“Quản” trung gian thanh toán, chặn game không phép
Đời sống - Ngày đăng : 15:29, 23/03/2023
Tìm giải pháp ngăn chặn thanh toán cho game không phép là nội dung hội nghị do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức sáng nay, 23-3, tại Hà Nội. Hội nghị có sự tham dự của đại diện Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an cùng các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, doanh nghiệp game, doanh nghiệp viễn thông di động…
Game không phép chiếm khoảng 5.000 tỷ đồng
Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, trên không gian mạng, có hàng trăm nghìn game không phép đang phát hành. Doanh thu game năm 2022 của thị trường trong nước ước tính hơn 500 triệu USD, trong đó, game không phép chiếm 30%, tương đương khoảng 5.000 tỷ đồng.
Để ngăn chặn game không phép, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng bộ, ngành liên quan đã tăng cường đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới, gỡ bỏ game vi phạm. Từ năm 2019 đến nay, Google đã gỡ 294 game cờ bạc, đổi thưởng, game bạo lực, game không phép; Apple đã gỡ 90 game cờ bạc, đổi thưởng, không phép; dừng hoạt động 543 trang web có dấu hiệu cung cấp các game không phép, game cờ bạc, đổi thưởng.
“Mặc dù đã có các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán; về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng; song game lậu sống được là nhờ các kênh thanh toán vẫn sẵn sàng kết nối, hỗ trợ game không phép mà không quan tâm dịch vụ đó có hợp pháp hay không”, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết.
Có thể kể đến các kênh thanh toán hỗ trợ cho game không phép nhiều nhất hiện nay là MoMo (có trên cả hai “kho” ứng dụng của Google, Apple); tiếp theo là ZaloPay, VTC Pay trên Google, Shoppee Pay trên Apple. Ngoài ra, còn có sự góp mặt từ “kênh” thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ: MasterCard, Visa; từ các tài khoản viễn thông của 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone...
“Qua tìm hiểu bước đầu, khi phát hành một game trên kho ứng dụng thì doanh thu từ thanh toán qua thẻ tín dụng chiếm 5-7%, ví điện tử MoMo chiếm 60%, phần còn lại là các hình thức khác”, ông Lê Quang Tự Do thông tin thêm.
Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương, các tỉnh, thành phố đã xử lý các vi phạm về thanh toán, khuyến mại cho game hoặc các hành vi có dấu hiệu lợi dụng game để đổi thưởng, cờ bạc. Cơ quan quản lý đã công bố trên cổng thông tin điện tử danh sách các trò chơi được cấp phép, các website game không phép, game cờ bạc…
Tuy nhiên, các trò chơi không phép vẫn tiếp tục được hỗ trợ thanh toán, phát triển tràn lan tại Việt Nam. Không chỉ cạnh tranh không lành mạnh với doanh nghiệp game trong nước, game không phép tràn lan dẫn đến nguy cơ mất an toàn thông tin, xuyên tạc lịch sử, mất thuần phong mỹ tục, đặc biệt là thất thu thuế cho ngân sách.
Kết hợp nhiều giải pháp
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp game, trung gian thanh toán, nhà mạng đã chia sẻ một số giải pháp cũng như cam kết ngăn chặn thanh toán cho game không phép.
Đại diện Công ty cổ phần VNG kiến nghị, cơ quan quản lý sớm có hành lang pháp lý rõ ràng để bảo đảm sự công bằng, từ đó thúc đẩy ngành game Việt Nam phát triển. Đại diện cho các trung gian thanh toán, ông Nguyễn Bá Diệp, Tổng giám đốc M_Service (chủ quản Ví điện tử Momo) cho biết, MoMo cam kết chỉ thanh toán dịch vụ hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Vì vậy, MoMo đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông định kỳ gửi danh sách game không phép để MoMo có căn cứ làm việc với các kho ứng dụng, chặn thanh toán ngay từ đầu.
“Chúng tôi luôn tuân thủ pháp luật và ủng hộ quan điểm tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp phát hành game cũng như chống thất thu thuế”, ông Nguyễn Bá Diệp nói.
Cùng quan điểm, đại diện các trung gian thanh toán khác như VTC Pay, Napas, Ngân Lượng, Viettel Money cũng cam kết tuân thủ pháp luật Việt Nam, từ chối thanh toán với game không phép, đồng thời kiến nghị cơ quan quản lý sớm gửi danh sách game lậu, game không phép để các doanh nghiệp này làm việc với kho ứng dụng và chặn từ đầu.
Ở góc độ của Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cập nhật thường xuyên danh sách các doanh nghiệp, website vi phạm pháp luật, bất hợp pháp trên mạng để Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức trung gian thanh toán từ chối thanh toán.
Về các giải pháp trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cho hay, Cục sẽ gửi định kỳ hằng tháng danh sách các game đã được cấp phép, danh sách game không phép để các trung gian thanh toán đối chiếu, không thanh toán. Đồng thời, Cục sẽ phối hợp với cơ quan công an, ngân hàng giám sát, kiểm tra và xử lý đơn vị trung gian thanh toán tiếp tục "tiếp tay" cho game không phép. Các nhà mạng trong nước ngăn chặn đường truyền truy cập tới các cổng trung gian thanh toán không phép, chặn đường truyền truy cập tới các website, ứng dụng cung cấp game vi phạm pháp luật Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, muốn giải quyết căn cơ vấn đề game lậu, thúc đẩy thị trường game tại Việt Nam phát triển lành mạnh, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải cùng chung tay làm.
Không chỉ là việc quản lý lĩnh vực game, mà trong nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước khác, việc tiếp cận qua kênh thanh toán đã giúp phát hiện và xử lý được những bất cập. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công an để bàn bạc và triển khai quyết liệt các giải pháp ngăn chặn thanh toán cho game không phép, góp phần phát triển thị trường game lành mạnh.