Sữa Ba Vì và bước chuyển ngoạn mục
Kinh tế - Ngày đăng : 13:21, 26/09/2008
Từ cú hích mang tên mê-la-min!
Từ chính vụ "xì-căng-đan" đó mà liên tiếp trong những ngày qua, sản lượng sữa nội trên địa bàn thành phố Hà Nội với thương hiệu Ba Vì đã có "pha" lội ngược dòng, quay trở lại sàn đấu thị trường một cách ngoạn mục. Có thể nói, ở thời điểm này, tất cả các đại lý sữa Ba Vì trên địa bàn Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây vào buổi sáng sớm khi trẻ cần đến trường bán hàng không kịp thở - "đắt như tôm tươi".
Ngay tại khu chợ Vồ - chợ cóc trong địa bàn Hà Đông những ngày khi chưa có sự cố melamine thì dù loa của nhà sản xuất sữa Ba Vì có mở hết công suất mời chào thực khách thì trong ngày cũng chỉ tiêu thu được vài thùng. Nhưng ngay một ngày khi có thông tin về sữa TQ nhiễm độc, cửa hàng nhỏ đó đã có số lượng tiêu thu sữa tăng vọt lên đến 20 thùng. Khi thông tin dồn dập hơn về việc sữa TQ có mặt ở thị trường Việt
Các đại lý Cẩm Tú, Phương Hoa... cho biết: Cả tuần qua họ đã tăng cường nhân viên bán hàng mà vẫn không kịp phục vụ khách. Các sản phẩm sữa chua, ca-ra-men, bánh sữa làm từ sữa tương Ba Vì đều được khách du lịch "tranh nhau" mua về làm quà, mua dự trữ 3-4 ngày trong nhà cho con trẻ. Đặc biệt các sản phẩm được chế biến từ sữa dê lại càng thu hút khách hàng hơn. Có ngày nhiều đại lý đã "phải" đóng cửa sớm hơn thường lệ vì hết khách.
Dạo qua một số đại lý sữa Ba Vì ở Hà Đông và một số siêu thị đều dễ nhận thấy các bà nội trợ đã nhanh tay hơn trong việc lựa chọn sản phẩm sữa Ba Vì. Thu - một nhân viên bán hàng cho biết trước đây đại lý của cô chỉ bán được chút ít hàng, còn chủ yếu đi đưa cho các điểm bán lẻ, nhất là điểm gần cổng trường học. Nay, thì "thời thế" đổi thay, đại lý của chị cũng bán ra ngót nghét cả chục triệu tiền hàng mỗi ngày. Khi chia tay chúng tôi với nụ cười "khuyến mại" trên môi Thu vẫn không khỏi tiếc nuối: Giá bây giờ ở nội thành mình có nhiều đại lý sữa Ba Vì hơn thì tốt biết mấy!
Có lẽ đúng vậy! Bởi không phải chỉ đến bây giờ sữa Ba Vì mới nổi danh, nhưng mà sự nổi danh ấy cũng mới chị bó hẹp trong phạm vi Hà Nội, còn việc vươn ra để có các đại lý ở nhiều tỉnh thành như sữa Mộc Châu thì sữa Ba Vì chưa "với tới". Có chăng từ chính cú hích "trời cho" này và những lời hứa cũng như những giải pháp của các nhà lãnh đạo, nhà khoa học tại hội thảo: "Xây dựng thương hiệu cho sữa Ba Vì" mới vừa được tổ chức sẽ là bàn đạp để nông dân Ba Vì thẳng tiến thị trường với một con đường "sáng" hơn những năm trước đây.
Làm ăn ngay thẳng ắt hẳn thắng lợi!
Còn nhớ thời kỳ những năm 1996, đàn bò sữa của huyện Ba Vì mới chỉ dừng ở con số hơn ngàn con thôi người nông dân đã không tìm thấy đầu ra cho sản phẩm. Lúc bấy giờ các đại lý nhận tiêu thụ sữa chưa nhiều như hiện nay và cũng đã có thời điểm giá sữa tươi rẻ như cho mà vẫn không có người mua. Nhất là vào thời điểm có dịch lở mồm, long móng; dịch bò điên... thì sữa tươi của các nhà nông cũng lâm vào cảnh "xả cống" chứ không có cách nào tiêu thụ hết. Và càng không bao giờ nghĩ đến việc pha chế chất phụ gia gì đó để bảo quản sữa được lâu hơn - chị Trần Thị Hồng, xã Tản Lĩnh cho biết.
