Cảnh ‘’chợ chiều’’ ở trung tâm thương mại

Kinh tế - Ngày đăng : 06:17, 21/03/2023

(HNM) - Những tưởng sau khi dịch Covid-19 được khống chế, các trung tâm thương mại ở Hà Nội sẽ hoạt động nhộn nhịp trở lại. Song trái ngược với dự đoán, các trung tâm thương mại lại đang rơi vào cảnh "chợ chiều". Ngay cả những ngày cuối tuần, tình cảnh đìu hiu vẫn diễn ra, lượng khách ngày càng thưa thớt...

Nhiều gian hàng tại Trung tâm thương mại Discovery Complex (quận Cầu Giấy) đã trả lại mặt bằng kinh doanh. Ảnh: Hoài Nam

Ế ẩm khách thuê

Nếu trước đây, nhà đầu tư giành giật vị trí đẹp ở các trung tâm thương mại để kinh doanh thì nay những vị trí được xem là đắc địa nhất cũng vắng vẻ.

Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại trung tâm thương mại Discovery Complex (quận Cầu Giấy) cho thấy rõ điều này. Mặc dù, nằm trên con phố sầm uất, đông người qua lại, song đến nay, hầu hết các gian hàng trong trung tâm đều đóng cửa ngừng kinh doanh, chỉ còn lác đác một vài thương hiệu cố bám trụ. Thậm chí, tại tầng 3 và 4 của trung tâm, các gian hàng đều đã đóng cửa, hệ thống thang cuốn không còn hoạt động.

Anh Lê Anh Thái, nhân viên bán hàng thời trang tại trung tâm thương mại Discovery Complex cho biết, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, nơi đây rất vắng khách. Khách vắng cộng thêm chi phí thuê gian hàng cao nên nhiều thương hiệu đã phải đóng cửa...

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại tòa tháp Mipec Tower (quận Đống Đa). Địa điểm này từng được kỳ vọng sẽ là trung tâm thương mại sầm uất, sôi động của thành phố Hà Nội nhưng tới nay, điều duy nhất khiến người dân tới đây là để xem phim tại Rạp chiếu phim CGV. Thậm chí, thang máy ở đây chỉ có thể sử dụng để đi từ khu vực hầm gửi xe lên tầng 1 sảnh của tòa tháp và tầng 5 là rạp chiếu phim, các tầng khác đều đã bị khóa. Hiện các gian hàng thuê đã đóng cửa, nhiều tầng bỏ không mặt bằng và được che lại bởi cửa sắt kín.

Các trung tâm thương mại khác như Big C Hồ Gươm ở đường Trần Phú (quận Hà Đông), Atemis Shopping Centre tại đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân), Lotte, Metropolis Liễu Giai (quận Ba Đình)… cũng rơi vào tình trạng ế ẩm khách thuê. Theo một chủ cửa hàng ở Big C Hồ Gươm, khi nơi này mới mở cửa thu hút hàng ngàn lượt khách vào những ngày cuối tuần. Nhưng hiện tại, hầu hết các gian hàng đều trong tình trạng vắng bóng người mua, dù liên tục trưng biển giảm giá.

Trung tâm thương mại tại tòa tháp Mipec Tower (quận Đống Đa) đóng cửa dừng hoạt động. Ảnh: Hoài Nam

Liệu có thể "giải cứu"?

Theo lý giải của chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, sau dịch Covid-19, càng ngày người dân càng thắt chặt chi tiêu trong điều kiện kinh tế có chiều hướng gặp nhiều khó khăn. Người tiêu dùng tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như nhu yếu phẩm, đồ ăn, uống thay vì mua sắm các loại quần áo, nội thất… Trong khi đó, mức độ cạnh tranh trong ngành bán lẻ đang ngày càng khốc liệt khi giá cả mua hàng hóa trong trung tâm thương mại vẫn đắt đỏ hơn so với mua ở các cửa hàng bên ngoài hay trên các trang thương mại điện tử. Việc kinh doanh khó khăn nên các gian hàng, thương hiệu buộc phải trả mặt bằng để cắt giảm chi phí.

Chỉ ra cách khắc phục tình trạng trên, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, không còn cách nào khác các trung tâm thương mại phải tính đến chuyện hạ giá mặt bằng cho các cửa hàng. Các trung tâm thương mại phải hạ giá thành cho thuê để đón người vào thuê, phải “lấy ngắn nuôi dài”, chia sẻ khó khăn chung với nhà đầu tư bán lẻ. Ngoài ra, các gian hàng tại trung tâm thương mại phải tổ chức lại hệ thống bán hàng, gắn kết sản xuất và phân phối một cách chặt chẽ, đưa giá gốc đến tận tay người tiêu dùng. Các nhà bán lẻ cũng nên chú trọng đến văn hóa kinh doanh, giải quyết khiếu nại về nguồn gốc hàng hóa, có chiến lược chống hàng giả, hàng nhái, tăng cường quản lý, kiểm soát nguồn hàng hóa nhập vào để có được lòng tin của người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia kinh tế, các trung tâm thương mại nên linh hoạt đáp ứng nhu cầu của các nhà bán lẻ, kích cầu bằng cách tạo thêm nhiều ưu đãi về giá thuê, vị trí mặt bằng để thu hút các thương hiệu bình dân, giá rẻ, tạo niềm tin và thói quen mua bán tại trung tâm thương mại cho người dân. Ngoài ra, các trung tâm cần phải có kế hoạch nâng cấp, cải tạo để bắt kịp xu hướng và đem lại những trải nghiệm mới cho khách hàng. Hiện nay, một số trung tâm thương mại đã thay đổi công năng các gian hàng, đầu tư mới, có chính sách hỗ trợ chi phí gửi xe máy, ô tô cho khách hàng… để thu hút, kích cầu mua sắm. Cùng với đó bố trí không gian hợp lý giữa khu vực mua sắm, kết hợp với giải trí, dịch vụ để định vị thị phần khách thuê.

Về tình trạng "chợ chiều" ở trung tâm thương mại, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thành phố sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư các loại hình thương mại, trong đó có trung tâm thương mại. Về phía Sở Công Thương Hà Nội cũng đã phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn. Tuy nhiên, ở góc độ các trung tâm thương mại thì việc thu hút các nhà đầu tư đến thuê mặt bằng là điều quan trọng và mỗi đơn vị cần có chiến lược riêng để “giải cứu” tình trạng vắng bóng người mua hàng...

Nhóm phóng viên