàn công tác đã đến làm việc với cơ quan công an các địa phương của thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề này.
Mới đây nhất, ngày 22-3, đoàn giám sát do ông Nguyễn Văn Đạt, Phó Trưởng Ban Pháp chế, HĐND thành phố Hồ Chí Minh làm Trưởng đoàn đã đến thực hiện các nội dung giám sát chuyên đề tại Công an quận Bình Thạnh. Kết thúc buổi làm việc, đoàn ghi nhận: Cơ quan công an còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như các quy định, thủ tục liên quan đến phân cấp, ủy quyền phê duyệt phương án xử lý tang vật, phương tiện, xác minh chủ phương tiện… mất nhiều thời gian; làm phát sinh chi phí vận chuyển tang vật, phương tiện về kho tạm giữ…
Nói rõ hơn về quy trình xử lý phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, đại diện PC08 (Phòng Cảnh sát Giao thông Đường bộ, Đường sắt) Công an thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Theo quy định tại Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính, khi phương tiện đã quá thời hạn tạm giữ theo thông báo trên biên bản xử lý vi phạm mà chủ phương tiện không đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết mà không có lý do chính đáng hoặc không tìm được chủ sở hữu hợp pháp, cơ quan Công an sẽ thông báo 2 lần trên cổng thông tin điện tử công an địa phương. Hết 1 năm kể từ hết thời hạn thông báo giải quyết lần thứ 2, nếu vẫn chưa có người đến giải quyết, thì trong vòng 5 ngày làm việc, người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu phương tiện.
“Sau tịch thu, phương tiện có thể đem bán đấu giá sung công quỹ nhà nước hoặc tiêu hủy. Tuy nhiên, quá trình này theo luật định kéo dài rất lâu, vì còn phải giám định số khung, số máy; xác định chủ sở hữu; đăng thông tin công khai; xây dựng phương án xử lý phù hợp, trình cấp thẩm quyền xem xét. Nếu bán đấu giá thì phải triển khai định giá phương tiện… Do mất quá nhiều thời gian để tại các kho tạm giữ, nhiều phương tiện xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí lớn”, đại diện PC08 nói.
Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, trước mắt, Công an thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực tăng cường nhân lực, cơ sở vật chất bảo quản phương tiện vi phạm trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Cùng với đó, xây dựng phương án thành lập Tổ Công tác chuyên về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm để đẩy nhanh tiến độ giải quyết.
“Sau khi Công an thành phố Hồ Chí Minh tham mưu, Bộ Công an và UBND thành phố đã có cơ chế ủy quyền giải quyết xử lý phương tiện vi phạm. Hiện Công an thành phố đang chỉ đạo các đơn vị triển khai phương án giữ giấy tờ hoặc cho đặt tiền tương đương trị giá tài sản để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thay cho việc tạm giữ phương tiện”, Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin thêm.