Không để hư hao thêm nữa

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:30, 23/03/2023

(HNMCT) - Ngày 20-3-2023, lại rộ lên tin rằng hơn 100 mục sách tư liệu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm "bỗng nhiên không thấy đâu”. Nói là “lại”, bởi vào những ngày cuối năm 2022 cũng có tin hơn 20 đơn vị sách nằm trong kho của viện này bị thất thoát.

Cho đến đầu tuần này, sự thực thì nhiều điều vẫn chưa thể làm rõ, chẳng hạn như toàn bộ số sách nói trên có bị mất hay chỉ là thất lạc, bởi người ta vẫn hy vọng “số mất tích” còn nằm ở đâu đó trong số sách sưu tầm được trong khoảng thời gian từ năm 1988 đến năm 2008 hiện vẫn chưa được kiểm kê chi tiết; nhưng nếu số sách đó bị mất thật rồi thì nguyên nhân do đâu, trách nhiệm của các bộ phận liên quan được xác định như thế nào... Đó vẫn là những câu hỏi chờ được trả lời.

Thông tin liên quan được đăng tải rộng rãi cho thấy Viện Nghiên cứu Hán Nôm được giao quyền quản lý và khai thác giá trị của hàng vạn đầu sách và tư liệu Hán Nôm, bao gồm cả phim, ảnh, bản rập các bài văn khắc trên bia đá, chuông đồng, biển gỗ... Riêng về sách Hán Nôm, các tác phẩm lưu trữ ở đây liên quan đến lĩnh vực văn hóa, văn học, lịch sử, tôn giáo, chính trị, xã hội, kinh tế, quân sự - quốc phòng, y tế, giáo dục... Khối tư liệu này một phần do người Pháp sưu tầm, một phần do người Việt Nam lưu giữ, và một phần quan trọng nữa do Viện Nghiên cứu Hán Nôm thu được qua các đợt sưu tầm trong giai đoạn 1988-2008. Viện chỉ là một trong nhiều địa chỉ nắm giữ tư liệu Hán Nôm tại Việt Nam, nhưng là địa chỉ quan trọng hàng đầu trong việc bảo vệ, bảo quản và nhất là khai thác giá trị khối di sản quý giá.

Nhìn rộng ra cả nước, sách và tư liệu Hán Nôm còn được lưu giữ rải rác trong dân chúng, trong cơ quan lưu trữ, thư viện, bảo tàng, cơ sở tôn giáo... Bởi vậy, dù số phận của khối tư liệu quý giá nói trên có như thế nào đi nữa thì những gì đã xảy ra trong thời gian gần đây, tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, liên quan tới vấn đề bảo vệ, bảo quản tư liệu, vẫn là bài học kinh nghiệm thiết thực cho những cá nhân, cơ quan, địa phương liên quan tới phần việc này. Kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ công tác bảo tồn, giải pháp nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác giá trị tư liệu phục vụ phát triển đất nước, đó là điều cần tính tới một cách thấu đáo hơn.

Bài học có thể được tham khảo không chỉ liên quan tới công tác bảo vệ, bảo quản, mà còn là việc quảng bá, khai thác giá trị tư liệu Hán Nôm một cách hiệu quả. Trong những ngày vừa qua, sau khi tin “mất sách Hán Nôm” được công bố, đã có ý kiến cho rằng quy trình, quy định đối với những ai muốn tiếp cận nội dung tư liệu Hán Nôm phục vụ cho công tác nghiên cứu, học tập nhìn chung còn khá cứng nhắc, khoản phí cho việc này chưa phù hợp... Cần phải có cách lưu trữ, bảo quản khoa học hơn để không những bảo quản tư liệu tốt hơn, không để di sản Hán Nôm tiếp tục hư hao mà còn tạo điều kiện tốt hơn cho nhiều người dễ dàng tiếp cận với nội dung tư liệu.

Trong những năm gần đây, Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh tiến hành chương trình khảo sát, số hóa tài liệu Hán Nôm tại nhiều xã, huyện thuộc tỉnh này. Số tư liệu được khảo sát, tiến hành số hóa gồm hàng trăm nghìn trang, bao gồm sắc phong, văn tế, hương ước, văn bản địa chính... Đó là cách làm cần được đầu tư nhân rộng nhằm làm phong phú hơn cho danh mục di sản Hán Nôm, tạo cơ sở tiếp cận tư liệu Hán Nôm dễ dàng hơn đối với những cá nhân, tổ chức cần loại tư liệu này.

Ngoài ra, trong bối cảnh nguồn tư liệu Hán Nôm còn rất nhiều trong dân chúng, các đơn vị liên quan như ngành Văn hóa các tỉnh, thành phố, hệ thống bảo tàng, thư viện, trường đại học, viện nghiên cứu cần có cách tiếp cận linh hoạt đối với nguồn này trong quá trình khảo sát, sưu tầm, nghiên cứu. Hiện nay, đối với người dân, việc dịch thuật, phục chế tài liệu Hán Nôm cần một khoản chi phí nhất định, chẳng hạn như có nơi ra giá dịch gia phả khoảng 100.000 đồng/trang, giá dịch văn bia khoảng 2 triệu đồng; hương ước, khoán lệ - 150.000 đồng/trang... Nếu không có cách tiếp cận linh hoạt, chủ động thì một số lượng lớn tư liệu Hán Nôm, vốn đã bị hư hao qua nhiều sau quãng thời gian chiến tranh, trải qua mưa gió bão lụt, nạn trộm cắp..., có thể tiếp tục mất đi hoặc không phát lộ giá trị chỉ vì ai đó thiếu kinh phí cho việc giám định, dịch thuật, phục chế tài liệu.

Huy Toàn