Nhà thuốc Hà Nội: Xưa và nay
Xã hội - Ngày đăng : 07:17, 29/09/2008
Người dân mua thuốc tại Nhà thuốc Hapharco số 2 Hàng Bài. Ảnh: Nhật Nam
Thuốc men là hàng hóa đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người, “sai một ly đi một dặm”. Nó như con dao 2 lưỡi, dùng đúng bệnh, đúng liều lượng và đúng cách thì chữa được, mà dùng sai, bệnh không những không khỏi mà có khi nguy hại tới tính mạng. “Đói ăn rau, đau uống thuốc” cho nên có tới 80% bệnh nhân đến nhà thuốc, sau mới đến các phòng khám bệnh. Vì vậy vai trò nhà thuốc rất quan trọng.
Từ “nhà thuốc”, “hiệu thuốc tây” mới có từ đầu thế kỷ XX, khi người Pháp vào ta. Năm 1914, Hà Nội lập khoa Dược thuộc ĐH Y Dược khoa Đông Dương, năm 1917 có 4 DS Đông Dương (DS Trung cấp) ra trường, tới năm 1930 con số ấy là 48. Chỉ có DS (DS Đại học) mới được mở nhà thuốc. Năm 1931 có 5 sinh viên Dược năm thứ 5 qua Pháp học, thi tốt nghiệp DS hạng nhất. Năm 1934, DS hạng nhất Vũ Đỗ Thìn tốt nghiệp ĐH Dược Paris là người đầu tiên mở nhà thuốc (Pharmacy Modern) ở Bờ Hồ. Trương Công Quyền là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp tiến sĩ Dược khoa tại Pháp (1938) và mở nhà thuốc ở phố Lê Thái Tổ. Rồi ông từ bỏ tất cả đi kháng chiến, sau này là phó hiệu trưởng ĐH Y Dược khoa Hà Nội, giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996.
Trước năm 1954, Hà Nội có gần 40 nhà thuốc. Nổi tiếng nhất là của các vị Hoàng Xuân Hãn (Neyret) ở Tràng Thi, Chương Văn Vĩnh (Chassagne cũ) ở Hàng Khay - Hàng Bài, Đỗ Tất Lợi, Vũ Công Thuyết, Huỳnh Quang Đại, Tạ Ngọc Điều, Trịnh Văn Luận, Nguyễn Tiến Quang,Nghiêm Xuân Huỳnh, Nguyễn Luận, Thẩm Hoàng Tín.
Sau ngày 10-10-1954, nhiều DS vào Nam, Hà Nội chỉ còn 14 Nhà thuốc tư, phần lớn pha chế theo đơn ở 1 Hàng Khay, 69 Tràng Thi, 5 Cửa Nam, 48 Đồng Xuân, 14 Hàng Bài, 33 phố Huế, 98 Trần Hưng Đạo, 101 Hàng Bông, 83 Hàng Điếu...Năm 1958-1960 cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, tất cả vào làm việc tại các cơ sở y tế Nhà nước. Từ đó nhà thuốc tư nhân, BV, phòng khám tư không còn hoạt động; Nhà nước hoàn toàn nắm giữ việc chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân, sản xuất, cung ứng buôn bán tân dược. Tất cả các dược sĩ không được mở Nhà thuốc tư và đều làm việc trong các cơ sở quốc doanh. Năm 1961 ĐH Dược Hà Nội được tách ra từ ĐH Y Dược.
Theo chủ trương đổi mới, năm 1986, Sở Y tế thí điểm mở hiệu thuốc tự doanh, tự quản do DS đại học làm chủ, tự mua bán, tự khai thác các nguồn thuốc như của Việt kiều, người đi nước ngoài mang về, quà biếu, từ cửa khẩu và từ các cơ sở quốc doanh, liên kết. Dần dần chủ trương phát triển mở rộng các nhà thuốc tư nhân hình thành, năm 1990 có 500 cái,năm 1992 lên 751, diện tích thường chỉ 6m2bầy trong tủ quầy, còn điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh không nhiều. Năm 1994 con số trên là 1.036, bình quân 2.180 người dân/1 nhà thuốc, năm 1999 là hơn 1.250, bình quân 2.000 dân/1 nhà thuốc.
