Nỗi lo trẻ hóa bệnh ung thư phổi
Sức khỏe - Ngày đăng : 07:02, 21/03/2023
Đề cập đến bệnh ung thư phổi, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đây là một trong 3 loại ung thư phổ biến thường gặp nhất. Trong các bệnh ung thư trên thế giới, ung thư phổi cũng gây tử vong hàng đầu. Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng thứ hai về tỷ lệ mắc mới với hơn 26.000 ca và tỷ lệ tử vong là gần 24.000 ca hằng năm cho cả hai giới nam, nữ.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), giống như các loại bệnh ung thư khác, tỷ lệ mắc ung thư phổi ngày càng trẻ hóa. Nếu như trước đây chỉ tiếp nhận các trường hợp trên 50 tuổi mắc ung thư phổi thì hiện nay gặp cả những bệnh nhân dưới 40 tuổi. Đặc biệt, không chỉ có nam giới mà nữ giới cũng mắc bệnh này.
Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một nữ bệnh nhân (36 tuổi, ở Hà Nội) đến khám trong tình trạng phổi kích thước lớn, kèm theo tổn thương di căn một số cơ quan như màng phổi, gan, hạch, xương, não... Bệnh nhân này từ nhỏ sống cùng với cậu ruột. Người cậu này thường xuyên hút thuốc lá. Do đó, các bác sĩ nghĩ nhiều đến nguyên nhân của việc hút thuốc lá thụ động khiến nữ bệnh nhân này mắc ung thư phổi khi tuổi còn rất trẻ. Trường hợp khác là nam bệnh nhân (33 tuổi, ở Ninh Bình) đến khám tại Bệnh viện K khi thấy triệu chứng tức ngực, khó thở, người mệt mỏi. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân có khối u ác tính ở phổi. Nam bệnh nhân này có thâm niên hút thuốc 15 năm nay, ngày nhiều nhất hút từ 1,5 đến 2 bao thuốc.
Ngày nay, nhờ những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, ung thư phổi có thể phát hiện ở giai đoạn sớm, gia tăng tỷ lệ điều trị khỏi bệnh cũng như kéo dài sự sống. Nếu như tỷ lệ sống sau 5 năm ở giai đoạn sớm đạt 90% thì ở giai đoạn cuối chỉ còn dưới 10%. Thế nhưng, trên thực tế, bệnh nhân phát hiện ung thư phổi thường ở giai đoạn muộn, chỉ khoảng 15% phát hiện giai đoạn sớm.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai), ở những trường hợp mắc ung thư phổi có tiên lượng nặng thường phát hiện ở giai đoạn muộn nên làm giảm đáng kể tuổi thọ của bệnh nhân. Do đó, việc sàng lọc ung thư phổi rất quan trọng ở các quốc gia trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Lợi ích của sàng lọc là phát hiện sớm bệnh, điều trị kịp thời, từ đó giúp cho chất lượng cuộc sống của người bệnh được cải thiện và làm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư phổi.
Để phòng ung thư phổi, theo khuyến cáo của các bác sĩ, người dân cần hạn chế các chất, tác nhân gây bệnh ung thư như: Thuốc lá, thực phẩm, hóa chất độc hại... Bên cạnh đó, duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, tập thể dục thể thao đều đặn và thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ...
Theo bác sĩ Chuyên khoa II Vũ Xuân Huy, Phó Trưởng khoa Xạ tổng hợp (Bệnh viện K cơ sở Tân Triều), có 2 nguyên nhân chính dẫn tới ung thư phổi. Thứ nhất, việc sử dụng thuốc lá, thuốc lào chiếm 80% nguyên nhân gây ung thư phổi. Thứ hai là yếu tố di truyền, chiếm 20% tổng nguyên nhân gây nên căn bệnh này. Cách tốt nhất để phòng tránh ung thư phổi là nói không với thuốc lá. Điều đáng nói, những người hít phải khói thuốc lá cũng tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư tương tự như những người hút thuốc, mặc dù với số lượng nhỏ hơn. Chính vì vậy, hãy hạn chế đến các khu vực nơi mọi người hút thuốc hoặc yêu cầu người hút thuốc ra xa nơi mình làm việc.
Về dấu hiệu nhận biết ung thư phổi, các chuyên gia y tế lưu ý, người bị ung thư phổi thường có các dấu hiệu báo động đỏ như: Ho ra máu, đau ngực, thỉnh thoảng co giật, đặc biệt là giảm cân rất nhanh, có bệnh nhân chỉ trong 3 tháng giảm đến 10kg. Nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu này thì cần đi khám sức khỏe để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.