Phát huy giá trị di sản tư liệu: Chia sẻ ký ức đang trở thành một xu hướng

Văn hóa - Ngày đăng : 19:37, 22/03/2023

(HNMCT) - Một bức ảnh, một thước phim, lá thư hay trang nhật ký của một cá nhân, gia đình hay dòng họ đều có thể là tư liệu lịch sử vô giá. Nâng cao nhận thức về di sản tư liệu, khuyến khích hoạt động chia sẻ ký ức là để phát huy giá trị của di sản tư liệu, góp phần bồi đắp tình yêu di sản, tình yêu đất nước cho thế hệ trẻ.

Khách tham quan triển lãm “Cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử”. Ảnh: Vân Hạ

Khi ký ức cá nhân cũng mang dáng hình đất nước

Đầu những năm 2000 đã xuất hiện phương thức chia sẻ ký ức mà những người thực hiện chưa có một cái tên để gọi cho hoạt động ấy. Có thể kể đến “100 năm đám cưới Việt Nam” - cuộc triển lãm độc đáo của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam năm 2006 khi giới thiệu gần 100 bức ảnh được tuyển chọn trong khoảng 800 bức ảnh được gửi về từ mọi miền đất nước sau hai năm phát động. Kết quả của cuộc “huy động sức dân” đã làm nên một bức tranh phong phú về đám cưới Việt Nam dọc dài lịch sử trăm năm của đất nước, từ ảnh cưới “tân thời” nửa đầu thế kỷ XX, đám cưới trong thời chiến, cảnh đón dâu thời “bao cấp”, đám cưới thời mở cửa cho đến ảnh đám cưới của các dân tộc thiểu số, đám cưới vàng, đám cưới với người nước ngoài... Mỗi hình ảnh đám cưới mang đặc trưng của từng giai đoạn, phản án rõ nét điều kiện địa lý, lịch sử, kinh tế, văn hóa của đất nước trong giai đoạn ấy. Ảnh cưới là câu chuyện riêng tư, nhưng khi cùng “cất tiếng” trong một cuộc trưng bày chung thì mỗi tấm ảnh đã trở thành tư liệu quý góp phần tái hiện lịch sử.

Ký ức cá nhân cũng là ký ức tập thể, như đã thấy qua dự án trưng bày “Cuộc sống thời bao cấp” với những tem phiếu, hình ảnh về cửa hàng mậu dịch, cảnh xếp hàng mua thực phẩm, chăn con công..., tất cả góp phần gợi nhớ câu chuyện đáng nhớ một thời của biết bao người. Người tìm đến với cuộc triển lãm rất đông, vừa để ôn lại một thời gian khó, cũng là để kể cho con cháu đời sau biết rằng ông bà, cha mẹ từng sinh sống như thế nào. Ký ức thời bao cấp được kể lại một cách chi tiết, trở thành chất liệu để hình thành "cả một xu hướng bao cấp" khi ngày càng có nhiều cửa hàng, quán cà phê mô phỏng mô hình ở thời bao cấp được khai trương. Các bạn trẻ tìm đến với thời trang bao cấp; học sinh, sinh viên chụp kỷ yếu tốt nghiệp theo "phong cách bao cấp"... Câu chuyện về thời bao cấp cũng được nhắc đến nhiều trong các bộ phim, cuốn sách.

Trong lĩnh vực xuất bản cũng xuất hiện xu hướng kể những câu chuyện từ ký ức cá nhân. Từ dấu ấn tạo bởi hai cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” và “Mãi mãi tuổi hai mươi”, cho đến nay đã có rất nhiều cuốn nhật ký, hồi ký, những tập thư đã được xuất bản, thu hút sự quan tâm của độc giả, như “Tài hoa ra trận", “Nơi ấy là chiến trường”, “Ký ức người lính”, “Nhật ký phi công tiêm kích”, “Gánh gánh... gồng gồng...”, “Những bức thư gửi mai sau”, “Thời tôi sống”, “Không thể lãng quên”, “Nhật ký thời chiến Việt Nam”...

Song, ký ức được chia sẻ trong sách không chỉ về chủ đề thời chiến, thời bao cấp. Rất nhiều tác giả đã kể lại câu chuyện của mình trong mỗi trang ký ức in đậm đặc trưng của một nơi chốn, của một giai đoạn mà họ đã trải qua. Đó là “Chuyện người Hà Nội”, “Hà thành hương xưa vị cũ”, “Về Huế ăn cơm”, “Kim Liên một thuở”, “Quân khu Nam Đồng”..., đó là những tác phẩm được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, lịch sử thực chất là sự nối dài ký ức của cộng đồng từ đời này qua đời khác. Ký ức của mỗi người là một phần ký ức chung của xã hội. Và vì vậy, nếu mỗi cá nhân, tổ chức ý thức được giá trị tư liệu của ký ức, thực hiện việc lưu giữ và chia sẻ ký ức đó thì kho tàng di sản của chúng ta sẽ được bồi đắp.

Ngày càng nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo về chia sẻ di sản tư liệu được tổ chức.

