Bốn cuộc đời được hồi sinh từ người cho chết não thứ 100
Sức khỏe - Ngày đăng : 11:24, 23/03/2023
Từ người cho chết não thứ 100 đã giúp cho 4 cuộc đời được hồi sinh. Đây cũng là ca hiến được nhiều mô, tạng nhất từ trước đến nay, đánh dấu một bước tiến mới của bệnh viện và lập thành tích trong ngành ghép tạng toàn quốc.
Ca hiến mô, tạng thứ 100 là nam bệnh nhân Đ.M.K (32 tuổi, cư trú tại Bắc Giang). Cách đây hơn 2 tuần, anh K bị tai nạn giao thông và được cấp cứu vào Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức trong tình trạng chấn thương sọ não rất nặng, hôn mê sâu, glassgow 4 điểm.
Khi bệnh viện đề cập đến việc hiến mô, tạng sau khi anh K chết não, gia đình đã bàn bạc và đồng ý. Vợ anh K là người đặt bút ký vào đơn tự nguyện đăng ký hiến mô, tạng của chồng để hồi sinh những cuộc đời mới.
Sau 1 ngày điều trị và hồi sức tích cực, các y, bác sĩ đã cố gắng hết sức tìm cơ hội sống cuối cùng cho anh K nhưng kỳ tích đã không đến. Hội đồng đánh giá chết não được thành lập, 3 lần test chết não, kết quả đều dương tính. Hội đồng và Ban Giám đốc bệnh viện công bố, anh K đã chết não.
Với nghĩa cử cao đẹp, tim, gan, 2 thận, 4 mạch máu, 14 gân, 2 sụn của anh K đã được hiến và tới nay giúp hồi sinh 4 mảnh đời. Đó là nữ bệnh nhân 53 tuổi (ở Bắc Giang) bị suy tim giai đoạn cuối; bệnh nhân nam 33 tuổi (ở Ninh Bình) bị nang đường mật được ghép gan; hai bệnh nhân 48 tuổi và 42 tuổi (cùng ở Hải Phòng) suy thận mạn giai đoạn cuối… Hiện, sức khỏe của các ca ghép tạng trên đều tiến triển tốt và hồi phục.
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức chia sẻ, y học càng phát triển, nhu cầu có được tạng để ghép ngày càng lớn. Có hai hình thức ghép tạng là ghép đồng loại và khác loại. Ghép khác loại cho đến nay vẫn cực kỳ khó khăn. Thực tế, Mỹ sử dụng tim lợn biến đổi gen để ghép trên người nhưng bệnh nhân chỉ có thể sống được hai tháng. Do đó, tới nay, ghép khác loại chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, nguồn mô, tạng chính vẫn chủ yếu lấy từ người cho chết não.
“Ở Việt Nam, do quan điểm tôn giáo và niềm tin của người dân nên việc vận động người dân hiến mô tạng là cực kỳ khó khăn mà chúng ta phải vượt qua. Dù đã rất cố gắng tuyên truyền, vận động, nhưng đến nay ở nước ta mới có khoảng 170 nghìn người đăng ký hiến tặng tạng sau khi qua đời - đây là con số quá ít ỏi”, GS.TS Trần Bình Giang nói.
Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức nhớ lại, kể từ ca đầu tiên hiến tạng vào năm 2010, bệnh viện đã phải vận động gia đình rất nhiều để nhận được sự đồng ý. Đến nay, tại bệnh viện đã có 100 gia đình đồng ý hiến tạng của người thân mình bị chết não do bệnh tật hoặc tai nạn giao thông. Với 100 trường hợp này, đã có 50 ca ghép tim, 83 ca ghép gan, 157 ca ghép thận, 6 ca ghép phổi được thực hiện.
Tính trên cả nước, hiện mới có gần 150 trường hợp chết não hiến tặng. “Đây là con số quá ít so với số lượng người chết não xảy ra hằng ngày, hằng năm. Trong khi đó, rất nhiều bệnh nhân chờ hiến tạng nhưng không thể được và đã mất”, GS.TS Trần Bình Giang nêu thực trạng.
Những rào cản trong hiến tạng, theo GS.TS Trần Bình Giang, khái niệm chết não đến nay một số người dân chưa hiểu một cách đầy đủ. Nhiều người cho rằng, người thân của mình tim vẫn còn đập nên không thể chết não. Tuy nhiên, việc xác định chết não được quy định chặt chẽ trong luật và mang đặc trưng rất lớn của y học.
Xác định chết não thường thực hiện qua một hội đồng gồm các chuyên gia, dựa trên bằng chứng khoa học và được thực hiện bằng các phương tiện máy mọc hiện đại. Trường hợp xác định 100% bệnh nhân chết não nhưng tim còn đập chỉ là nhờ sự kéo dài sử dụng các thuốc hồi sức. Nếu ngừng thuốc, tim, phổi không hoạt động và cơ thể sẽ chết.
Qua 100 trường hợp hiến tạng ở người cho chết não, GS.TS Trần Bình Giang chia sẻ: “Một người chết não khi hiến tặng mô, tạng có thể cứu được 5 người. Chúng tôi mong muốn, số lượng ca chết não đăng ký hiến tặng mô, tạng sẽ ngày càng nhiều hơn, giúp nhiều cuộc đời được hồi sinh”.