Vượt qua mọi khó khăn, những người nông dân chân chất vẫn bám trụ với đồng cỏ Ba Vì, thắt lưng, buộc bụng chăm bẵm đàn bò đợi thời cơ khôi phục giá sữa. Nhờ đó đến thời điểm hiện tại, đàn bò của huyện đã tăng lên 152 ngàn con; trong đó đàn bò sữa trên 3.500 con. Sữa Ba Vì đã vượt khỏi "cửa ải" chỉ tiêu dùng trong nông hộ thông qua chế biến phục vụ khách du lịch đế tiến tới trở thành bạn hàng của nhiều công ty, doanh nghiệp. Khi đàn bò tăng, lượng sữa dồi dào có thêm Công ty Nesle' nay thuộc Công ty thực phẩm Anco, rồi Công ty CP sữa quốc tế và hàng trăm cơ sở chế biến sữa tư nhân ra đời. Các cửa hàng bán sữa tươi Ba Vì không chỉ dừng lại trong địa bàn mà lan rộng ra các vùng dọc quốc lộ 21B từ Sơn Tây đi Xuân Mai. Cùng với đó sự vào cuộc của một trung tâm phát triển chăn nuôi gia súc lớn thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Hà Tây với 12 trạm thu mua sữa tươi rộng khắp toàn tỉnh, hàng năm cung cấp nguyên liệu cho nhà máy sữa hàng ngàn tấn để chế biến. Do vậy, người nông dân không còn phải lo vấn đề đầu ra.
Chúng tôi ghé thăm gian hàng sữa tươi Quận Chúa của chị Nguyễn Thùy Dung ở Hà Đông - cửa hàng của gia đình chị đã nổi danh từ 6-7 năm nay nhờ khép kín công đoạn chăn nuôi, chế biến đảm bảo ATVSTP. Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, để có những đồng vốn nhỏ bé gây dựng cơ nghiệp, chị Dung đã trở thành hội viên tích cực của Hội phụ nữ phường, thành phố. Chắt chiu từng đồng vốn, lại được Hội LHPN tỉnh Hà Tây (cũ) tạo điều kiện cho thuê mặt bằng để bán sản phẩm, gia đình chị Dung tự chăn nuôi bò sữa, vắt và chế biến thành sản phẩm cung ứng trên địa bàn. Hiện nay trang trại của gia đình chị đã có hơn 30 con bò sữa. Nguồn nguyên liệu tự cung, tự cấp cho cửa hàng Quận Chúa đã dư thừa, chị ký hợp đồng giao sữa cho nhiều đại lý khác. Cũng cùng cung cách làm ăn như của chị Dung, chị Nguyễn Thị Liễu ở xã Tản Lĩnh, một trong những hộ dân giàu lên nhờ nuôi bò sữa cho biết: Trang trại của chị có hơn 60 con bò sữa, bình quân mỗi con đạt từ 28-30kg sữa/ngày. Với đàn bò này, mỗi năm gia đình chị thu về vài trăm triệu đồng. Hiện nay, huyện Ba Vì có hàng trăm hộ dân nuôi từ 10-20 con bò sữa. Theo tính toán, nuôi một con bò sữa hiện giá trị bằng canh tác 1,5ha lúa. Trung bình, mỗi con bò sữa cho 20-30 lít sữa/ngày, trừ chi phí, mỗi con lãi gần hai triệu đồng/tháng. Như vậy, nếu biết tận dụng lợi thế sau sự cố sữa TQ nhiễm melamine và có sự vào cuộc của nhiều ngành, sữa nội Ba Vì và nhưng người nông dân lam làm, chân chất sẽ có cơ hội hiên ngang như dãy núi Tản mà thẳng tiến vào thị trường.
Thanh Dung