Chuyển biến trong đầu tư, khai thác thiết chế văn hóa

Đời sống - Ngày đăng : 06:42, 21/03/2023

(HNM) - Trước những kiến nghị của cử tri và qua khảo sát, giám sát của đại biểu HĐND, tháng 4-2022, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã tổ chức phiên giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố. Gần một năm sau phiên giải trình, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương, đến nay lĩnh vực này đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Các quận, huyện, thị xã cần bố trí nguồn vốn, quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao còn thiếu. Trong ảnh: Một trận đấu bóng chuyền của người dân huyện Đông Anh.

Từ những kiến nghị… 

Phiên giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố Hà Nội được Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức vào ngày 25-4-2022. Ngay sau đó, Thường trực HĐND thành phố có Thông báo kết luận số 14/TB-HĐND ngày 29-4-2022, kiến nghị 12 vấn đề đối với UBND thành phố, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã nhằm thúc đẩy việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao.

Đáng quan tâm, Thường trực HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố chỉ đạo rà soát tổng thể, xây dựng phương án quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ, thống nhất, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, gắn với điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô, bảo đảm công tác quy hoạch phải đi trước một bước, định hình cho tương lai.

Đối với Sở Văn hóa và Thể thao, Thường trực HĐND thành phố yêu cầu tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản hướng dẫn quản lý, tổ chức hoạt động và các cơ chế để khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao.

Các quận, huyện, thị xã bố trí nguồn vốn, quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao còn thiếu; đáp ứng nhu cầu trước mắt và trong dài hạn có kế hoạch cải tạo, nâng cấp, đầu tư trang thiết bị, bảo đảm kinh phí thường xuyên để khai thác đồng bộ, hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao của địa phương…

… đến sự chuyển biến

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Bình cho biết, qua khảo sát việc thực hiện kết luận phiên giải trình cho thấy, UBND thành phố đã nhanh chóng chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã rà soát các thiết chế văn hóa, thể thao. Hiện nay tất cả các huyện đã cập nhật, điều chỉnh quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp thôn, xã, huyện trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, đối với nội dung kiến nghị của đại biểu HĐND thành phố về Trung tâm Văn hóa thành phố tại số 7 phố Phùng Hưng, quận Hà Đông khai thác kém hiệu quả gây lãng phí, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Văn hóa thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng của 30 quận, huyện, thị xã phục vụ quần chúng nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, giao Ban Quản lý dự án công trình dân dụng thành phố rà soát, xây dựng phương án cải tạo, sửa chữa hạ tầng kỹ thuật như sân, vườn, hàng rào, điện chiếu sáng và nhà để xe của Trung tâm Văn hóa thành phố.

Trong khi đó, các kiến nghị về dự án do UBND quận, huyện, thị xã quản lý, sử dụng đã được các địa phương nghiêm túc thực hiện. Tiêu biểu, UBND thị xã Sơn Tây đã thực hiện kiến nghị về đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng nhà văn hóa tổ dân phố 3 (phường Quang Trung), đến nay đã hoàn thành phân định ranh giới, thu hồi giải phóng mặt bằng và đang tiến hành các bước tiếp theo.

Còn quận Ba Đình, sau gần một năm nỗ lực thực hiện kiến nghị về Dự án cải tạo sửa chữa nhà sinh hoạt cộng đồng tại phường Nguyễn Trung Trực, đến nay đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, như: Phê duyệt dự toán, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chỉ định đơn vị quản lý dự án, chỉ định đơn vị thẩm tra báo cáo kinh tế kỹ thuật.

Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Quang Thắng cho biết, qua khảo sát, một số kiến nghị của đại biểu HĐND thành phố tại phiên giải trình được các địa phương thúc đẩy triển khai; nhiều nội dung đã được giải quyết dứt điểm. Một số vấn đề khó khăn do khách quan như thiếu quỹ đất, chưa thể giải quyết được ngay thì các địa phương đã có giải pháp tạm thời. Đơn cử như, nhiều địa phương thuộc các quận: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Thanh Xuân… “trắng” nhà văn hóa do thiếu quỹ đất đã áp dụng giải pháp các tổ dân phố sử dụng chung nhà văn hóa.  

Gần một năm qua, kiến nghị của các đại biểu HĐND thành phố đã và đang được UBND thành phố, các ngành, địa phương vào cuộc xử lý. Tuy vậy, cũng có kiến nghị chưa thể giải quyết ngay, vì còn liên quan đến các quy trình, thủ tục... Ông Nguyễn Hữu Dàng, cử tri phường Phú La, quận Hà Đông nhận xét: “Tôi theo dõi kỹ phiên giải trình và thấy, HĐND thành phố đã chọn vấn đề rất trúng, được người dân quan tâm. Hiện hạ tầng cơ sở một số khu đô thị còn thiếu, các thiết chế văn hóa, thể thao chưa đồng bộ. Mong rằng, vấn đề này tiếp tục được đại biểu HĐND thành phố giám sát, tạo sự chuyển biến tích cực, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân”.

Tuấn Việt