Văn hóa - nguồn lực nội sinh phát triển Thủ đô bền vững
Văn hóa - Ngày đăng : 06:13, 21/03/2023
Nguồn tài nguyên đa dạng và hấp dẫn
Mang trong mình sứ mệnh “đất kinh sư muôn đời” cùng đặc trưng hội tụ, kết tinh, lan tỏa văn hóa, Hà Nội đã trải qua bao biến động thăng trầm, những bước ngoặt lớn của lịch sử đất nước, thực sự trở thành “nơi lắng hồn núi sông ngàn năm”, góp phần xây đắp nên bề dày văn hiến, hào khí và tinh hoa văn hóa riêng có. Cho đến hôm nay, nơi đây vẫn là vùng tài nguyên văn hóa đa dạng, giàu có và hấp dẫn nhất đất nước, với hệ thống di sản văn hóa dày đặc, kết cấu hạ tầng phong phú cùng lớp lớp nhân tài là văn nghệ sĩ, trí thức, doanh nhân, thợ thủ công tài hoa.
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn, các nguồn tài nguyên văn hóa có mặt ở khắp mọi nơi trong thành phố là những yếu tố quan trọng để Hà Nội củng cố, bồi đắp nền văn hóa mới trên nền tảng ngàn năm văn hiến.
Vai trò và giá trị của văn hóa được thấm nhuần, đã và đang thể hiện rõ nét qua tinh thần, diện mạo của Hà Nội hôm nay. Những việc làm, hành động vì tình yêu Hà Nội góp phần đẩy lùi những hành vi phản văn hóa, mang lại một môi trường văn hóa an toàn và hấp dẫn hơn trong mắt cộng đồng và du khách. Một nền hành chính phục vụ, hành chính “nụ cười” đang tạo dấu ấn đậm nét nơi công sở, đưa năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội vào nhóm dẫn đầu cả nước. Có thể thấy, văn hóa ứng xử đã và đang trở thành một nguồn lực quan trọng, tạo nên sức cạnh tranh, sức hấp dẫn cho Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Thị Hương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, Hà Nội giờ đẹp hơn rất nhiều, chất lượng cuộc sống của nhân dân không ngừng được nâng lên; diện mạo của Thủ đô cũng có nhiều đổi thay, văn minh, hiện đại hơn… Ngay cả trong cung cách ứng xử, người Hà Nội cũng ghi dấu rất rõ về ý thức giữ gìn văn hóa, thấy khó chịu trước những điều phản văn hóa. Điều đó cho thấy, nền tảng, cái lõi văn hóa Hà Nội vẫn bền bỉ và đầy sức sống; những tấm lòng vì cộng đồng vẫn luôn được cổ xúy và cái đẹp, cái thiện vẫn luôn đứng vững trong xã hội.
Tập trung khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế
Là kinh đô ngàn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo, Hà Nội đã và đang được đặt ra rất nhiều kỳ vọng trong việc xây dựng Thủ đô “văn hiến - văn minh - hiện đại” xứng tầm với bề dày truyền thống và vai trò, vị trí trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, công nghệ và hội nhập quốc tế. Trong đó, với nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định: Phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống ngàn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô.
Trên tinh thần triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, Hà Nội đã đề ra nhóm giải pháp cho sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong giai đoạn mới. Hội thảo “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô "văn hiến - văn minh - hiện đại”" diễn ra hôm nay (21-3) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát huy truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến và anh hùng; huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế để xây dựng, phát triển Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long nêu quan điểm: “Với vốn văn hóa truyền thống đồ sộ, Hà Nội đang có điều kiện thuận lợi để bước vào quá trình hội nhập và phát triển. Vấn đề là thành phố chuẩn bị hành trang cho quá trình này như thế nào? Theo tôi, hành trang ấy không thể thiếu một thứ, đó là văn hóa Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Kiểm đếm, sắp xếp một cách khoa học tài sản văn hóa sẽ giúp chuẩn bị chu đáo hành trang cho giai đoạn phát triển mới và khẳng định vai trò của văn hóa trong phát triển, từ đó phát huy hiệu quả hơn nữa nguồn lực văn hóa, phục vụ cho quá trình phát triển Thủ đô”.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hương, muốn có con người văn hóa không thể không tạo ra những điều kiện sinh hoạt, cơ sở hạ tầng bồi dưỡng văn hóa. Hà Nội cần đầu tư cho chiều sâu văn hóa bằng việc tổ chức nhiều hơn các không gian văn hóa, sự kiện văn hóa giải trí; xây dựng, phát huy giá trị các thiết chế văn hóa; huy động sự vào cuộc của các phương tiện thông tin đại chúng, các gia đình, nhà trường và xã hội trong vận động, hình thành nếp sống tích cực, thái độ sống đúng mực, chung tay xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.