Đến năm 2004, Hà Nội có 207 Công ty TNHH về dược và 1.865 nhà thuốc (đã quy định thống nhất cách gọi trên không phân biệt tư nhân hay quốc doanh), diện tích thường 10m2 , bình quân 1.100 dân/1 nhà thuốc.
Năm 2007, Hà Nội đã có 400 Công ty TNHH về dược, hơn 2.200 nhà thuốc (kể cả của quốc doanh). Nhiều nơi đã khang trang, rộng rãi, phục vụ tốt hơn, giá cả niêm yết công khai. Khắp nội ngoại thành, tất cả các huyện chỗ nào cũng có, 100% trạm y tế hộ sinh xã có quầy thuốc.4 trung tâm bán buôn thuốc lớn nhất là Ngọc Khánh, Giảng Võ, 95 Láng Hạ và 31 Láng Hạ.
Thời bao cấp thuốc bán theo tích kê, tem phiếu và phân phối theo cơ số đầu người. CBCNV bình quân mỗi người 1 vài viên kháng sinh, vitamin. Sâm Triều Tiên và chai đạm tiêm truyền phải qua giám đốc BV, giám đốc XN dược hoặc giám đốc Sở duyệt mỗi lần 20-30 gam sâm hoặc 1 - 2 chai đạm. Ngày nay thuốc gì cũng có, nhiều chủng loại, đa dạng, phong phú. Và chất lượng thì ngày một cao, thuốc giả giảm đi rõ rệt, nhưng do phần lớn thuốc, kể cả nguyên liệu phụ thuộc nước ngoài nên giá cả không ngừng tăng. Khang trang rộng rãi hơn cả có lẽ là cơ sở của Hapharco, Traphaco, 42 Quang Trung,Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Luận, nhà thuốc Minh Chính, 31 Láng Hạ...
Để hòa nhập với cộng đồng WTO, ngành Dược cũng phải vươn lên mạnh mẽ. Từ giữa năm 2007, Hà Nội tích cực triển khai Thực hành tốt nhà thuốc G.P.P. (Good- Pharmacy- Practic). Theo đó, cơ sởphải riêng biệt, rộng hơn trước, khang trang, sạch đẹp, có điều hòa nhiệt độ, ẩm kế, nhiệt kế, tủ lạnh, có bàn tư vấn giới thiệu, hướng dẫn dùng thuốc, ghế ngồi chờ. Thuốc men phải sắp xếp bảo quản theo đúng quy định, DS phải trực tiếp tư vấn chongườibệnh... Đếntháng 4-2008, TP đã có hơn 40 cơ sở được Sở Y tế công nhận Thực hành tốt nhà thuốc ở số 1, số 6 Cửa Đông, 5 Tuệ Tĩnh, Hoa Lâm (Long Biên), Trần Quốc Hoàn; Âu Cơ (Tây Hồ); Mai Động, Nguyễn Ngọc Nại, tập thể 101 Khương Trung, Đại Từ (Hoàng Mai), bệnh viện Da liễu TƯ... Nhưng để đạt chuẩn trên đại trà thì còn khó, nhiều nơi chật chội, không riêng biệt, thiếu dược sĩ, trình độ dược lâm sàng còn yếu...
Việc cung cấp, sử dụng thuốc trong thành phố hiện còn rất nhiều vấn đềkhó giải quyết: giá cao quá so với người nghèo, bác sĩ kê đơn ăn hoa hồng của người bán thuốc, nạn thuốc giả, thuốc quá hạn, kiến thức sử dụng hạn hẹp... Nhưng nhìn chung, phải thấy hơn 50 năm qua, đây là thời kì người dân được sử dụng thuốc men sướng nhất!
Đinh Văn Luân