''Vá'' lỗ hổng đăng kiểm xe cơ giới
Giao thông - Ngày đăng : 06:22, 23/03/2023
Mặt trái từ xã hội hóa đăng kiểm
Trước đây, hầu hết các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đều là đơn vị sự nghiệp nhà nước, chỉ một số đơn vị được thí điểm đầu tư, hoạt động theo mô hình xã hội hóa. Tuy nhiên, từ năm 2019 trở lại đây, quy định về phát triển trung tâm đăng kiểm theo quy hoạch vùng, địa phương được gỡ bỏ nên các doanh nghiệp bắt đầu ồ ạt đầu tư vào lĩnh vực này. Từ đó, số lượng trung tâm đăng kiểm gia tăng nhanh chóng.
Không thể phủ nhận việc xã hội hóa hoạt động đăng kiểm xe cơ giới đã giúp cho lĩnh vực này có sự phát triển đột phá, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp và người dân trong thời gian qua. Tuy nhiên, xã hội hóa đăng kiểm đã và đang bộc lộ không ít bất cập. Tính đến thời điểm này, cả nước có tới 281 trung tâm đăng kiểm nhưng phần lớn lại tập trung ở các thành phố, đô thị lớn.
Luật sư Nguyễn Đức Quang (Công ty Luật Keys Việt Nam) cho rằng, sai phạm ở các trung tâm đăng kiểm vừa qua một phần là do sự cạnh tranh gay gắt, không lành mạnh giữa các đơn vị để thu hút khách hàng. Thậm chí, một số đơn vị đã có những hành vi thực hiện sai tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định, bỏ nội dung, hạng mục kiểm tra, giả mạo trong việc kiểm định xe cơ giới, vi phạm pháp luật hình sự.
Đăng kiểm viên là người làm thuê tại các đơn vị đăng kiểm tư nhân nên đương nhiên phải chịu ảnh hưởng, tác động của chủ đầu tư, từ đó giảm tính độc lập trong kiểm tra, đánh giá, xác nhận kết quả kiểm định. Trong khi đó, chính lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Phòng Kiểm định xe cơ giới cũng buông lỏng quản lý, dẫn tới vi phạm ngày càng trầm trọng và phổ biến.
Sửa đổi, bổ sung hàng loạt quy định không còn phù hợp
Hàng loạt trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa, hàng trăm cán bộ, đăng kiểm viên bị khởi tố đã dẫn tới tình trạng ùn tắc phương tiện đến đăng kiểm tại nhiều địa phương, đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Một số giải pháp đã được Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đăng kiểm Việt Nam triển khai như: Tăng cường lực lượng đăng kiểm từ Bộ Quốc phòng và Bộ Công an hỗ trợ đăng kiểm xe dân sự; xem xét ký hợp đồng với những đăng kiểm viên đã nghỉ hưu… Cách làm này đang giúp dần “hạ nhiệt” tình trạng ùn tắc, nhưng chỉ là giải pháp cấp bách trước mắt.
Để giải quyết một cách căn cơ, lâu dài, ngày 22-3, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thiện và ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT (ban hành ngày 12-8-2021) quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Đáng chú ý, thông tư này có một số điểm mới, như: Đưa vào quy định miễn kiểm định lần đầu cho xe cơ giới mới, chưa qua sử dụng (có năm sản xuất không vượt quá 1 năm, tính từ năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định); điều chỉnh chu kỳ kiểm định phù hợp đối với một số loại xe cơ giới tham gia giao thông phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, dựa trên mục tiêu số 1 là bảo đảm an toàn của phương tiện, đồng thời giảm tải nhu cầu kiểm định xe cơ giới, giảm chi phí xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp...
Ngoài ra, theo Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Tô An, sắp tới, hệ thống đăng kiểm sẽ có những thay đổi rất lớn từ cơ cấu, mô hình tổ chức cho đến bổ sung, sửa đổi, thậm chí là thay thế nhiều quy định pháp luật liên quan. Ví dụ như Nghị định số 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ (ban hành ngày 8-10-2018) quy định về điều kiện kinh doanh đối với lĩnh vực kiểm định xe cơ giới; các quy định về đăng kiểm viên, về tuyển dụng, đào tạo; số lượng đăng kiểm viên trên mỗi dây chuyền…
Cùng với đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng sẽ tiếp thu những kiến nghị, học hỏi những mô hình tiên tiến trên thế giới để nghiên cứu áp dụng. Đặc biệt là nghiên cứu, đề xuất việc đưa các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng của các nhà sản xuất chính hãng đủ điều kiện, tham gia đăng kiểm. Đây là những mô hình đã được áp dụng ở những nước tiên tiến trên thế giới như Anh, Pháp, Đức, Áo và nhiều quốc gia khác, với mục tiêu để người dân được thụ hưởng dịch vụ một cách tốt nhất.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, ngoài vai trò quản lý của Cục Đăng kiểm Việt Nam, cần bổ sung yêu cầu về trách nhiệm, vai trò quản lý nhà nước trên địa bàn của sở giao thông vận tải các địa phương. Điều này nhằm ngăn ngừa việc buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng vi phạm tràn lan như vừa qua.