Ưu tiên nguồn vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn
Nông nghiệp - Ngày đăng : 15:19, 22/03/2023
Hỗ trợ kinh tế nông thôn
Để khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi phát triển nông nghiệp, nông thôn, tiêu biểu như: Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7-9-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn… Mỗi năm, Agribank dành hàng trăm ngàn tỷ đồng hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp.
Bà Đặng Thị Dung, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thủ công Chiến Thắng (huyện Chương Mỹ) cho biết, công ty thành lập năm 2015, kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Từ đó đến nay, được sự hỗ trợ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi nhánh huyện Chương Mỹ với dư nợ hơn 5 tỷ đồng, công ty duy trì sản xuất; trung bình mỗi năm thu nhập khoảng 30 tỷ đồng; tạo việc làm cho 25 - 40 lao động, với mức thu nhập 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Cũng về vấn đề này, theo ông Đỗ Xuân Nhung, chủ trang trại tổng hợp ở xã Kim Quan (huyện Thạch Thất), với diện tích 10,2ha, trang trại chuyên trồng trọt, chăn nuôi, cung cấp hàng trăm tấn thịt lợn, rau quả cho thị trường. Để duy trì sản xuất, thời gian qua, trang trại được sự hỗ trợ của Ngân hàng Argibank - Chi nhánh Thạch Thất với dư nợ hơn 7 tỷ đồng. Nhìn chung, nhờ nguồn vốn này, nông dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình...
Theo Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, từ nguồn vốn vay tín chấp của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Agribank đã kịp thời hỗ trợ cho nông dân sản xuất, kinh doanh, đến nay, Hội Nông dân đã tín chấp với dư nợ hơn 151 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn, nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu, góp phần xây dựng nông thôn mới...
Theo Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng, với tổng tài sản hơn 1,8 triệu tỷ đồng, nguồn vốn đạt hơn 1,71 triệu tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế gần 1,5 triệu tỷ đồng, trong đó, hơn 65% tổng quy mô tín dụng dành cho nông nghiệp, nông thôn. Do đó, trong suốt 35 năm qua, dù là ngân hàng thương mại phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là đối tượng được Agribank ưu tiên lãi suất cho vay thấp hơn đối tượng khác 1 - 2%/năm. Nhờ đó, nông dân, doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay kịp thời, mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập...
Góp phần xây dựng nông thôn mới
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo bước chuyển rõ nét cho diện mạo nông thôn Việt Nam, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân ở nhiều vùng quê được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người và tỷ lệ hộ giàu ngày càng tăng, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Trong thành tựu thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn cho vay của Agribank thể hiện rõ vai trò là nguồn lực kinh tế quan trọng, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới khắp cả nước, đóng góp lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững tại Việt Nam.
Đơn cử, tại huyện Thanh Oai, theo bà Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Cao Dương, hiện nay, tổng dư nợ của Ngân hàng Argibank thông qua Hội là gần 10 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng của Agribank đã hỗ trợ, tạo điều kiện để các hộ gia đình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển tiểu thủ công nghiệp, từng bước nâng cao năng suất, thu nhập, ổn định đời sống và góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn...
Đến nay, Agribank đã tích cực triển khai các chương trình tín dụng chính sách cụ thể của Chính phủ với nguồn vốn cho vay xây dựng nông thôn mới “phủ” 100% số xã trong cả nước, trong đó, trên 50% nguồn vốn cho vay xây dựng nông thôn mới để đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh tại lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, nâng cấp giá trị hàng nông sản chủ lực; gần 35% nguồn vốn đầu tư cho dịch vụ thương mại; trên 15% nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn…
Từ nguồn vốn vay, một số địa phương đã xây dựng các trường học đạt chuẩn, kiên cố hóa giao thông, hệ thống kênh mương, xây dựng trụ sở xã, xóa nhà tạm, dạy nghề cho lao động nông thôn; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch... góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến nay, cả nước có 6.009/8.225 xã đạt chuẩn nông thôn mới... Thành quả này có sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay kịp thời của Argibank cùng chính quyền địa phương triển khai hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.