Ký ức có giá trị khi được chia sẻ với cộng đồng

Nếu không được viết ra thì ký ức chỉ là câu chuyện kỷ niệm nho nhỏ trong lúc “trà dư tửu hậu” với bạn bè, người thân. Nhưng, khi được chia sẻ, dù ở hình thức nào thì ký ức cũng trở thành di sản tư liệu góp thêm những nét vẽ, những gam màu làm phong phú hơn bức tranh chung của đất nước. Điều đó giúp thế hệ sau có cái nhìn cụ thể, sống động hơn về lịch sử, văn hóa, kinh tế - xã hội của một giai đoạn đã qua...

Thực tế hiện nay, bên cạnh khối tài liệu lưu trữ được bảo quản tại các bảo tàng, di tích, các trung tâm lưu trữ thì còn rất nhiều tư liệu thuộc bộ sưu tập của các cá nhân, tổ chức, hay kỷ vật của các gia đình, dòng họ. Do đó, cần có những hoạt động như trưng bày triển lãm, làm phim, xuất bản sách để khuyến khích sự tham gia chia sẻ ký ức, tư liệu từ cộng đồng.

Bà Trần Nguyệt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cho hay: “Những năm qua, đã có khoảng hơn 200 gia đình, cá nhân đã trực tiếp gửi tặng tư liệu, tài liệu đến Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. Điều đó cho thấy các cơ quan lưu trữ đã có sự đổi mới trong cách tiếp cận công chúng, không còn là cơ quan lưu trữ xa lạ với nhiều thủ tục mà trở thành địa chỉ để người dân có thể đến xem những cuộc trưng bày triển lãm, lắng nghe các cuộc tọa đàm hay tin tưởng gửi tặng tư liệu”.

Theo bà Trần Nguyệt Hoa, rất nhiều tư liệu được các gia đình tốn công gìn giữ qua nhiều năm, phải có lòng tin tưởng vào cơ quan lưu trữ đến thế nào thì họ mới quyết định trao tặng và gửi gắm. Vậy nên, các cơ quan lưu trữ không chỉ cần gìn giữ tốt hơn, phát huy tốt hơn tài liệu của các cá nhân, gia đình gửi đến, mà còn cần đồng hành cùng họ để kể câu chuyện quá khứ một cách sinh động, qua đó chứng minh giá trị của tư liệu và vinh danh sự đóng góp giàu ý nghĩa của các cá nhân đó. Những hoạt động kết nối này sẽ giúp tài liệu lưu trữ được công chúng biết đến nhiều hơn.

Nhà sưu tập Nguyễn Phi Dũng (Nam Định) chia sẻ về một số tờ báo đặc biệt mà ông đang sở hữu.

Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ, cho rằng, cơ quan nhà nước phải là đơn vị đi tiên phong trong chia sẻ tư liệu mà triển lãm chỉ là một trong những hoạt động cần thực hiện. Nếu trước kia, tài liệu lưu trữ được hiểu là vật mang thông tin thì ngày nay, tài liệu lưu trữ chính là thông tin. Và, thông tin chỉ có giá trị khi được chia sẻ với cộng đồng trên phạm vi rộng nhất có thể.

Câu chuyện về chia sẻ thông tin và tầm quan trọng của di sản tư liệu có thể thấy từ sự kiện gây xôn xao cách đây chưa lâu về chiếc ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”. Kim ấn cuối cùng của triều Nguyễn ấy lẽ ra phải thuộc sở hữu của Việt Nam, ấy vậy mà lại được đấu giá tại Pháp với giá khởi điểm 2 - 3 triệu Euro. Không bàn về hành trình lưu lạc của bảo vật này, chỉ biết rằng với sự hỗ trợ tối đa từ Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong suốt quá trình thương lượng, ông Nguyễn Thế Hồng (ở Bắc Ninh) đã mua thành công ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” với giá hơn 6,1 triệu Euro. Bảo vật đã có thể hồi hương, có sự đóng góp của “tiếng nói pháp lý cất lên" từ tài liệu lưu trữ thuộc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.

Hay mới đây, một trang web giới thiệu kho tư liệu ảnh khoa học di sản chung của Viện Thông tin Khoa học xã hội và Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) đã được ra mắt. Thư viện ảnh chung tập hợp gần 70.000 bức ảnh được chụp tại Việt Nam và ở nhiều nước châu Á khác trong giai đoạn từ đầu thế kỷ XX đến những năm 1980. Trong số ảnh đó, có rất nhiều bức có được nhờ sự đóng góp, biếu tặng của các nhà nghiên cứu, du khách, cơ quan chính phủ... Đây là minh chứng gần nhất cho thấy tầm quan trọng của việc chia sẻ tư liệu, chia sẻ thông tin.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, việc chia sẻ ký ức, chia sẻ thông tin trở thành nhu cầu và là một xu hướng đáng lưu ý. Hàng loạt mạng xã hội ra đời và “sống khỏe” nhờ nhu cầu chia sẻ ấy. Nâng niu ký ức, giữ gìn di sản không có nghĩa là giữ riêng nó cho cá nhân, gia đình hay các cơ quan lưu trữ. Di sản ấy cần được gìn giữ ngay trong ý thức của từng cá nhân với sự hiểu biết và tình yêu gia đình, Tổ quốc. Để làm được điều ấy, mỗi người cần tạo cơ hội cho di sản tư liệu được phát huy giá trị tốt nhất thông qua việc chia sẻ.

Bài và ảnh: Vân Hạ