Cơ hội "trở mình" cho thị trường bất động sản
Bất động sản - Ngày đăng : 06:09, 22/03/2023
Vẫn còn khó khăn
Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế và tác động đến nhiều ngành, nghề, lĩnh vực.
Thời gian qua, thị trường đã gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cũng như một số tồn tại kéo dài chưa thể khắc phục triệt để liên quan đến pháp luật đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản, dẫn đến nhiều dự án gặp khó trong triển khai làm cho nguồn cung bất động sản, nhà ở sụt giảm nghiêm trọng. Cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa phân khúc cao cấp, thiếu nhà ở vừa túi tiền. Trong khi đó, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn từ khách hàng, dẫn đến phải giãn tiến độ, dừng triển khai dự án...
“Rất nhiều dự án nhà ở, khu đô thị gặp vướng mắc hoặc dừng triển khai, như tại thành phố Hồ Chí Minh có 80% trên tổng số 180 dự án nhà ở, khu đô thị; Hà Nội có 50% trên tổng số 170 dự án; Đà Nẵng có 60% trên tổng số 75 dự án” - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chia sẻ.
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. Trong quá trình làm việc với các doanh nghiệp, địa phương, Tổ công tác đã trao đổi, hướng dẫn các quy định pháp luật, hoặc rà soát, tổng hợp gửi các bộ, ngành liên quan theo thẩm quyền, chức năng. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, vẫn còn nhiều vấn đề về thể chế, nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu, cổ phiếu, tổ chức thực thi pháp luật của địa phương,... cần tiếp tục được tập trung tháo gỡ, mới có thể thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.
Những tín hiệu tích cực
Để tiếp tục “gỡ khó” cho thị trường bất động sản, ngày 17-2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. Ngày 11-3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các tổ chức tín dụng xem xét, xử lý phù hợp các khoản nợ thuộc lĩnh vực bất động sản; khuyến khích các ngân hàng thương mại hạ lãi suất; triển khai gói hỗ trợ tín dụng 120.000 tỷ đồng đối với nhà ở xã hội... Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP (ngày 5-3-2023), sửa đổi, bổ sung quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, trong đó đáng chú ý là cho phép doanh nghiệp gia hạn nghĩa vụ trả nợ. Sau các văn bản của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng ngay lập tức ban hành quyết định điều chỉnh lãi suất điều hành, giảm lãi suất cho vay ngắn hạn.
Theo các chuyên gia, các quyết sách mới từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước thực sự đã giải quyết đúng - đủ những khó khăn, vướng mắc chính cho thị trường bất động sản. Đây sẽ là trợ lực rất lớn để thị trường có khả năng vượt qua những khó khăn của hiện tại, đi đến sự hồi phục và phát triển trong thời gian tới.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho rằng, hàng loạt nỗ lực vừa qua từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ tháo gỡ toàn bộ khó khăn từ tài chính đến pháp lý, quy định rõ ràng trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Mọi thứ minh bạch, rõ ràng giúp các nhà đầu tư trái phiếu, bất động sản cũng như chứng khoán có niềm tin để rót vốn vào thị trường.
Đối với các doanh nghiệp, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính đánh giá, những quy định tháo gỡ này giúp các doanh nghiệp không lâm vào cảnh “chết lâm sàng”, mở ra hy vọng và có thêm thời gian thích hợp để tái cấu trúc sản phẩm.
Các chuyên gia cho rằng, những quyết sách mới đây của Chính phủ là những chỉ báo về sự hồi phục cho thị trường bất động sản. Nhìn từ kinh nghiệm giai đoạn khủng hoảng trước đây, khoảng một năm sau khi có những chỉ báo như thế này, thị trường sẽ cân bằng. Điều đó có nghĩa hết quý I-2024, bất động sản có thể phục hồi trở lại. Tuy vậy, theo các chuyên gia, những động thái này chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là doanh nghiệp phải nỗ lực tái cấu trúc sản phẩm, tái cơ cấu đầu tư, điều chỉnh mức giá phù hợp với thị trường.
Bên cạnh đó, về dài hạn, cơ quan chức năng cần nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý. Trong đó, Luật Đất đai (sửa đổi) nếu được thông qua, có hiệu lực như kế hoạch vào nửa cuối năm 2024 sẽ là bước ngoặt lớn cho ngành bất động sản, khi tháo gỡ được các nút thắt pháp lý trong việc phê duyệt dự án nhà ở mới, có thể giúp nguồn cung nhà ở dần phục hồi từ năm 2024-2025.